Khối sĩ quan Lục quân đại diện cho binh chủng hợp thành Quân đội nhân dân Việt Nam
1.
Phải rít đến điếu thuốc lào thứ ba, người lính già mới bắt đầu câu chuyện. Chấp nhận kể lại câu chuyện của mình đã bị lớp bụi thời gian phủ dày lên mấy chục năm là một việc không dễ dàng với những cựu chiến binh. Ông là Nguyễn Đình Thoảng, sinh năm 1940, quê ở Thái Bình, nhập ngũ năm 1961. Năm 1966, ông chuyển sang lính pháo thủ xe tăng.
Một thời điểm, địa điểm đã đi vào máu thịt của ông Thoảng là tháng 8/1967, tại thôn Giếng Xạ (Lương Sơn, Hòa Bình), Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 203 xe tăng đã bí mật làm lễ lên đường chiến đấu. Xe tăng của ta xuất trận lần đầu tiên là xe BT76, loại xe tăng hạng trung lội nước gọn nhẹ 14 tấn của Liên Xô, qua sông tắt máy đẩy như thuyền. Xe tăng theo đường số 4, đường rừng, từ Lương Sơn, lên Vụ Bản, vào Thanh Hóa, xuyên dãy Trường Sơn sang nước bạn Lào. Để đảm bảo bí mật, ban đêm hành quân, ban ngày nghỉ.
Cuộc hành quân kéo dài ròng rã gần 3 tháng mới tới Savanakhet (Lào). Hành quân dài trên đường rừng núi, nên xe hư hỏng nhiều, nhất là bộ phận chuyển động. Để chiến đấu ngay được, ta buộc một đại đội 11 xe dồn thành 6 chiếc, những chiếc còn lại sẽ bổ sung hoàn chỉnh sau.
Giáp Tết Mậu Thân năm 1968, lần đầu tiên trong đêm, xe tăng của ta bí mật vượt sông Sê Pôn, phối hợp với bộ binh tấn công địch ở Quảng Trị.
Cựu chiến binh Nguyễn Đình Thoảng
2.
Lục trong ngăn tủ một chiếc hộp sắt đựng đầy huân chương, cựu chiến binh Nguyễn Đình Thoảng đưa cho chúng tôi xem tấm Huân chương Chiến công hạng Nhì. Ông nói, tấm huân chương này này gắn với một trận đánh công khai đầu tiên giữa ban ngày của xe tăng ta.
Lật giở ký ức, ông “tường thuật” lại cho chúng tôi nghe từng chi tiết của trận đánh:
“Đầu năm 1971, Mỹ - Ngụy tập trung mấy chục ngàn quân với hàng trăm máy bay, xe tăng, xe bọc thép mở cuộc hành quân lớn Lam Sơn 719 đánh vào đường 9 Nam Lào, định cắt đôi Đông Dương và hòng tiến ra miền Bắc.
Trong chiến tranh, có những điều không thể lý giải được. Chỉ riêng điều này, có thể khẳng định, đây là trận đầu tiên xe tăng ta công khai tấn công địch và đã chiến thắng rất oanh liệt, một xe tăng tiêu diệt cả một lữ đoàn dù.
Khoảng gần 10 giờ sáng ngày 25/2/1971, xe tăng được lệnh xuất kích tấn công một lữ đoàn dù của Ngụy tại cứ điểm 543 trên một quả đồi cao rộng. Đội hình tiến công gồm 3 xe tăng chênh chếch theo hình chữ chi, xe của tôi mang số hiệu 550, đi đầu. Trong xe gồm trưởng xe là đồng chí Duyên; lái xe là đồng chí Đoàn; tôi là pháo thủ; đồng chí Cối, chính trị viên trưởng tiểu đoàn. Trên đầu, các loại máy bay địch gầm thét như chuồn chuồn mùa hè, xả đạn làm cho chiếc xe tăng thứ hai của ta bị cháy, chiếc thứ 3 bị hỏng và bộ binh cũng không tiến kịp theo xe tăng. Cuộc chiến đấu chỉ còn lại duy nhất một chiếc xe của chúng tôi. Thấy xe tăng của ta, địch ở các hầm cơ động, thông hào bắn ra như mưa. Nhiều tên sợ quá, ném lựu đạn quên rút chốt. Xe tăng của tôi tiến lên được đỉnh đồi và cứ thế quần nhau với cả lữ đoàn dù của địch.
