Bức tranh “Khí thế hào hùng 30-4” tái hiện thời khắc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập, được thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh (42 tuổi, giáo viên bộ môn Mỹ thuật, Trường Phổ thông Hermann Gmeiner Vinh, TP Vinh Nghệ An) thể hiện bằng chất liệu phấn màu trên bảng.
Bức tranh của thầy Nguyễn Trí Hạnh vẽ bằng phấn trên bảng tại của phòng chức năng của trường nhằm tái hiện thời khắc lịch sử.
Tác phẩm đẹp mắt và sinh động, hào hùng của thầy Hạnh được nhiều học sinh, giáo viên ghi, chụp lại, đăng tải lên trang cá nhân và các diễn đàn
Nhiều người khen bức tranh sinh động, đẹp, ý nghĩa và khen ngợi thầy giáo nồng nàn tình yêu đất nước với bàn tay tài hoa “vẽ phấn trên bảng như tranh màu 3D”.
Thầy Hạnh cho biết: “Sau những ngày ấp ủ, tôi quyết định tái hiện lại thời khắc lịch sử ngày 30-4-1975 tại cổng Dinh Độc Lập để lan tỏa và truyền cảm hứng cho các em học sinh và các tầng lớp nhân dân. Qua đó, bày tỏ sự tri ân đến những người anh hùng, những chiến sĩ đã hiến dâng tuổi trẻ để đất nước nở hoa độc lập, kết trái tự do”.
Tác phẩm vẽ bằng phấn trên bảng của thầy giáo Nguyễn Trí Hạnh.
Theo thầy Hạnh, chứng kiến bầu không khí người dân khắp mọi miền đất nước đang hân hoan chào đón kỷ niệm 50 năm ngày thống nhất non sông còn cẩn thận tìm hiểu nhiều tài liệu trên sách, báo rồi mới quyết định mua một hộp phấn vẽ. Trước khi bắt tay vẽ, thầy Hạnh cũng cẩn thận hỏi thêm về hình ảnh, tư liệu của đồng nghiệp dạy môn Lịch sử.
Thầy Nguyễn Trí Hạnh tái hiện thời khắc xe tăng húc đổ cổng Dinh Độc Lập bằng phấn màu trên bảng lớp.
Với một hộp phấn màu, thầy Hạnh bắt đầu vẽ trên bảng tại phòng chức năng của trường với thời gian hai buổi sau giờ lên lớp (từ 10 đến 11-4). “Xe tăng với nhiều chi tiết nhỏ khó vẽ nhất và còn liên quan đến phối màu phấn để tạo những gam màu sinh động” - thầy Hạnh chia sẻ.
Thầy Hạnh mong muốn nghệ thuật vẽ bảng bằng phấn màu sẽ sớm được công nhận, sánh ngang với các chất liệu nghệ thuật khác. Cạnh đó, khi nhìn vào bức tranh “Khí thế hào hùng 30-4”, các em học sinh sẽ thêm yêu, hiểu lịch sử và đam mê, hứng thú tìm hiểu lịch sử hơn.
Thầy Nguyễn Trí Hạnh (bên ngoài) và thầy Nguyễn Trung Hiếu bên tác phẩm thầy Hạnh vừa hoàn thành.
Sau khi ngắm bức tranh, thầy Nguyễn Trung Hiếu, giáo viên môn Lịch sử, Trường THPT Chuyên Phan Bội Châu bày tỏ: “Cảm ơn đồng nghiệp đã gửi gắm tình cảm, tình yêu và tình nghĩa thông qua tác phẩm vẽ bằng một hộp phấn màu bình thường trên bảng. Giáo viên dạy mỹ thuật thì nhiều, nhưng không phải ai cũng có một lối đi riêng như vậy”.
Thời gian qua, thầy Hạnh đã vẽ gần 500 tác phẩm với mỗi tác phẩm là một câu chuyện, một sự kiện cụ thể xảy ra trong đời sống như di tích lịch sử, văn hóa và danh lam thắng cảnh.