Dự án tái thiết Làng Nủ đang được hoàn thiện
Đứng trên mặt đường bê tông còn vấn vương bụi xi măng, chúng tôi ngửa mặt đón nắng, ngắm những chiếc nhà sàn khung bê tông, mái lợp tôn thuộc dự án tái thiết Làng Nủ, xã Bảo Yên, huyện Bảo Lạc, tỉnh Lào Cai đang hoàn thiện. Chúng tôi bùi ngùi hướng mắt ra xa.
Mặt trời đã lên cao, màn sương trắng đục bị nắng chiếm chỗ, tầm nhìn của chúng tôi rộng và xa hơn. Nắng phủ vàng những ngọn núi, quả đổi xanh thẫm nằm sát nhau. Xung quanh chúng tôi, tiếng nói cười xôn xao của các nhóm người, tiếng máy thi công, tiếng xe chạy khiến công trường tái thiết Làng Nủ sống động.
Hiệp hội Cửa Việt Nam vận chuyển và lắp dựng cửa nhôm kính tái thiết Làng Nủ. Ảnh: Phúc Bảo
Vào tháng 9, sau siêu bão số 3, lũ thượng nguồn đổ về, mực nước các con sông ở Bắc Ninh quê tôi dâng cao, ai cũng lo ngay ngáy. Lúc ấy, những tin tức về sập cầu Phong Châu (Phú Thọ) hay lũ quét, sạt lở đất ở các tỉnh Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái và tình hình ngập úng ở TP. Thái Nguyên khiến tôi và nhiều người Việt trên khắp mọi miền Tổ quốc bồn chồn, đứng ngồi không yên.
Trên bản tin truyền hình VTV, thông tin Làng Nủ ở xã Bảo Yên, huyện Bảo Lạc, tỉnh Lào Cai bị lũ quét, sạt lở đất vùi lấp 40 căn nhà, hàng chục người mất tích khiến ai cũng bàng hoàng. Rồi lũ quét sạt lở đất tàn khốc ở thôn Nậm Tông, xã Nậm Lúc, huyện Bắc Hà, tỉnh Lào Cai khiến nhiều hộ dân mất trắng nhà cửa, tài sản, làm muôn triệu con tim dân Việt nhói đau. Dường như tâm khảm của người dân cả nước hướng về Làng Nủ, hướng về Nậm Tông và ngóng chờ một phép màu xuất hiện.
Với tôi, thảm họa do thiên tai gây ra với đồng bào dân tộc Tày sinh sống nhiều đời ở Làng Nủ giống như một cú đánh trực diện vào tiền thức. Bởi tôi đã từng đến đây và thích thú khi hòa vào nhịp sống thanh bình của đồng bào địa phương trong hơn một ngày.
Hôm ấy mùa xuân nắng đẹp, tôi đã cùng đồng nghiệp lên Tây Bắc để khảo sát thị trường ngành cửa. Xong việc, một người mời chúng tôi đến Làng Nủ để thăm gia đình một người quen. Đến nơi, những ngôi nhà sàn cũ kỹ, liêu xiêu nằm dọc hai bên bờ suối cho chúng tôi cảm giác thật thanh bình. Chúng tôi đã ở trong ngôi nhà sàn của một gia đình dân tộc Tày nằm ẩn dưới màu xanh của núi rừng để trải nghiệm. Tôi mê mẩn với những bắp ngô vàng óng treo trên những cây gậy dài dưới gầm nhà sàn.
Trong nắng sớm, từ cửa nhà sàn nhìn ra dòng suối, tôi nghe tiếng nước róc rách và cả tiếng chim rừng ríu rít. Cảm nhận của tôi về Làng Nủ là sự chân tình, mến khách và rất đỗi chất phác, thân thiện của gia chủ và những người chúng tôi đã gặp. Họ không giàu và làm việc khá vất vả song sự giản dị, chân thật, hồn hậu và đáng mến của họ khiến tôi siêu lòng.
Sau siêu bão số 3, tất cả chỉ còn là ký ức. Hình ảnh ngôi nhà sàn, những vật dụng, những màu sắc, âm thanh về một không gia thanh bình nơi núi rừng hoang sơ đã không còn nữa, thay vào đó là bình địa màu nâu đỏ của đất bao phủ và lực lượng cứu hộ, cứu nạn miệt mài tìm kiếm những người mất tích. Nhìn những cỗ quan tài được xếp sẵn trong chiếc nhà bạt dựng tạm, lòng tôi dưng dưng, con tim thổn thức, nhói đau.
