'Chìa khóa' tái khởi động điện hạt nhân

'Chìa khóa' tái khởi động điện hạt nhân
7 giờ trướcBài gốc
Theo TS Dư Văn Toán - chuyên gia trong lĩnh vực năng lượng và môi trường, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) có vai trò then chốt trong chiến lược phát triển năng lượng của Việt Nam trong những thập kỷ tới. Không chỉ là cơ sở pháp lý cho hoạt động nghiên cứu, ứng dụng và phát triển công nghệ hạt nhân, Luật này còn mở đường cho các quyết sách lớn, trong đó có xây dựng dự án điện hạt nhân.
Nền móng cho tương lai điện hạt nhân
Một trong những ưu điểm lớn nhất của năng lượng hạt nhân là khả năng phát điện liên tục, ổn định với hệ số công suất cao, không phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên như gió hay mặt trời. Quan trọng hơn, công nghệ điện hạt nhân gần như không phát thải khí nhà kính trong quá trình vận hành - yếu tố đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam cam kết trung hòa carbon vào giữa thế kỷ. Việc phát triển điện hạt nhân không chỉ giúp đa dạng hóa nguồn cung năng lượng, còn là cách để Việt Nam giảm dần sự phụ thuộc vào nhiên liệu hóa thạch, nhất là than đá - vốn đang chiếm tỷ trọng lớn nhưng đối mặt với áp lực giảm mạnh do yếu tố môi trường và tài chính quốc tế.
Mục đích ban hành Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) nhằm thể chế hóa các chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về năng lượng nguyên tử, thống nhất với các văn bản khác có liên quan và đáp ứng yêu cầu thực tiễn; xây dựng cơ sở pháp lý bảo đảm sự đầy đủ, toàn diện trong hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về năng lượng nguyên tử (Ảnh minh họa)
Tuy nhiên, TS Dư Văn Toán cũng nhấn mạnh, năng lượng hạt nhân là lĩnh vực có yêu cầu cực kỳ nghiêm ngặt về an toàn, quản lý và giám sát. Một sự cố dù nhỏ cũng có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về môi trường, kinh tế và niềm tin xã hội. Do đó, khung pháp lý cần được xây dựng cẩn trọng, chặt chẽ, đồng thời phải đảm bảo tính minh bạch và khả năng thích ứng với thực tiễn và tiêu chuẩn quốc tế.
Từ góc nhìn thể chế, TS Dư Văn Toán khẳng định rằng, mọi chương trình phát triển điện hạt nhân đều phải bắt đầu từ một nền tảng pháp lý rõ ràng, vững chắc. Vì thế, Luật Năng lượng nguyên tử (sửa đổi) không chỉ là một văn bản quy phạm pháp luật, mà còn là tuyên ngôn về tầm nhìn chiến lược của Nhà nước đối với tương lai ngành năng lượng Việt Nam.
Luật này cần quy định cụ thể về nhiều khía cạnh: từ quy hoạch, cấp phép đầu tư, tiêu chuẩn kỹ thuật, quản lý chất thải phóng xạ, xây dựng và vận hành nhà máy, đến công tác đào tạo nguồn nhân lực chuyên sâu và quản lý sự cố. Đặc biệt, trong bối cảnh Việt Nam chưa có kinh nghiệm thực tiễn về vận hành nhà máy điện hạt nhân thương mại, luật cũng cần mở đường cho các hoạt động hợp tác quốc tế, chuyển giao công nghệ và tham gia vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Một yếu tố quan trọng nữa là tính minh bạch và khả năng kiểm soát rủi ro. Theo TS Dư Văn Toán, luật cần thiết lập hệ thống giám sát độc lập, quy trình ứng phó sự cố rõ ràng, đồng thời thúc đẩy cơ chế đối thoại, thông tin với cộng đồng dân cư để xây dựng sự đồng thuận và niềm tin xã hội - vốn là điều kiện tiên quyết cho sự thành công của bất kỳ dự án điện hạt nhân nào.
Cân bằng ba mục tiêu: Kinh tế - Năng lượng - An toàn
Theo TS Dư Văn Toán, xây dựng luật không thể chỉ thiên về kỹ thuật hay phát triển, mà phải đạt được sự cân bằng giữa ba mục tiêu: phát triển kinh tế, đảm bảo an ninh năng lượng và duy trì an toàn tuyệt đối trong lĩnh vực hạt nhân.
TS Dư Văn Toán, Viện Khoa học Môi trường, Biển và Hải đảo, Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Về mặt kinh tế, luật cần tạo môi trường thuận lợi cho doanh nghiệp trong nước và quốc tế tiếp cận đầu tư, tham gia nghiên cứu và triển khai ứng dụng công nghệ hạt nhân. Điều này đặc biệt quan trọng trong bối cảnh Việt Nam đang thiếu hụt nguồn lực tài chính và công nghệ trong lĩnh vực này. Việc đơn giản hóa thủ tục hành chính, minh bạch hóa quy trình cấp phép nhưng vẫn đảm bảo sự kiểm soát chặt chẽ là yêu cầu không thể thiếu.
Về an ninh năng lượng, luật cần xác lập rõ vai trò của năng lượng hạt nhân trong tổng thể cơ cấu năng lượng quốc gia - như là một nguồn điện nền ổn định, có thể thay thế một phần điện than trong dài hạn. Điều này cũng tạo tiền đề cho việc xây dựng lộ trình phát triển các dự án điện hạt nhân một cách bài bản, từ nghiên cứu khả thi, chuẩn bị nhân lực, đầu tư hạ tầng đến tổ chức vận hành và giám sát.
Cuối cùng và quan trọng nhất là yêu cầu về an toàn. Không có gì quan trọng hơn việc bảo đảm rằng công nghệ hạt nhân được vận hành trong điều kiện tối ưu, tuân thủ tiêu chuẩn an toàn cao nhất, không chỉ để phòng ngừa sự cố mà còn để duy trì niềm tin từ cộng đồng và các đối tác quốc tế.
Trong thời đại toàn cầu hóa và hội nhập sâu rộng, một luật năng lượng nguyên tử không thể chỉ phục vụ nội tại mà còn phải đáp ứng được các yêu cầu của cộng đồng quốc tế. Việt Nam hiện là thành viên của nhiều hiệp ước và công ước quốc tế liên quan đến an toàn và phi phổ biến vũ khí hạt nhân, như Hiệp ước không phổ biến vũ khí hạt nhân (NPT) hay các công ước của Cơ quan Năng lượng Nguyên tử Quốc tế (IAEA). Luật sửa đổi cần nội luật hóa các cam kết này, đồng thời tạo cơ chế phối hợp hiệu quả giữa các cơ quan chức năng trong việc thực thi, giám sát và báo cáo định kỳ.
Không chỉ để tuân thủ, việc hội nhập còn mở ra cơ hội tiếp cận công nghệ tiên tiến, thu hút đầu tư nước ngoài và nâng cao uy tín quốc gia trên trường quốc tế. Các quốc gia có nền tảng pháp lý rõ ràng, minh bạch và tương thích với thông lệ quốc tế thường có lợi thế lớn trong việc đàm phán hợp tác chiến lược, chuyển giao công nghệ và nhận hỗ trợ kỹ thuật từ các tổ chức như IAEA.
Đình Khương
Nguồn PetroTimes : https://petrovietnam.petrotimes.vn/chia-khoa-tai-khoi-dong-dien-hat-nhan-727251.html