Sinh viên thực hành tại Trung tâm sản xuất tiên tiến (AMC) tại Trường Đại học EIU. Ảnh minh họa: Dương Chí Tưởng/TTXVN
Ông Thái Ngọc Quí (Hậu Giang) hỏi, Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng ban hành kèm theo Thông tư số 05/2023/TT-BLĐXH áp dụng cho cả trường công lập và tư thục hay chỉ có trường tư thục mới được áp dụng?
Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội tại địa phương của ông Quí cho biết, chỉ giải quyết giảm học phí ngành nghề độc hại cho trường tư thục, còn học sinh, sinh viên trường công lập thì trường phải tự giải quyết.
Về vấn đề này, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội trả lời như sau:
Căn cứ quy định tại Điểm b Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP ngày 27/8/2021 của Chính phủ quy định về cơ chế thu, quản lý học phí đối với cơ sở giáo dục thuộc hệ thống giáo dục quốc dân và chính sách miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập; giá dịch vụ trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo thì học sinh, sinh viên học một số nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm đối với giáo dục nghề nghiệp theo Danh mục nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm do Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội quy định được giảm 70% học phí.
Hiện nay, Danh mục ngành, nghề học nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm trình độ trung cấp, trình độ cao đẳng được quy định tại Thông tư số 05/2023/TT-BLĐTBXH ngày 15/6/2023 của Bộ trưởng Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội. Chính sách này không phân biệt đối với người học trường công lập hay ngoài công lập.
- Đối với người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp ngoài công lập: Cơ chế miễn, giảm học phí được thực hiện theo quy định tại Khoản 3 Điều 20 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, theo đó: Nhà nước cấp trực tiếp tiền miễn, giảm học phí cho các đối tượng thuộc diện được miễn, giảm học phí.
Phương thức chi trả tiền miễn, giảm học phí, hỗ trợ chi phí học tập đối với người học ở các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục; cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế quy định tại Khoản 1 Điều 22 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, theo đó: Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chịu trách nhiệm chi trả, quyết toán kinh phí miễn, giảm học phí trực tiếp cho cha mẹ hoặc người giám hộ của học sinh; sinh viên đang học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp tư thục, cơ sở giáo dục nghề nghiệp thuộc doanh nghiệp nhà nước, tổ chức kinh tế.
- Đối với người học tại các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập: Cơ chế miễn, giảm học phí được thực hiện theo quy định tại Điểm b Khoản 2 Điều 20 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, theo đó: Nhà nước cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho các cơ sở giáo dục nghề nghiệp công lập để thực hiện chính sách miễn, giảm học phí đối với người học thuộc các đối tượng miễn, giảm học phí.
Phương thức cấp bù tiền miễn, giảm học phí quy định tại Khoản 1 Điều 21 Nghị định số 81/2021/NĐ-CP, theo đó: Kinh phí thực hiện cấp bù tiền miễn, giảm học phí cho cơ sở giáo dục công lập được ngân sách nhà nước cấp hằng năm theo hình thức giao dự toán.
Như vậy việc Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội chỉ giải quyết cho các trường hợp người học thuộc đối tượng được miễn, giảm học phí theo học tại các cơ sở giáo dục ngoài công lập là đúng quy định tại Nghị định số 81/2021/NĐ-CP.
Theo Chinhphu.vn