Tái thiết Làng Nủ
Trong lúc đang theo dõi việc tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn thì ngày 16/9, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã ra quyết định tái thiết Làng Nủ. Không lâu sau, hưởng ứng lời kêu gọi chung tay quyên góp xây dựng nhà tái định cư cho các hộ dân Làng Nủ của Quỹ Tấm lòng Việt - Đài Truyền hình Việt Nam, ông Ngô Quốc Huân, Chủ tịch Hiệp hội Cửa Việt Nam đã bàn với các thành viên trong Hiệp hội rồi gửi đi thông điệp phát động ngành cửa cả nước chung tay tài trợ, lắp đặt cửa nhôm kính tại Làng Nủ và thôn Nậm Tông, tỉnh Lào Cai.
Những chiếc nhà sàn khung bê tông, mái lợp tôn thuộc dự án tái thiết Làng Nủ, xã Bảo Yên, huyện Bảo Lạc, tỉnh Lào Cai đang hoàn thiện. Ảnh: Phúc Bảo
Tiếp đó, anh Tô Văn Mạnh, Phó Chủ tịch, Trưởng ban Tổ chức Hiệp hội, Chủ tịch chi hội ngành cửa Hà Bắc Lạng đã phát động các thành viên tham gia.
Anh Mạnh thông tin cho tôi những nội dung cụ thể rằng, sẽ gửi bản vẽ thiết kế các loại cửa trong một ngôi nhà đến để các doanh nghiệp chế tạo các loại cửa tại xưởng. Đến thời điểm phù hợp sẽ chở hàng về nơi tập kết để đi Lào Cai. Hiệp hội ngành cửa sẽ kêu gọi thợ lắp đặt khắp cả nước chung tay lên Làng Nủ để thi công. Hiệp hội thành lập các tổ, đội thi công. Mỗi tổ, đội từ 3-6 người. Theo tính toán của ban tổ chức, một ngày một tổ có thể lắp đặt hệ thống cửa của 2 nhà sàn vì mặt bằng và thi công tương đối thuận lợi. Những công nhân đăng ký tham gia sẽ được Hiệp hội liên hệ với chính quyền địa phương để bố trí chỗ ăn, nghỉ bảo đảm sức khỏe.
Và giờ đây, chúng tôi có mặt tại Làng Nủ để góp sức xoa dịu nỗi đau. Tuy nhiên, trước hôm lên đường, chúng tôi lo ngay ngáy về thông tin một quả núi gần Làng Nủ phát ra tiếng nổ lớn. Nguy cơ mất an toàn hiện hữu, khiến kế hoạch của chúng tôi không đạt tiến độ. Ngay lập tức, chúng tôi liên hệ với người nhà là một sĩ quan công binh, anh tư vấn một số giải pháp. Đừng vì công việc mà lãng quên. Thế nên, chúng tôi rất yên tâm lên đường đến với Làng Nủ.
Lắp đặt cửa tái thiết Làng Nủ. Ảnh: Phúc Bảo
Gần công trường, tôi đã gặp một cụ bà người Làng Nủ và hỏi thăm về gia đình tôi đã từng ở. Tôi rất buồn khi bà nói rằng, Làng Nủ chỉ còn một căn nhà duy nhất sau thảm họa thiên tai thảm khốc. Gia đình đó cũng chỉ còn một người duy nhất, nhưng hiện nay tâm tính khá không bình thường. Số còn lại đã thiệt mạng trong thiên tai kinh hoàng. Thông tin ấy khiến trái tim tôi nhói đau!
Ra đến nơi tổ chức sự kiện, trên sân khấu, tôi thấy một tấm phông in phun khổ lớn với dòng chữ in hoa nổi bật: “Lễ ra quân” màu đỏ tươi và phía dưới là hàng chữ màu xanh lá cây “Lắp đặt cửa tái thiết Làng Nủ”. Điều tôi ấn tượng ở tấm phông này không phải là những dòng chữ đã nói ở trên mà là rất nhiều hình ảnh logo của các doanh nghiệp trong Hiệp hội cửa Việt Nam ở phía dưới.
Đã từng dự nhiều sự kiện, tôi thấy đơn vị tổ chức thường in những hình ảnh đẹp ở phía dưới chủ đề sự kiện hoặc có thể để trống. Nhưng trong sự kiện này, Ban tổ chức không làm thế. Họ tích hợp logo của các doanh nghiệp, nhà sản xuất trên một đường thẳng với các kích thước không đều nhau. Trong đó những nhà tài trợ trọn gói và giá trị tương đương được đặt ở bên trên. Hàng tiếp theo là những nhà tài trợ cửa thành phẩm; nhà tài trợ kính, gioăng, keo và phụ kiện; nhà tài trợ sản xuất, vận chuyển, lắp đặt và đông nhất vẫn là logo các nhà tài trợ tiền mặt.
