Chiêm bái xá-lợi Phật

Chiêm bái xá-lợi Phật
10 giờ trướcBài gốc
GNO - Đại lễ Vesak Liên Hiệp Quốc 2025 diễn ra tại TP.HCM có sự kiện trọng đại là chiêm bái xá-lợi Phật được cung rước từ Ấn Độ về Việt Nam. Trong bối cảnh có hàng vạn người nô nức đến chiêm bái với nhiều tâm nguyện khác nhau, có ý kiến cho rằng sự kiện này chỉ có giá trị tâm linh là củng cố niềm tin Tam bảo, ngoài ra còn mang ý nghĩa lịch sử, văn hóa và khảo cổ. Nhất là nêu cao chánh kiến, trí tuệ để không cầu xin, khấn nguyện, vì Phật dạy “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi”. Riêng tôi, đã chiêm bái xá-lợi Phật và các Thánh tích tại Ấn Độ nhiều lần lại có cảm nhận rất khác, đặc biệt quan trọng là cảm ứng linh thiêng, bản thân đã chuyển hóa một cách nhiệm mầu. Mong được quý Báo có nhận định về vấn đề này.
(HOÀI ÂN, nganhoai…@gmail.com)
Bạn Hoài Ân thân mến!
Theo quan điểm Chánh pháp, mỗi người nhìn ra thế giới (sáu trần) đều có cảm nhận và ứng xử khác nhau, tùy theo nghiệp của mình. Chính điều này làm cho cuộc sống thật phong phú, đa dạng, có nhiều điều thú vị. Giống như đồ cổ hoặc xưa cũ, có kẻ thấy thừa thãi bèn vứt đi, có người phải bỏ ra nhiều tiền của và công sức mới được mang về. Không có chuyện ai đúng hay sai ở đây, tùy nghiệp duyên hay quan điểm sống của mỗi người.
Việc chiêm bái xá-lợi Phật cũng như vậy, tùy nghiệp của mỗi người mà định dạng cho mình những ý nghĩa và giá trị khác nhau. Những ý kiến về chiêm bái xá-lợi Phật: Có ý nghĩa tâm linh (củng cố niềm tin Tam bảo), có tính lịch sử (Đức Phật không phải là nhân vật huyền thoại), giá trị văn hóa (thắt chặt tình hữu nghị giữa hai nước Việt Nam và Ấn Độ, kết nối tình huynh đệ Phật tử, tình người), có giá trị khảo cổ… đều đúng nhưng chưa đầy đủ. Ngay cả khuyến nghị nêu cao chánh kiến, trí tuệ để không cầu xin, khấn nguyện, vì Phật dạy “Hãy tự mình thắp đuốc lên mà đi” cũng vậy, đều không bao hàm hết ý nghĩa và giá trị của việc chiêm bái xá-lợi Phật.
Quan trọng nhất trong việc chiêm bái xá-lợi là phương diện tâm linh và cảm nhận của tự thân. Xá-lợi Phật tự thân đã là báu vật linh thiêng. Những người hữu duyên khi được tiếp xúc và chiêm bái xá-lợi sẽ cảm nhận được năng lượng bình an, thân tâm lắng đọng, tĩnh tại và thăng hoa rất khó chia sẻ. Kinh Phật gọi trạng thái giao cảm này là không thể nghĩ bàn (Cảm ứng đạo giao nan tư nghì). Giống như bạn đã trải nghiệm tự chuyển hóa bản thân một cách nhẹ nhàng, việc mà trước đây đã cố gắng rất nhiều nhưng thất bại. Đây là kinh nghiệm tự nội, ai trải qua thì tự biết, người ngoài khó thấu hiểu và cảm thông. Đồng thời đây cũng là điểm mấu chốt để lý giải cho việc các tín đồ không ngại khó khăn hành hương đến các Thánh tích xa xôi để chiêm bái, có trường hợp phải trả giá bằng chính sinh mạng.
Việc cầu xin, khấn nguyện trong khi chiêm bái xá-lợi Phật cũng không hẳn là phi chánh kiến. Trong Chánh pháp có Thánh cầu và phi Thánh cầu, nếu là Thánh cầu thì rất tốt. Lại có dục như ý túc, mong cầu hướng thiện, mong muốn thành tựu thiền định thì rất nên. Vấn đề là cầu cái gì, nguyện thế nào cho phù hợp với Chánh pháp.
Thiển nghĩ, khi tiếp xúc và chiêm bái xá-lợi, hãy quán tưởng như đang gặp Phật. Thành kính lễ bái với tất cả lòng thành, có thể phát lồ sám hối, khấn nguyện, mong cầu thánh thiện, cầu Phật chứng tri, gia hộ. Những giao cảm tâm linh huyền nhiệm nếu có lại càng hay. Quan trọng là tăng trưởng tín tâm vào Tam bảo, phát nguyện tinh tấn thực hành giáo pháp để tịnh hóa thân tâm, thành tựu công đức, trí tuệ và giải thoát.
Chúc bạn tinh tấn!
Tổ Tư vấn Báo Giác Ngộ (tuvangiacngo@yahoo.com)
Nguồn Giác ngộ : https://giacngo.vn/chiem-bai-xa-loi-phat-post75886.html