Triển lãm mang đến 36 hiện vật tiêu biểu của thời kỳ Đông Sơn, trong đó đặc biệt có 3 trống đồng đã được công nhận là Bảo vật Quốc gia.
Trống đồng Kính Hoa được công nhận bảo vật quốc gia năm 2020, là một trong ba chiếc trống của nhà sưu tập Nguyễn Văn Kính đang được trưng bày tại triển lãm Nghệ thuật Đông Sơn. Ảnh:
Những chiếc trống đồng này không chỉ có giá trị khảo cổ học mà còn là biểu tượng văn hóa, phản ánh tầm vóc và bản sắc dân tộc qua hàng nghìn năm lịch sử.
Trống đồng Kính Hoa được công nhận bảo vật quốc gia năm 2020. Trống cao 59 cm, đường kính mặt và chân là 89 cm, có niên đại thế kỷ 4 - 3 trước Công nguyên, thuộc nền văn hóa Đông Sơn. Tên Kính Hoa gắn với tên của nhà sưu tập - chủ sở hữu bảo vật hợp pháp.
Trống đồng Kính Hoa III, cao 46 cm, đường kính mặt 69,5 cm, chân là 83 cm. Ảnh: Giang Huy
Những hoa văn tinh xảo trên mặt trống thể hiện trình độ chế tác bậc thầy của người Việt cổ, chứa đựng những thông tin vô giá về đời sống, sinh hoạt, tín ngưỡng và các hoạt động nghi lễ của cộng đồng cư dân Đông Sơn. Triển lãm đã đưa người xem trở về với văn minh ngàn năm của dân tộc.
Thạp đồng có chiều cao 47,6 cm, đường kính mặt, chân lần lượt là 41,4 và 38,4 cm. Ảnh: Giang Huy
Ngoài trống đồng, triển lãm còn trưng bày nhiều hiện vật độc đáo khác góp phần tái hiện một cách toàn diện hơn về đời sống vật chất và tinh thần của người Đông Sơn, giúp công chúng hiểu rõ hơn về nền tảng văn hóa hình thành nên bản sắc Việt Nam.
Triển lãm do Bảo tàng Mỹ thuật phối hợp với Bảo tàng tư nhân Kính Hoa phối hợp tổ chức. Theo các chuyên gia, các hiện vật thuộc sưu tập tư nhân đã đem lại làn gió mới cho kho tàng di sản văn hóa Việt Nam.
Triển lãm “Nghệ thuật Đông Sơn” mở cửa đón khách tham quan đến hết ngày 18/2, tại tầng 2 nhà B, Bảo tàng Mỹ thuật Việt Nam, 66 Nguyễn Thái Học, Ba Đình, Hà Nội.