Lời giải cho những mâu thuẫn quốc tế
Trong suốt chiều dài lịch sử, chiến tranh từng được coi là phương tiện tối thượng để giải quyết những mâu thuẫn về lợi ích và quyền lực. Tuy nhiên, chính những tổn thất nặng nề về con người và sự tàn phá kéo dài mà chiến tranh để lại đã chứng minh rằng, ngoại giao và đối thoại không chỉ là sự lựa chọn thay thế mà là con đường duy nhất dẫn đến hòa bình bền vững. Trong bối cảnh thế giới hiện đại đối mặt với vô vàn thách thức, từ xung đột sắc tộc, tranh chấp lãnh thổ đến các mâu thuẫn lợi ích kinh tế và chính trị, vai trò của đối thoại càng trở nên quan trọng hơn bao giờ hết.
Ngày nay, khi các cuộc khủng hoảng và xung đột kéo dài làm khuynh đảo nhiều khu vực trên thế giới, ngoại giao tiếp tục chứng minh giá trị của mình như một công cụ hiệu quả để giảm bớt căng thẳng và thúc đẩy sự hòa giải. Dù ở những khu vực bất ổn nhất, từ Trung Đông đến Đông Âu, thực tế đã chỉ ra rằng, đối thoại, chứ không phải vũ lực, mới là chìa khóa để hóa giải những bất đồng sâu sắc và kiến tạo hòa bình.
Lực lượng gìn giữ hòa bình Việt Nam lên đường thực hiện nhiệm vụ của Liên hợp quốc tại Phái bộ UNISFA.
Ngày 27/11/2024, một bước tiến đáng chú ý đã diễn ra ở Trung Đông khi thỏa thuận ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hezbollah tại Lebanon chính thức có hiệu lực. Các bên đều bày tỏ sự hoan nghênh và nhấn mạnh thỏa thuận này là bước đầu tiên hướng tới việc đảo ngược tình trạng leo thang căng thẳng nguy hiểm trên khắp khu vực sẽ thúc đẩy các nỗ lực quốc tế lớn hơn nhằm chấm dứt chiến tranh ở Dải Gaza. Dù chỉ mang tính tạm thời, việc ngừng bắn đã cho thấy khả năng của ngoại giao trong việc thiết lập các “khoảng lặng hòa bình” ngay cả giữa những xung đột gay gắt nhất.
Những nỗ lực thúc đẩy ngừng bắn giữa Israel và Phong trào Hamas tại Dải Gaza cũng được các nhà trung gian hòa giải triển khai không ngừng nghỉ. Dù kết quả còn hạn chế, những nỗ lực ngoại giao này đã phần nào giảm bớt sự leo thang bạo lực, đồng thời đặt nền móng cho các thỏa thuận hòa giải tiềm năng trong tương lai. Những tín hiệu hòa hoãn, dù nhỏ bé, vẫn cho thấy rằng đối thoại là con đường duy nhất để đạt được một giải pháp bền vững.
Tại châu Âu, trong bối cảnh cuộc xung đột Nga - Ukraine tiếp tục thu hút sự chú ý toàn cầu, các nỗ lực ngoại giao nhằm tìm kiếm giải pháp hòa bình cũng không ngừng được thúc đẩy. Phía Nga đã nhiều lần nhấn mạnh rằng họ chưa bao giờ từ chối và vẫn để ngỏ khả năng nối lại các cuộc đàm phán với Ukraine, với điều kiện bất kỳ thỏa thuận nào liên quan cũng cần phải tính đến lợi ích an ninh của Moscow. Trong khi đó, hồi tháng 7/2024, Kiev cũng đã đưa ra các điều kiện cho một cuộc đàm phán hòa bình, bao gồm yêu cầu Moscow rút quân khỏi các vùng lãnh thổ mà Ukraine tuyên bố chủ quyền. Những diễn biến này cho thấy rằng, mặc dù có những khác biệt sâu sắc, cả hai bên vẫn để ngỏ khả năng đối thoại. Việc tiếp tục thúc đẩy các cuộc đàm phán và tìm kiếm giải pháp hòa bình thông qua ngoại giao là con đường khả thi nhất để chấm dứt xung đột và mang lại ổn định cho khu vực.
Trên thực tế, những ví dụ trên không chỉ minh họa cho sức mạnh của ngoại giao mà còn nhấn mạnh rằng, hòa bình không thể đạt được bằng các biện pháp quân sự đơn thuần. Lịch sử đã chứng minh, bạo lực, dù có mang lại những thắng lợi tạm thời, chỉ để lại những hệ lụy dài lâu: sự mất mát về con người, tàn phá về kinh tế và những vết thương sâu sắc về mặt xã hội. Ngược lại, đối thoại có khả năng xây dựng lòng tin, tạo ra những nền tảng bền vững cho sự hợp tác và giúp các bên vượt qua những khác biệt tưởng chừng không thể hóa giải.
Ngoại giao không chỉ là một công cụ để ngăn chặn xung đột, mà còn là một chiến lược dài hạn nhằm kiến tạo hòa bình và thúc đẩy phát triển. Hay nói cách khác, trong khi bạo lực chỉ mang lại sự chia rẽ, đối thoại có thể khôi phục niềm tin và tạo động lực để hướng tới một tương lai mà hòa bình và hợp tác là các giá trị phổ quát.
