'Chìa khóa vàng' hiện thực hóa khát vọng hùng cường

'Chìa khóa vàng' hiện thực hóa khát vọng hùng cường
6 giờ trướcBài gốc
Những thành tựu to lớn
Đại hội XIII của Đảng tiếp tục xác định nhiệm vụ “chuyển mạnh nền kinh tế sang mô hình tăng trưởng dựa trên tăng năng suất, tiến bộ KH&CN, đổi mới sáng tạo, nhân lực chất lượng cao, sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn lực để nâng cao chất lượng, hiệu quả và sức cạnh tranh của nền kinh tế”. Từ nhận thức đúng đắn đó, sau gần 40 năm tiến hành công cuộc đổi mới, hơn 30 năm thực hiện Cương lĩnh xây dựng đất nước trong thời kỳ quá độ lên CNXH (năm 1991), đất nước ta đạt được những thành tựu to lớn, có ý nghĩa lịch sử, phát triển mạnh mẽ, toàn diện.
Việt Nam hiện có 423 tổ chức nghiên cứu và phát triển với quy mô khác nhau, tập trung chủ yếu ở Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh; gần 900 doanh nghiệp (DN) được cấp Giấy chứng nhận DN KH&CN. Việt Nam có khoảng 4.000 DN khởi nghiệp sáng tạo, 208 quỹ đầu tư, 84 vườn ươm, 20 trung tâm khởi nghiệp sáng tạo; hệ sinh thái khởi nghiệp sáng tạo của Việt Nam đứng thứ 56/100 quốc gia; TP. Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh lọt vào top 200 thành phố khởi nghiệp sáng tạo toàn cầu. Năm 2024, Việt Nam xếp hạng 44/133 về Chỉ số đổi mới sáng tạo toàn cầu và 71/193 quốc gia về Chỉ số phát triển Chính phủ điện tử. Đến hết năm 2024, tỷ trọng kinh tế số trong GDP ước tính 18,3%. Năm 2024, công nghiệp công nghệ số đạt doanh thu 152 tỷ USD; kim ngạch xuất khẩu phần cứng, điện tử ước đạt 132 tỷ USD.
Đẩy mạnh đổi mới sáng tạo lĩnh vực công nghệ
Tại An Giang, thời gian qua, Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản nhằm cụ thể hóa, hoàn thiện cơ chế, chính sách trong lĩnh vực KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số. Tỉnh tích cực đầu tư và ứng dụng KH&CN vào mọi lĩnh vực, đặc biệt là nông nghiệp và công nghiệp chế biến, góp phần nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm và giải quyết các vấn đề xã hội. Nhờ đó, các sản phẩm chủ lực, như: Lúa gạo, thủy sản, rau màu ngày càng có vị thế vững chắc trên thị trường trong nước và quốc tế. Đổi mới sáng tạo trong lĩnh vực công nghệ thông tin trở thành động lực quan trọng thúc đẩy sự phát triển của tỉnh. Hạ tầng viễn thông ngày càng hiện đại, kết nối rộng khắp, tạo điều kiện thuận lợi cho việc ứng dụng công nghệ số trong mọi hoạt động của đời sống xã hội. Các hoạt động nghiên cứu khoa học được định hướng rõ ràng, tập trung vào các lĩnh vực ưu tiên, nhằm tạo ra những sản phẩm, dịch vụ có giá trị cao, góp phần nâng cao năng lực cạnh tranh của nền kinh tế của tỉnh. Từ năm 2013 - 2023, tỉnh đã thực hiện 441 đề tài, dự án trên các lĩnh vực, trong đó có 9 đề tài, dự án cấp quốc gia và 112 đề tài, dự án cấp tỉnh...
Động lực phát triển đất nước
Với quan điểm phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia là đột phá quan trọng hàng đầu, là động lực chính để phát triển nhanh lực lượng sản xuất hiện đại, hoàn thiện quan hệ sản xuất, đổi mới phương thức quản trị quốc gia, phát triển kinh tế - xã hội, đưa đất nước phát triển bứt phá, giàu mạnh trong kỷ nguyên mới. Mới đây, Tổng Bí thư Tô Lâm đã ký ban hành Nghị quyết 57-NQ/TW của Bộ Chính trị về đột phá phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
“Với mục tiêu trở thành nước công nghiệp hiện đại vào năm 2030 và nước phát triển, thu nhập cao vào năm 2045, chúng ta phải coi KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số là động lực chủ chốt. Đây chính là “chìa khóa vàng”, là yếu tố sống còn để vượt qua bẫy thu nhập trung bình và nguy cơ tụt hậu, đồng thời hiện thực hóa khát vọng hùng cường và thịnh vượng của dân tộc ta. Tuy nhiên, phát triển KH&CN và chuyển đổi số mới chỉ là “phương tiện quan trọng” để đạt tới mục đích. Đột phá, đổi mới sáng tạo mới là yếu tố kỳ diệu để làm nên kỳ tích, bởi đột phá, sáng tạo mới tạo ra bước tiến vượt bậc mang tính cách mạng, mới vượt qua rào cản, giới hạn hiện tại để đạt kết quả vượt trội, nổi bật. Đột phá luôn mang tính mới mẻ, tính hiệu quả, vượt giới hạn, tạo ảnh hưởng lớn” - Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.
Nghị quyết đề ra mục tiêu đến năm 2030, Việt Nam thuộc nhóm 3 nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử... Tầm nhìn đến năm 2045, KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số phát triển vững chắc, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước phát triển, có thu nhập cao. Đồng thời, đặt ra các mục tiêu cao hơn trong giai đoạn đến năm 2045, Việt Nam có quy mô kinh tế số đạt tối thiểu 50% GDP; là một trong các trung tâm công nghiệp công nghệ số của khu vực và thế giới; thuộc nhóm 30 nước dẫn đầu thế giới về đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số. Tỷ lệ DN công nghệ số tương đương các nước phát triển; tối thiểu có 10 DN công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến. Thu hút thêm ít nhất 5 tổ chức, DN công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam.
Để đưa Nghị quyết 57-NQ/TW đi vào cuộc sống một cách hiệu quả và kịp thời, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu các cấp, ngành, địa phương phải xắn tay ngay vào làm việc, không được chậm trễ. Những chủ trương, giải pháp trong đó phải được nhanh chóng thể chế hóa và ưu tiên bố trí đủ nguồn lực để tổ chức thực hiện, với những mục tiêu rất cụ thể, đổi mới cách nghĩ, cách làm, nhằm hiện thực hóa các chủ trương, xóa bỏ rào cản, giải phóng năng lực để thúc đẩy đột phá trong phát triển KH&CN, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số, tạo nền tảng phát triển mạnh mẽ đất nước trong kỷ nguyên mới.
THU THẢO
Nguồn An Giang : https://baoangiang.com.vn/-chia-khoa-vang-hien-thuc-hoa-khat-vong-hung-cuong-a414006.html