Theo HĐXX, Công ty Á Châu được Sở Kế hoạch và Đầu tư TPHCM cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh năm 2006, chuyên kinh doanh bất động sản với vốn điều lệ 10 tỷ đồng do Trần Thị Kim Thoa là Chủ tịch HĐTV. Tuy nhiên, mọi hoạt động của doanh nghiệp này do Hoàng Tiến Dzũng (đang bị truy nã) trực tiếp điều hành.
Bị cáo Trần Thị Kim Thoa tại phiên tòa.
Do kinh doanh thua lỗ nên cuối năm 2009, khi đến hạn trả nợ ngân hàng, Hoàng Tiến Dzũng đã bàn bạc, thống nhất với bà Phạm Thị Mai Toan (Giám đốc chi nhánh một ngân hàng) sử dụng Công ty Á Châu lập dự án để vay 90 tỷ đồng của ngân hàng trên nhằm mục đích trả nợ.
Dù chưa được cơ quan có thẩm quyền cho phép thực hiện Dự án khu phức hợp căn hộ và thương mại địa ốc Á Châu tại phường Phú Hữu (TP Thủ Đức) nhưng Hoàng Tiến Dzũng đã chỉ đạo lập, ký khống các chứng từ, tài liệu trong bộ hồ sơ vay vốn ngân hàng và toàn bộ tài sản hình thành trong tương lai.
Từ các hồ sơ ‘khống’ nêu trên, chi nhánh ngân hàng nêu trên nhiều lần giải ngân cho Công ty Á Châu,
Cơ quan điều tra xác định vào các năm 2010, 2011, 2012, Công ty Á Châu đã bàn giao cho ngân hàng 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất với tổng diện tích là 10.349 m², giá trị được nâng khống là hơn 97,5 tỷ đồng.
Do Công ty Á Châu không triển khai thực hiện dự án nên đến năm 2013, Sở Tài nguyên và Môi trường TPHCM đã thông báo chấm dứt, không chấp thuận thực hiện dự án.
Đến năm 2014, Công ty Á Châu đã trả nợ gốc được 23 tỷ đồng. Sau khi xử lý tài sản thế chấp là 6 giấy chứng nhận quyền sử dụng đất nói trên, Công ty Á Châu còn nợ gốc 21,3 tỷ đồng.
Bà Trần Thị Kim Thoa, Hoàng Tiến Dzũng và một số người đã xuất cảnh, đến năm 2017, bà Thoa về nước thì bị bắt.
Liên quan đến vụ án này, các cựu cán bộ ngân hàng đã bị xét xử vào năm 2020. Hoàng Tiến Dzũng đang bỏ trốn và bị truy nã nên Bộ Công an đã ra quyết định tách vụ án hình sự, tạm đình chỉ điều tra khi nào bắt được sẽ xử lý sau.
Tân Châu