'Chìa khóa' thoát nghèo cho người dân đặc khu Lý Sơn

'Chìa khóa' thoát nghèo cho người dân đặc khu Lý Sơn
6 giờ trướcBài gốc
Toàn cảnh đảo Bé- Lý Sơn. Ảnh: Văn Tánh
Từ một người làm du lịch tự phát, bà Nguyễn Thị Thanh Thúy (trú đảo Bé, đặc khu Lý Sơn, tỉnh Quảng Ngãi) giờ đây đã trở thành chủ của homestay Biển Ngọc, một điểm check in, lưu trú “không thể” bỏ qua của du khách khi đến đảo Bé khám phá. Niềm nở, ân cần là cách bà Thúy đón khách đến với homestay. Không chỉ vậy, bà Thúy còn chăm chút từ món ăn đến không gian sinh hoạt, tạo cho du khách cảm nhận như đang đến với “thiêng đường” thực thụ.
“Hồi trước cứ làm theo bản năng, có gì làm nấy. Sau được chính quyền tạo điều kiện đi tham quan nhiều mô hình làm du lịch tôi mới học được cách làm du lịch của người dân ở các địa phương xa gần, như Hà Giang, Hội An, Cù Lao Chàm … từ đó tôi phục vụ du khách tốt hơn. Hiện tại, cơ sở lưu trú của tôi đã tự nhận tour, chế biến món ăn, phục vụ các nhu cầu hằng ngày của du khách...”, bà Thúy chia sẻ.
Những kiến thức bà Thúy bà Thúy chia sẻ đều bắt nguồn từ Tiểu dự án 1 - Dự án 4 về phát triển giáo dục nghề nghiệp thuộc Chương trình mục tiêu Quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 mà UBND huyện Lý Sơn triển khai ở địa phương. Trong chương trình này, chính quyền đã phối hợp với các tổ chức mở các lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch cho lao động thuộc hộ nghèo, cận nghèo, hộ mới thoát nghèo và người có thu nhập thấp trên địa bàn. Ngoài đào tạo lý thuyết, người dân còn được trực tiếp đi tham quan, học hỏi mô hình thực tế tại các địa phương phát triển du lịch cộng đồng.
Cùng ở đảo Bé như bà Thúy, vợ chồng anh Nguyễn Công Vũ sau khi tham gia lớp đào tạo nghiệp vụ du lịch đã đầu tư mua xe điện chở khách, mở thêm dịch vụ hướng dẫn viên. Từng là một ngư dân “ăn sóng, nói gió”, không có kiến thức về kinh doanh, nay anh Vũ có thể giao tiếp, giới thiệu những thắng cảnh ở quê hương mình cho khách một cách trôi chảy và rất chuyên nghiệp. “Trước đây mình không nghĩ là có thể làm du lịch. Vậy nhưng, sau khi tham gia các lớp tập huấn mình mới biết cách giao tiếp với khách, cách giới thiệu dịch vụ của mình sao cho họ tin tưởng, sử dụng. Sau khi được mình phục vụ, nhiều người còn giới thiệu cho bạn bè liên hệ với mình đặt nơi ăn nghỉ, phương tiện di chuyển trước khi đến đảo Lý Sơn”, anh Vũ kể.
Đảo Bé có hơn 100 hộ gia đình, người dân sinh sống chủ yếu bằng nghề biển và trồng hành, tỏi. Vì không có bến bãi neo đậu tàu thuyền nên nghề biển không phát triển; riêng cây tỏi, cây hành thì phụ thuộc hoàn toàn vào nước trời nên mùa nắng hạn ruộng vườn bị hoang hóa. Được sự hỗ trợ của chính quyền địa phương, nhiều hộ dân đã mạnh dạn chuyển hướng sang làm dịch vụ du lịch.
