Chi vài chục triệu phòng rủi ro, DN ở Hải Phòng có thể nhận hơn 20 tỷ sau bão

Chi vài chục triệu phòng rủi ro, DN ở Hải Phòng có thể nhận hơn 20 tỷ sau bão
3 giờ trướcBài gốc
"Còn may vì có bảo hiểm"
Gần một tháng sau bão số 3, Công ty TNHH Việt Trường (Đồ Sơn, Hải Phòng) vẫn trong cảnh hoang tàn do hệ thống 5 nhà xưởng bị tốc mái. Toàn bộ kho hàng đông lạnh, hàng nghìn tấn thủy sản gần như phải hủy bỏ và không còn đủ tiêu chuẩn xuất khẩu do sự cố mất điện lưới trong 5 ngày liên tiếp. 60ha nuôi trồng thủy sản cũng bị bão cuốn trôi.
Theo ước tính của doanh nghiệp, mức độ thiệt hại trước mắt hơn 100 tỷ đồng, chưa kể bỏ lỡ cơ hội kinh doanh, đối tác nước ngoài phạt hợp đồng. Công nhân chưa thể trở lại làm việc do nhà máy mới chỉ hoạt động khoảng 50% công suất.
Ước tính cần ít nhất 5 năm nữa, Việt Trường mới có thể phục hồi hoàn toàn như thời điểm trước bão Yagi.
Các doanh nghiệp thành viên của Hiệp hội Chế biến và Xuất khẩu thủy sản (VASEP) từ miền Nam và miền Trung, đã cử đội kỹ sư và thợ cơ khí ra hỗ trợ Việt Trường khắc phục sự cố.
Nhà xưởng bị ảnh hưởng sau bão. Ảnh: Tuân Nguyễn
Ông Ngô Minh Phương, Giám đốc điều hành Công ty TNHH Việt Trường, cho biết doanh nghiệp chưa thể mua nguyên vật liệu để sửa chữa mái và trần, trước mắt đành phải tạm hài lòng với phương án chắp vá theo kiểu “lấy chỗ nọ đắp chỗ kia”, tập trung cho các vị trí trọng yếu.
“Hiện công ty mới chỉ vận hành trở lại khoảng 50% công suất do không có tiền mua nguyên liệu và trả lương nhân viên. Chúng tôi vẫn còn may mắn vì đã mua bảo hiểm rủi ro đặc biệt, trong khi 100% các hộ dân nuôi trồng thủy sản trong khu vực rơi vào cảnh trắng tay vì không mua bảo hiểm”, ông Phương nói.
Được biết, số tiền Việt Trường bỏ ra để mua bảo hiểm tại Công ty Bảo hiểm Agribank (ABIC) là 30 triệu đồng. Gói bảo hiểm này có giá trị bồi thường tối đa 80 tỷ đồng. Xét theo tỷ lệ trên tổng giá trị hàng tồn kho, doanh nghiệp này được bồi thường bảo hiểm trên 20 tỷ đồng.
Công ty mới chỉ nhận được 2 tỷ đồng tạm ứng bồi thường từ ABIC.
Trao đổi với VietNamNet, bà Nguyễn Thị Thanh Tâm, Phó giám đốc ABIC Chi nhánh Hải Phòng, cho biết thống kê đến thời điểm hiện nay, Hải Phòng, Quảng Ninh và Hải Dương có 300 khách hàng thuộc trường hợp được bồi thường, số tiền bồi thường khoảng 300 tỷ đồng.
“Việc khắc phục, sửa chữa diễn ra trong thời gian dài. Để chi trả hoàn toàn cho khách hàng cần phải chờ kết luận của đơn vị giám định độc lập, trước mắt công ty chỉ có thể tạm ứng bồi thường”, bà Tâm nói.
Theo ông Phương, với doanh nghiệp hiện tại, một đồng cũng quý nên việc nhận tạm ứng bồi thường giúp công ty có tiền chi trả lương cho công nhân, phần nhỏ còn lại sẽ được dùng để sửa chữa nhà máy. Ông mong rằng, quá trình bồi thường sớm hoàn tất để công ty sớm tái đầu tư, quay lại hoạt động càng sớm càng tốt.
Đề xuất Nhà nước hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm nông nghiệp
Theo ông Nguyễn Hoài Nam, Phó Tổng thư ký VASEP, doanh nghiệp thủy sản không chỉ thiệt hại trực tiếp do bão gây ra mà thiệt hại lớn nhất là cơ hội kinh doanh. “Để sửa sang nhà máy đưa vào vận hành sau bão cần ít nhất một tuần, chưa kể các nguyên liệu đầu vào cũng bị ảnh hưởng nên không thể có ngay”, ông Nam nói.
Ông Trần Đình Luân, Cục trưởng Cục Thủy sản (Bộ NN&PTNT), cho biết tổng diện tích nuôi trồng thủy sản tại Quảng Ninh và Hải Phòng bị thiệt hại lên đến trên 3.000ha với trên 14.000 lồng cá, trong đó có trên 12.000 lồng nuôi trên biển. Ước tính thiệt hại đối với những người nuôi trồng thủy sản trên 6.000 tỷ đồng.
Theo ông Luân, bảo hiểm trong lĩnh vực nông nghiệp đến nay chưa được phổ biến rộng rãi, nguyên nhân xuất phát từ hai phía. Bộ NN&PTNT đang đề xuất Chính phủ có chính sách hỗ trợ một phần chi phí bảo hiểm cho lĩnh vực rủi ro như nuôi biển, để câu chuyện bảo hiểm cho người nuôi trồng thủy sản được làm thường xuyên, liên tục.
Doanh nghiệp đang nỗ lực hoạt động trở lại. Ảnh: Tuân Nguyễn
Bên cạnh sự hỗ trợ của ngân hàng trong việc hạ lãi vay, cơ cấu lại nợ, Bộ NN&PTNT kêu gọi các doanh nghiệp cung cấp vật tư đầu vào chung tay hỗ trợ người dân phục hồi sản xuất.
“Đã có những doanh nghiệp mong muốn đồng hành cùng với người dân từ khâu cung cấp con giống, hướng dẫn xử lý môi trường, có những doanh nghiệp cam kết hỗ trợ theo chuỗi sản xuất, thu mua sản phẩm”, ông Luân nói.
NHNN đang xây dựng một thông tư mới quy định về việc cơ cấu lại thời hạn trả nợ cho các khách hàng bị ảnh hưởng bởi bão số 3. NHNN sẽ trình Chính phủ quyết định giữ nhóm nợ cho những khoản vay được cơ cấu lại thời hạn trả nợ này. Hiện thông tư này được gửi đi lấy ý kiến các bên liên quan, trước ngày 3/10 sẽ gửi ý kiến của các bên về NHNN để tổng hợp và trình Chính phủ cơ chế giữ nguyên nhóm nợ.
Tuân Nguyễn
Nguồn VietnamNet : https://vietnamnet.vn/chi-vai-chuc-trieu-mua-bao-hiem-dn-o-hai-phong-co-the-nhan-boi-thuong-hon-20-ty-sau-bao-2328529.html