Có thể nói, đây là trận chiến đấu có một không hai trong lịch sử của bộ đội xe tăng. Khi đồng chí trưởng xe bị thương, đồng chí Cối giúp lái xe, còn tôi vào vị trí trưởng xe kiêm pháo thủ. Tôi dùng pháo 76, đại liên, 12,7 bắn vào các ổ đề kháng của địch. Trong xe, tầm bắn hạn chế, tôi bò ra lưng xe hạ nòng 12,7 bắn thẳng vào các cửa hầm của địch. Một mình tôi đã bắn như thế từ hơn 9 giờ sáng cho đến chiều, bắn hết 2 hòm đạn 12,7 và tất cả cơ số đạn trong xe tăng dành cho 3 trận đánh công kiên. Trong xe chỉ còn lại 2 quả đạn vạch sáng cực nhanh - một loại đạn rất có giá trị, khi bắn phải được lệnh. Tôi bắn đến mức tai như ù, đầu muốn vỡ, mắt nổ đom đóm. Đến khoảng 4 giờ chiều, lữ đoàn dù của địch phần thì bị tiêu diệt, phần thì bị thương, phần thì bỏ chạy tán loạn. Cả quả đồi rộng hàng mẫu, đất đá bị cày xới, xác giặc ngổn ngang như vườn mía sau cơn bão lớn.
Cuối trận đánh, phát hiện còn một hầm cố thủ - “lô cốt cơ động” của địch, chúng tôi cho xe lên mặt hầm quần đảo, bắn đạn khói, ném lựu đạn cay, buộc địch phải ra hàng. Từ trong xe, chúng tôi nhìn thấy lúc nhúc địch. Đồng chí Cối lệnh cho tôi ra khỏi xe bắt sống tù binh. Tôi cắp khẩu AK nhảy xuống đất. Trước mặt tôi là mấy chục tên địch, có tên còn cầm vũ khí. Đồng chí Cối đứng trên xe dùng AK khống chế địch và ném dây cho tôi. Có một tên địch dùng súng chống cự, tôi và đồng chí Cối tiêu diệt ngay.
Chúng tôi không ngờ, đây chính là hầm chỉ huy. Tôi đặt một tay vào cò súng, dùng nòng súng quàng dây trói liên tiếp quanh người từng tên địch lại, tổng số 47 tên. Với cách trói đặc biệt này, tôi vừa dọa được địch, vừa sẵn sàng tiêu diệt những tên muốn chống cự. Đến tận bây giờ, tôi vẫn không hiểu tại sao mình lại nghĩ ra được cách trói địch có một không hai như vậy! Một xâu tù binh dài tới hai, ba chục mét. Vừa trói, tôi vừa nhớ đến những dây cua đồng bán ở chợ quê, người nông dân cũng trói tương tự thế này.
47 tù binh bị chúng tôi bắt sống hôm đó gồm toàn bộ Bộ Tham mưu lữ đoàn dù, trong đó có tên đại tá Thọ, Lữ đoàn trưởng. Mấy mươi năm rồi, tôi không nhớ trận đó, chiếc xe tăng của chúng tôi đã tiêu diệt bao nhiêu địch, chỉ biết toàn bộ lữ đoàn dù của địch hơn một ngàn quân không còn một ổ chống cự nào trên toàn quả đồi.