Du khách tắm biển, lặn ngắn san hô ở đảo Bé. Ảnh: Văn Tánh
Từ năm 2023 đến nay, thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững, huyện Lý Sơn đã phối hợp với Trung tâm Dịch vụ việc làm tỉnh, các doanh nghiệp kinh doanh du lịch, lữ hành tổ chức tuyên truyền, định hướng nghề, giới thiệu việc làm cho người dân địa phương theo từng độ tuổi. Phối hợp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, giúp người dân có nguồn thu nhập cao, được tiếp cận môi trường lao động tiên tiến. Bà Ngô Thị Phấn (thôn Tây An Vĩnh, đặc khu Lý Sơn) có con đi lao động ngoài nước thổ lộ: “Ban đầu tôi rất lo lắng, không dám cho con đi làm xa. Sợ bị lừa, sợ con gặp chuyện. Nhưng sau khi được Trung tâm giới thiệu việc làm tỉnh tư vấn, tôi hoàn toàn yên tâm đầu tư cho con ra nước ngoài lao động. Giờ con tôi đang làm việc ở Nhật, công việc ổn định và gửi tiền về đều đặn. Cuộc sống gia đình bây giờ khá lên nhiều”.
Phó Chủ tịch UBND đặc khu Lý Sơn Nguyễn Đạo cho biết: “Lý Sơn đã tổ chức nhiều chương trình hướng nghiệp cho học sinh, thanh niên, phối hợp tổ chức sàn giao dịch việc làm và ngày hội việc làm. Nhờ đó, người lao động có cơ hội tiếp cận doanh nghiệp, tìm kiếm công việc phù hợp. Tập trung bồi dưỡng đội ngũ tuyên truyền viên, tư vấn viên để nâng cao chất lượng truyền thông về chính sách, pháp luật, lao động và đào tạo nghề; tuyên truyền nâng cao nhận thức của người dân trong việc tự vươn lên thoát nghèo và làm giàu.”
Lý Sơn hiện có hơn 8.800 người trong độ tuổi lao động, nhưng phần lớn chưa có việc làm ổn định. Nhờ các chương trình hỗ trợ, đến cuối năm 2024, số hộ nghèo toàn huyện giảm còn 311 hộ (chiếm 5,02%), 250 hộ cận nghèo. Theo ông Đạo, huyện xác định đào tạo nghề và tạo sinh kế tại chỗ là chiến lược trọng tâm trong công tác giảm nghèo chứ không phải hỗ trợ tiền để người dân thoát nghèo. Phải trao cho họ chiếc chìa khóa, đó là nghề nghiệp, là tư duy sản xuất, kinh doanh mới. Lý Sơn có tiềm năng biển, có nhiều thắng cảnh thiên tạo và có tài nguyên con người. Quan trọng là kết nối và khai thác đúng cách. Bên cạnh phát triển ngành du lịch, Lý Sơn cũng tiếp tục đầu tư hạ tầng, phát triển các chuỗi giá trị nông sản đặc trưng, như hành, tỏi, sản vật biển theo hướng bền vững, giảm phụ thuộc thời tiết, ứng dụng công nghệ vào sản xuất và bảo quản. “Tôi kỳ vọng, nhiều người biết đến Lý Sơn không chỉ với biển xanh, tỏi trắng, mà họ còn khâm phục bởi ý chí, khát vọng vươn lên làm giàu ở nơi đầu sóng, ngọn gió”, ông Đạo nhấn mạnh.
Từ một huyện đảo còn nhiều khó khăn, Lý Sơn đang dần chuyển mình mạnh mẽ. Những chiếc thuyền thúng đánh cá ngày nào, nay đã phục vụ du khách lặn biển, ngắm san hô. Những ngư dân từng quen chèo thuyền, giăng lưới nay trở thành những hướng dẫn viên du lịch, chủ cơ sở homestay… Họ không chỉ thoát nghèo mà còn trở thành những nhân tố tích cực, lan tỏa tinh thần học hỏi, đổi mới trong cộng đồng.
Văn Tánh
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/chia-khoa-thoat-ngheo-cho-nguoi-dan-dac-khu-ly-son-post492147.html