'Chìa khóa vàng' cho tương lai bền vững

'Chìa khóa vàng' cho tương lai bền vững
2 ngày trướcBài gốc
Ảnh minh họa.
Vậy việc làm xanh là gì và vì sao quan trọng? Việc làm xanh được các chuyên gia định nghĩa là những công việc không chỉ giảm thiểu tác động tiêu cực đến môi trường mà còn cải thiện chất lượng cuộc sống và tạo ra giá trị bền vững cho cộng đồng. Đây có thể là những nghề nghiệp nâng cấp ngành truyền thống - như cải tiến công nghệ sản xuất xi măng để giảm khí thải - hoặc những lĩnh vực mới ra đời cùng sự phát triển của công nghệ, như blockchain truy xuất nguồn gốc nông sản. Các ngành tiềm năng bao gồm năng lượng tái tạo, nông nghiệp bền vững, tái chế rác thải, công nghệ môi trường và xây dựng thành phố thông minh. Trong bối cảnh tài nguyên ngày càng cạn kiệt, đây chính là giải pháp để Việt Nam phát triển kinh tế mà không đánh đổi môi trường.
Theo các chuyên gia, chuyển đổi xanh không đòi hỏi doanh nghiệp phải thay đổi toàn diện ngay lập tức mà có thể thực hiện từng bước. Bắt đầu từ việc sử dụng nguyên liệu thân thiện môi trường hoặc tối ưu hóa quy trình sản xuất để giảm tiêu hao năng lượng, doanh nghiệp có thể áp dụng các tiêu chuẩn quản lý đơn giản để nâng cao hiệu quả. Khi đã ổn định, việc đầu tư vào năng lượng tái tạo, công nghệ kiểm soát khí thải hay đổi mới dây chuyền sản xuất sẽ là bước đi tiếp theo.
Xu thế việc làm xanh đặt ra yêu cầu mới cho người lao động: năng lực xanh. Ngoài các kỹ năng truyền thống như tư duy sáng tạo, giao tiếp, hợp tác và phản biện (4C), người lao động cần trang bị tư duy hệ thống, kỹ năng phân tích dữ liệu và tri thức về công nghệ tuần hoàn, phát triển bền vững. Dù ở bất kỳ ngành nghề nào, việc liên tục cập nhật “kỹ năng xanh” và nắm bắt xu hướng công nghệ là điều kiện tiên quyết. Trong một thế giới thay đổi nhanh chóng, người lao động không thể đứng yên mà phải chủ động thích nghi để trở thành nhân tố thúc đẩy sự phát triển xanh.
Để việc làm xanh phát triển bền vững, giáo dục cần đóng vai trò nền tảng. Từ bậc tiểu học, chương trình học cần tích hợp các môn về kỹ năng sống xanh và phát triển bền vững. Những mô hình thực hành như nhà thông minh hay nông nghiệp xanh không chỉ khơi dậy cảm hứng mà còn giúp thế hệ trẻ hình thành thói quen tiêu dùng xanh, tái chế và ý thức bảo vệ môi trường. Một thế hệ “người tiêu dùng xanh” và “người thúc đẩy xanh” được nuôi dưỡng từ nhỏ sẽ là động lực lớn để Việt Nam tiến xa hơn trên con đường phát triển bền vững.
Tất nhiên, để “việc làm xanh” trở thành hiện thực phổ biến, Chính phủ cần giữ vai trò kiến tạo thông qua chính sách và đầu tư. Các chuyên gia khuyến nghị Chính phủ tăng cường cấp vốn mồi cho dự án xanh, xây dựng tiêu chuẩn môi trường và đầu tư vào giáo dục kỹ năng xanh. Sự hợp tác chặt chẽ giữa Nhà nước, doanh nghiệp và cơ sở đào tạo là chìa khóa để tạo ra nguồn nhân lực đáp ứng nhu cầu thị trường, đặc biệt khi Việt Nam đang ở giai đoạn đầu của quá trình chuyển đổi xanh.
Việc làm xanh không chỉ là xu hướng mà là con đường tất yếu để Việt Nam phát triển bền vững trong thế kỷ 21. Từ doanh nghiệp, người lao động, giáo dục đến chính sách Nhà nước, mỗi mắt xích đều cần chuyển động đồng bộ để nắm bắt cơ hội này. Dù mới ở giai đoạn khởi đầu, tiềm năng của việc làm xanh tại Việt Nam là vô cùng lớn. Vấn đề không chỉ là đáp ứng nhu cầu hiện tại mà còn là xây dựng nền tảng cho tương lai - một tương lai nơi kinh tế phát triển song hành cùng môi trường bền vững.
Thái Bình
Nguồn Biên Phòng : https://bienphong.com.vn/chia-khoa-vang-cho-tuong-lai-ben-vung-post488065.html