Nhìn vào hình ảnh logo của các nhà tài trợ với hình thù, màu sắc, kích thước không đều nhau ấy tôi thấy được tinh thần đoàn kết và tấm lòng tương thân tương ái đã thành truyền thống trong và là nét đẹp văn hóa của người Việt Nam. Trước nỗi đau của đồng bào bị thiên tai, nhiều người đã sẵn lòng đóng góp để giúp đồng bào vượt qua khó khăn mà không có sự phân biệt nhiều ít hay sang hèn. Nghĩ đến đó, tôi liên tưởng đến hai câu thơ trong bài “Việt Bắc” do nhà thơ Tố Hữu sáng tác tháng 10/1954:
“Thương nhau, chia củ sắn lùi
Bát cơm sẻ nửa, chăn sui đắp cùng”.
Tuy bài thơ nói lên tình cảm của những người rời căn cứ ở miền núi trở về miền xuôi sau khi kháng chiến thắng lợi, nhưng 2 câu thơ ấy lại rất hợp với hoàn cảnh hiện tại, hợp với tinh thần đoàn kết và tấm lòng tương thân tương ái của người Việt chúng ta. Vâng, trong khó khăn giặc dã hay thiên tai thảm khốc, chia sẻ với nhau để vượt qua là nghĩa cử cao đẹp. Chính sự đồng cam cộng khổ ấy đã làm lên tình dân tộc và văn hóa dân tộc Việt đậm chất nhân văn.
Các doanh nghiệp thuộc Hiệp hội Cửa Việt Nam chung tay lắp dựng cửa nhôm kính tái thiết Làng Nủ
Trong lúc chờ sự kiện diễn ra, chúng tôi quay lại phía những ngôi nhà sàn đang được hoàn thiện. Một chiếc xe tải 2,5 tấn, thùng bịt bạt từ từ lùi vào chân nhà sàn. Nhìn kỹ tôi thấy Tô Văn Mạnh đang hoa tiêu cho xe đỗ đúng vị trí thuận lợi. Anh gọi chúng tôi giúp một tay dỡ hàng xuống.
Khi tài xế mở cửa hậu, những bộ cửa nhôm kính đã bao gói cẩn thận từ trong thùng xe được chúng tôi khiêng xuống. Lúc xếp hàng, tôi thấy Tô Văn Mạnh mang đến một bao tải. Anh bảo tôi đó là quần áo cũ của mấy gia đình được vợ gom lại. Anh mang đến để kê chèn và lót sàn xe, sàn nhà. Anh bảo, đề phòng xe bị xóc dẫn đến trầy xước, vỡ kính thì rất không hay. Anh phân tích với tôi, các cụ bảo, của cho không bằng cách cho. Nếu mình không thành ý, thành tâm, nhỡ tay làm cái cửa không khít, hình thức không đẹp hoặc bị sứt, bị vỡ khi vận chuyển thì người nhận sẽ không vui. Tôi thầm nghĩ, anh quả chu toàn. Việc làm của anh ẩn chứa chiều sâu văn hóa.
Trở về TP. Bắc Ninh, tôi trằn trọc và trăn trở với những con chữ để viết về Làng Nủ. Tiếng máy khoan, máy cắt và không khí thi công khẩn trương ở công trường khiến tôi không thể hoàn thành kế hoạch công việc. Rồi ngày 22/12, khi xem chương trình thời sự trên VTV1, tôi thực sự xúc động khi Làng Nủ mới đã được Bộ Quốc phòng bàn giao tặng đồng bào. Thế là công trình mang biểu tượng của tinh thần đoàn kết, tình người, tình dân tộc đã được đưa vào khai thác sử dụng sau bao ngày mong đợi.
Điều ấy giúp tôi lấy lại cảm xúc và viết tiếp những dòng còn dở dang.
Trong bản tin này tôi đặc biệt ấn tượng với phát biểu của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính, khu tái thiết được hoàn thành là biểu hiện của việc thực hiện chủ trương không hy sinh an sinh xã hội để chạy theo tăng trưởng đơn thuần và không để ai bị bỏ lại phía sau. Lời phát biểu của Thủ tướng và niềm vui của đồng bào đã giúp đầu óc tôi bớt nặng nề, tâm hồn thanh thoát như vừa bước ra từ cửa thiền.
Thảo Linh