Đa dạng hóa các hình thức tuyên truyền, góp phần thực hiện phát triển kinh tế - xã hội, giảm nghèo bền vững ở Như Xuân. Ảnh: Dương Bích
Triển khai thực hiện chương trình MTQG
Trong những năm qua công tác giảm nghèo nói chung, đặc biệt là việc triển khai, thực hiện các dự án, Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững trên địa bàn huyện được các cấp ủy Đảng, chính quyền quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ từ huyện đến cơ sở, đã thu được nhiều kết quả đáng phấn khởi. Thực hiện Tiểu dự án 1 (Hỗ trợ phát triển sản xuất trong lĩnh vực nông nghiệp) thuộc Dự án 3 (Hỗ trợ phát triển sản xuất, cải thiện dinh dưỡng) thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, giai đoạn 2021-2024, huyện Như Xuân đã hỗ trợ cho 381 hộ dân thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo và hộ mới thoát nghèo trên địa bàn 11 xã, tham gia 11 dự án phát triển sản xuất cộng đồng; với mức hỗ trợ bình quân từ 300 triệu đến 490 triệu đồng/dự án.
Từ nguồn vốn của Nhà nước thông qua các dự án hỗ trợ phát triển sản xuất, người dân được hỗ trợ con giống, vật tư sản xuất, được tập huấn kỹ thuật sản xuất, mua giống trâu, bò sinh sản và 22.660 con gà giống; tham gia 9 lớp tập huấn. Thông qua nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững, lồng ghép với các chương trình, dự án khác và nguồn lực của địa phương, các nguồn lực xã hội hóa, hạ tầng cơ sở được quan tâm đầu tư, thuận lợi cho phát triển sản xuất, giải quyết việc làm, tạo thu nhập cho người dân; tạo điều kiện thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn huyện. Đời sống Nhân dân được cải thiện rõ rệt, đã tác động trực tiếp làm giảm tỷ lệ hộ nghèo của huyện (cuối năm 2024 giảm còn 5,69%), góp phần nâng cao đời sống người dân nông thôn, nâng cao chất lượng thực hiện các tiêu chí XDNTM.
Lũy kế đến hết năm 2024, số xã đạt chuẩn NTM toàn huyện Như Xuân ước đạt 6 xã; có 63 thôn đạt chuẩn NTM; 7 thôn công nhận thôn NTM kiểu mẫu; 1 xã đạt chuẩn NTM nâng cao; bình quân toàn huyện đạt 15,5 tiêu chí/xã, tăng 0,7 tiêu chí/xã so với cùng kỳ. Căn cứ nguồn vốn sự nghiệp được giao, UBND huyện đã phân bổ kế hoạch vốn thực hiện các tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững kịp thời, đúng tiến độ; chỉ đạo các xã, thị trấn, cơ quan đơn vị huy động tối đa nguồn lực vốn đối ứng để thực hiện. Công tác phân bổ, quản lý, sử dụng vốn các chương trình MTQG nói chung và Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững nói riêng được quản lý chặt chẽ, đảm bảo tiết kiệm, hiệu quả.
Thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội
Việc thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng - an ninh trên địa bàn huyện có nhiều thuận lợi. Kinh tế tiếp tục ổn định, đời sống Nhân dân, việc làm, an sinh xã hội được đảm bảo. Tuy nhiên, bên cạnh những thuận lợi cũng gặp không ít khó khăn do tình hình trong nước và thế giới còn nhiều biến động, khó dự báo; sức ép lạm phát vẫn còn; dịch bệnh, biến đổi khí hậu tiếp tục diễn biến khó lường... Song, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền, tham gia tích cực của MTTQ, các đoàn thể chính trị - xã hội và sự nỗ lực phấn đấu của các tầng lớp Nhân dân trong huyện, đồng thời tranh thủ sự giúp đỡ, chỉ đạo, tạo điều kiện của cấp trên, kinh tế - xã hội của huyện Như Xuân tiếp tục phát triển, đạt được kết quả khá, quốc phòng - an ninh được giữ vững. Hằng năm, số lao động được giải quyết việc làm mới trong và ngoài huyện khoảng 1.400 người (trong đó xuất khẩu lao động từ 160 người/năm trở lên) đã góp phần tăng thêm thu nhập, chuyển đổi cơ cấu lao động. Chuyển dịch cơ cấu sản xuất, tỷ trọng lao động trong các ngành chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lao động trong các ngành nông, lâm nghiệp và thủy sản trong tổng số lao động làm việc trong các ngành kinh tế năm 2024 giảm xuống còn 54,90%. Tỷ lệ lao động qua đào tạo, lao động có việc làm năm 2024 là 21,20%.
Phó Chủ tịch UBND huyện Như Xuân, ông Lê Anh Tuấn cho biết: Phát huy những kết quả đã đạt được, năm 2025 và những năm tiếp theo, huyện Như Xuân tiếp tục xác định xóa đói, giảm nghèo là một trong những chính sách ưu tiên trong phát triển kinh tế - xã hội của cả hệ thống chính trị, là mục tiêu, nhiệm vụ trọng tâm, xuyên suốt dài kỳ. Trong quá trình lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện, huyện luôn dành sự quan tâm, ưu tiên tới vùng còn tỷ lệ hộ nghèo cao như vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS. Về chủ trương, phải đúng trọng tâm, đúng trọng điểm; về chỉ đạo, phải quyết liệt, biết khối lượng công việc, lực lượng thực hiện, thời hạn hoàn thành; về chủ trì, phải gương mẫu, tận tụy, sâu sát, dân chủ, sáng tạo nhưng đúng pháp luật của Nhà nước. Đồng thời đa dạng các hình thức truyền thông về giảm nghèo. Xây dựng kế hoạch giảm nghèo sát với điều kiện thực tế của từng xã, xác định rõ nguyên nhân nghèo, đối tượng hộ nghèo có khả năng thoát nghèo để tác động, hỗ trợ; lồng ghép với thực hiện các chính sách, cơ chế đặc thù, các biện pháp đột phá, nhằm thực hiện có hiệu quả công tác giảm nghèo trên địa bàn.
Tích cực giải quyết việc làm cho người lao động, gắn với đào tạo nguồn nhân lực, nhất là đào tạo nghề ngắn hạn cho người lao động ở nông thôn trong lĩnh vực nông nghiệp và phi nông nghiệp nhằm nâng cao kiến thức tay nghề, đủ điều kiện tham gia thị trường lao động chất lượng cao, đẩy mạnh công tác xuất khẩu lao động. Xã hội hóa các hoạt động xóa đói, giảm nghèo, phát động phong trào quần chúng sâu rộng trong toàn huyện, đặc biệt là trong xây dựng Quỹ vì người nghèo. Tiếp tục phát huy vai trò của Ủy ban MTTQ các cấp trong việc giám sát thực hiện chương trình; huy động sự vào cuộc của các doanh nghiệp, nhà hảo tâm trong việc nâng cao đời sống tinh thần và vật chất của người nghèo; thực hiện tốt phong trào thi đua “Vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”.
Bùi Huấn