Đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam
Theo đại biểu Tạ Văn Hạ - Đoàn ĐBQH tỉnh Quảng Nam, dữ liệu cá nhân là "tài nguyên đặc biệt", có giá trị kinh tế đặc biệt. Chẳng hạn, các doanh nghiệp cần có thông tin để phân tích hành vi khách hàng, tối ưu hóa dịch vụ, xây dựng chiến lược phát triển sản phẩm của doanh nghiệp… Song công tác bảo mật thông tin thực tế lại đang bị vi phạm nghiêm trọng.
Đại biểu dẫn chứng, ông bước vào một cửa hàng lưu giữ đồ cũ thì ngay lập tức, trên điện thoại của ông đều hiện lên các thông tin về đồ cũ. Hay khi ông chỉ cần nói chuyện muốn mua một chiếc áo thì những hình ảnh quảng cáo về áo cũng "đổ ập" đến điện thoại.
"Đơn giản nhất, chiếc camera trong nhà chúng ta cũng do một bên khác quản lí và mọi hoạt động diễn ra đều đang bị kiểm soát, rất có nguy cơ bị lộ thông tin" - đại biểu tỏ ra lo ngại.
Đại biểu nhận định, rõ ràng những công nghệ, ứng dụng ta đang dùng đều có khả năng thu thập thông tin và lỗ hổng quản lí về thông tin cá nhân đang rất nguy hiểm, đặc biệt là các thông tin của trẻ em.
Rủi ro lộ thông tin cá nhân từ AI
Tương tự, trung tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, hiện nay chưa có cơ chế nào để kiểm soát chặt chẽ việc các bên thứ ba sử dụng và bảo vệ dữ liệu thông tin.
Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp tuyển dụng nhận hàng trăm hồ sơ xin việc mỗi ngày nhưng lại chưa có quy định nào bảo vệ dữ liệu cá nhân trong những bộ hồ sơ này. "Một số doanh nghiệp lắp đặt camera có tích hợp trí tuệ nhân tạo (AI) để theo dõi, đánh giá người lao động. Nếu không có hành lang pháp lý rõ ràng, dữ liệu thu thập được từ những hệ thống này có thể bị rò rỉ hoặc sử dụng sai cách, dẫn đến hậu quả nghiêm trọng cho cá nhân và cả xã hội", ông nói.
Trung tướng Nguyễn Minh Đức - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng, An ninh và Đối ngoại của Quốc hội
Theo đại biểu, nhiều người dân bị lừa đảo mà không hiểu vì sao kẻ xấu lại biết rõ thông tin cá nhân của họ, từ số điện thoại, căn cước công dân cho đến cả chi tiết hóa đơn tiền điện hàng tháng. Từ đó, đại biểu đề nghị có quy định rõ ràng trong luật để ngăn chặn việc thu thập, chia sẻ, mua bán dữ liệu cá nhân trái phép.
Bên cạnh đó, ông Đức cũng cảnh báo rủi ro từ AI, đặc biệt là công nghệ AI tạo sinh - có thể dùng dữ liệu cá nhân nhạy cảm để tạo ra thông tin giả mạo, gây ảnh hưởng nghiêm trọng nếu bị khai thác sai mục đích.
Thảo luận ở tổ về dự án Luật Bảo vệ dữ liệu cá nhân, Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng Quản Minh Cường cho biết, hiện nay, chúng ta đi siêu thị cũng được yêu cầu cung cấp số điện thoại. Trao đổi thêm về việc lộ lọt rất nhiều thông tin, ông Cường nêu ví dụ ông chỉ vô tình xem, chạm vào một quảng cáo về mua bán nhà thì hôm đó có thể ông sẽ nhận được hàng chục cuộc gọi giới thiệu về các dự án bất động sản.
"Chúng ta đang sống trong môi trường số, do đó việc làm thế nào để bảo vệ được dữ liệu cá nhân liên quan đến bí mật đời tư, kinh tế, tài chính... được đặc biệt quan tâm. Khi luật hóa thì những trường hợp bị lộ, bị lợi dụng, sử dụng dữ liệu cá nhân với mục đích khác sẽ xử lý thế nào?", Bí thư Tỉnh ủy Cao Bằng đặt câu hỏi.
Hải Yến