Nhiều lúc nhớ lại, tôi cũng không hiểu sao mình lại có sức khỏe để có thể bắn trong suốt nhiều tiếng đồng hồ như thế! Và một điều rất kỳ lạ, hơn năm tiếng quần nhau với địch, lúc trong xe, lúc ra ngoài chìa lưng ra mà bắn địch, bốn xung quanh đạn như mưa rào, mà tôi không hề bị thương, dù là vào phần mềm. Trên lưng xe, thì la liệt lựu đạn chưa nổ và đạn các loại. Trong chiến tranh, có những điều không thể lý giải được. Chỉ riêng điều này, có thể khẳng định, đây là trận đầu tiên xe tăng của ta công khai tấn công địch và đã chiến thắng rất oanh liệt, một xe tăng tiêu diệt cả một lữ đoàn dù”.
Rít một điếu thuốc nữa, ông Thoảng kể tiếp:
“Sau trận đánh đó, về đơn vị, tôi mê mệt cho đến trưa hôm sau mới tỉnh, người rã rời, khát, mệt. Nhưng chỉ được nghỉ một ngày, ngày 27/2, tôi lại cùng chiếc xe tăng xuất trận. Trận này, địch cũng dùng xe tăng với số lượng lớn. Xe tăng của tôi sau khi bắn hạ 3 xe tăng của địch cũng bị trúng đạn bốc cháy. Tôi bị thương nặng vào chân, vào sườn, lạc vào rừng 10 ngày. Đơn vị cho là tôi đã hy sinh, nên tổ chức lễ truy điệu. Rất may, số tôi chưa tận, một đơn vị bộ đội của ta tìm thấy tôi đang sốt hầm hập, vết thương nhiễm trùng sưng húp. Tôi được ra Bắc điều trị vết thương và dự Hội nghị Chiến sỹ quyết thắng toàn quân chủng. Tại Hội nghị, tôi được Chủ tịch nước tặng Huân chương Chiến công hạng Nhì. Đặc biệt, tôi vinh dự được nhận Huy hiệu Bác Hồ - đây là tấm huy hiệu đầu tiên của quân chủng xe tăng
3.
Điều trị vết thương xong, ông Thoảng được điều lên tuyên huấn Bộ Tư lệnh để đi nói chuyện về chiến công đầu tiên của bộ đội xe tăng. Trong một lần nói chuyện như thế, anh lính xe tăng dũng cảm 31 tuổi đã làm rung động trái tim cô gái Thái Bình đang là cán bộ kỹ thuật của Nhà máy Mì chính Việt Trì. Ngày 28 Tết năm 1971, họ làm đám cưới. Ông Thoảng phải bán cả màn bộ đội để mua mấy tuýp thuốc lá Tam Đảo và mua tặng vợ món quà cưới duy nhất là chiếc nón lá. Năm đó, ngày 29 âm lịch là ngày 30 Tết, nên vợ chồng chỉ ở với nhau được 3 đêm, rồi ông Thoảng lại vào chiến trường…
Trước khi tạm biệt người lính già, tôi nói với ông, nhiều đồng đội cho rằng, với những trận chiến đấu dũng cảm của ông, nhất là trận đánh thắng giòn giã vào ngày 25/2/1971, ông xứng đáng được phong danh hiệu anh hùng.
Tôi vừa dứt câu, ông đã xua tay dứt khoát và nói: “Tôi chưa bao giờ suy nghĩ tới điều đó. Cuộc đời người lính trong chiến tranh là thiệt thòi nhiều lắm, nhất là trong tình yêu, tình cảm vợ chồng. Nhưng cứ nghĩ đến bao đồng đội đã hy sinh, nhiều người chưa lấy vợ, thì tôi thấy mình còn may mắn và hạnh phúc. Chỉ khi từ giã trái đất này, may chăng mới quên nổi những kỷ niệm, những hình ảnh về đồng đội thân yêu! Còn bây giờ, tôi ước ao có một bộ quân phục, nhưng phải còn mới tinh cơ!”.
Năm 2023, người lính xe tăng anh hùng Nguyễn Đình Thoảng đã từ giã trái đất này, nhưng quá khứ oai hùng, những trận đánh huyền thoại và nghĩa tình đồng đội sâu nặng, sống chết bên nhau trong cuộc chiến tranh sinh tử vẫn còn sống mãi…
Tâm Anh