Lực lượng gìn giữ hòa bình của Liên hợp quốc hoạt động tại Lebanon.
Nhìn về tương lai, ngoại giao cần tiếp tục được đẩy mạnh như một nền tảng cho sự phát triển toàn diện của nhân loại. Khi các quốc gia và cộng đồng đặt niềm tin vào sức mạnh của đối thoại, không chỉ những mâu thuẫn hiện tại mà cả những thách thức lớn hơn, như biến đổi khí hậu, an ninh lương thực và khủng hoảng năng lượng cũng sẽ tìm thấy những giải pháp hiệu quả hơn. Trong thời đại đầy biến động này, ngoại giao chính là ngọn hải đăng dẫn lối, đưa nhân loại tiến về phía trước, nơi hòa bình, ổn định và thịnh vượng không còn là những mục tiêu xa vời mà trở thành hiện thực chung cho tất cả.
Tết - dịp khơi dậy tinh thần hòa hợp và yêu chuộng hòa bình
Tết Nguyên đán, từ lâu đã in sâu trong tâm thức người Việt như một biểu tượng của sự đoàn viên và hòa hợp, không chỉ là dịp để mọi người trở về với gia đình mà còn là thời điểm ý nghĩa để khơi dậy và lan tỏa những giá trị của hòa bình. Đối với dân tộc Việt Nam, Tết không chỉ là ngày lễ truyền thống mà còn mang theo thông điệp sâu sắc về sự gắn kết, yêu thương và tinh thần hòa hiếu trong mỗi hành động nhỏ bé nhưng đầy ý nghĩa.
Văn hóa Việt Nam, từ nghìn đời nay, luôn lấy hòa hiếu và lòng nhân ái làm cốt lõi. Trong những ngày đầu năm mới, các gia đình Việt Nam cùng quây quần bên bữa cơm Tết, gửi đến nhau những lời chúc tốt đẹp, thể hiện khát vọng về một năm mới an lành và thịnh vượng. Tinh thần này vượt ra khỏi khuôn khổ của những phong tục, trở thành một triết lý sống: bỏ qua những bất đồng, xóa bỏ hận thù và hướng tới sự hòa hợp. Mỗi lời chúc Tết, mỗi hành động giản dị như việc lì xì trẻ nhỏ hay thăm hỏi hàng xóm chính là cách mà người Việt thực hành hòa bình trong đời sống thường nhật. Không chỉ dừng lại ở quy mô gia đình hay cộng đồng, tinh thần yêu chuộng hòa bình đã trở thành một nét đặc trưng của dân tộc Việt Nam trong suốt chiều dài lịch sử.
Là một đất nước từng trải qua nhiều cuộc chiến tranh tàn khốc, Việt Nam thấu hiểu hơn ai hết giá trị của hòa bình và ý nghĩa của đối thoại. Chính điều này đã hun đúc nên một tư duy ngoại giao mềm dẻo, linh hoạt nhưng không kém phần kiên định, giúp Việt Nam vượt qua những thử thách khắc nghiệt nhất và xây dựng mối quan hệ hữu nghị với các quốc gia trên thế giới. Bài học lịch sử từ các cuộc đàm phán lớn như Hiệp định Paris 1973 đã chứng minh rằng hòa bình không thể đến từ vũ lực, mà chỉ có thể đạt được thông qua đối thoại và sự nhượng bộ lẫn nhau. Đây không chỉ là một dấu mốc trong lịch sử dân tộc mà còn là một thông điệp mạnh mẽ về khát vọng hòa bình của Việt Nam gửi đến toàn thế giới.
Trong những ngày Tết, khi thiên nhiên giao hòa, lòng người cũng trở nên rộng lượng hơn. Tết là dịp để nhắc nhở mỗi người Việt Nam về trách nhiệm gìn giữ sự hòa hợp trong gia đình, cộng đồng và xa hơn là trong xã hội. Những giá trị ấy không chỉ là nét đẹp truyền thống mà còn là di sản tinh thần quý giá, giúp Việt Nam lan tỏa thông điệp yêu chuộng hòa bình ra khắp năm châu.
Xuân về, mỗi lời chúc, mỗi tiếng cười, mỗi nhành đào, nhành mai khoe sắc đều trở thành biểu tượng của niềm tin vào một tương lai hòa bình và phát triển. Hãy cùng gửi gắm những lời chúc tốt đẹp không chỉ cho người thân mà còn cho một thế giới không còn xung đột, nơi mọi tranh chấp được hóa giải bằng đối thoại, và nơi con người sống chan hòa với nhau và với thiên nhiên. Từ những bài học lịch sử, từ truyền thống văn hóa và từ tinh thần của mỗi mùa xuân, hòa bình mãi là giá trị cốt lõi mà Việt Nam hướng tới, không chỉ trong những ngày Tết, mà còn trong suốt hành trình dựng xây dựng và phát triển. Hãy để mỗi mùa xuân đến là một lời nhắc nhở rằng hòa bình không chỉ là khát vọng mà còn là trách nhiệm chung của toàn nhân loại.
Khổng Hà