Chiếc răng tê giác 24 triệu năm tuổi

Chiếc răng tê giác 24 triệu năm tuổi
9 giờ trướcBài gốc
Các nhà nghiên cứu khảo sát khu vực Haughton Formation, nơi phát hiện hóa thạch răng tê giác có niên đại 24 triệu năm. Ảnh: Martin Lipman.
Chiếc răng tê giác 24 triệu năm tuổi được tìm thấy tại vùng Bắc Cực, nơi có điều kiện nhiệt độ lạnh giúp bảo tồn tốt vật liệu sinh học, theo CNN.
Dưới lớp men răng cứng giống như "két sắt tự nhiên", các nhà khoa học đã trích xuất được 7 chuỗi protein cổ, lâu đời gấp 10 lần ADN cổ xưa nhất từng biết đến.
"Men răng cứng đến mức có thể bảo vệ protein qua hàng chục triệu năm. Chúng tôi đã mở được cánh cửa bí mật đó với hóa thạch này", tiến sĩ Ryan Sinclair Paterson, nhà nghiên cứu tại Đại học Copenhagen (Đan Mạch), cho biết.
Nghiên cứu công bố trên tạp chí Nature ngày 9/7 đánh dấu bước ngoặt cho lĩnh vực paleoproteomics - chuyên ngành nghiên cứu protein cổ đại. Trái với ADN - phân tử dễ phân hủy, protein có thể tồn tại lâu hơn, cung cấp thông tin về dòng dõi tiến hóa, chế độ ăn, thậm chí giới tính của sinh vật đã tuyệt chủng.
Dựa trên chuỗi axit amin thu được và so sánh với các loài tê giác hiện đại, nhóm nghiên cứu xác định hóa thạch này thuộc một nhánh tiến hóa từng tách ra từ tổ tiên chung của tê giác hiện nay khoảng 25 - 41 triệu năm trước.
"Trong hồ sơ hóa thạch từng tồn tại nhiều loài tê giác kỳ lạ, như tê giác lông mượt hay "kỳ lân Siberia" với chiếc sừng khổng lồ. Nay chúng tôi có thể xác định được vị trí chính xác của "tê giác bí ẩn" này trong cây tiến hóa", Paterson nói.
Ryan Paterson (phải) và Enrico Cappellini (trái), hai nhà khoa học chủ trì phân tích hóa thạch răng tê giác. Ảnh: Palesa Madupe.
Giáo sư Enrico Cappellini, đồng tác giả nghiên cứu, nhận định nếu phương pháp này được mở rộng, họ có thể tiến tới nghiên cứu cả protein trong hóa thạch khủng long.
Một nghiên cứu khác, cũng công bố trên Nature, cho thấy protein vẫn có thể tồn tại hàng triệu năm trong môi trường nóng ẩm.
Nhóm chuyên gia từ Viện Bảo tồn Smithsonian (Mỹ) và Đại học Harvard đã trích xuất protein từ 5 hóa thạch động vật có vú có niên đại từ 1,5 đến 18 triệu năm tại lưu vực Turkana, Kenya nơi khí hậu khắc nghiệt và nhiệt độ cao quanh năm.
"Chúng tôi rất bất ngờ khi thành công với mẫu vật 18 triệu năm tuổi. Điều này cho thấy khả năng tìm thấy protein cổ đại còn xa hơn nữa", nhà nghiên cứu Timothy Cleland cho biết.
Phát hiện này khiến giới khoa học sửng sốt, bởi trước đó người ta cho rằng chỉ những nơi có khí hậu lạnh mới đủ điều kiện bảo tồn protein lâu dài.
Toàn cảnh Haughton Formation gần suối Rabbit Run trên đảo Devon, Nunavut. Khí hậu khô và lạnh của "sa mạc vùng cực" đã giúp bảo tồn hóa thạch tê giác cổ, bao gồm cả dấu vết protein nguyên thủy. Ảnh: Martin Lipman.
Dù nghiên cứu trên tê giác cổ được đánh giá là đáng tin cậy, nhiều chuyên gia vẫn tỏ ra thận trọng với kết quả từ mẫu hóa thạch tại Kenya, do phương pháp phân tích còn mới và phức tạp. Việc xác minh sẽ cần thêm thời gian và thử nghiệm lặp lại.
Trong khi đó, việc tìm kiếm protein trong hóa thạch khủng long vẫn là thách thức lớn. Dù từng phát hiện axit amin trong vỏ trứng khủng long, các nhà khoa học chưa thu được bất kỳ chuỗi protein đầy đủ nào.
Hóa thạch khủng long thường có tuổi đời hơn 66 triệu năm được hình thành trong thời kỳ khí hậu nóng và bị chôn vùi sâu dưới lòng đất. Tuy nhiên, các nhà khoa học tin rằng trong 10 năm tới, nếu tìm được điều kiện bảo tồn thích hợp, việc phục hồi protein từ hóa thạch khủng long hoàn toàn khả thi.
"Một vài di chỉ đặc biệt có thể là nơi lý tưởng để tìm thấy protein khủng long", Paterson nhận định.
Đan Châu
Nguồn Znews : https://lifestyle.znews.vn/chiec-rang-te-giac-24-trieu-nam-tuoi-post1568967.html