Kinh lá buông ở An Giang là một trong những di sản văn hóa phi vật thể quốc gia được Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch công nhận năm 2017, thể hiện sự khéo léo, tài năng sáng tạo trong trình độ kỹ thuật và tri thức của người Khmer.
Theo Bảo tàng An Giang, hơn một thế kỷ trước, trong điều kiện in ấn khó khăn, các sư sãi trong chùa đã nghĩ đến cách chép lại kinh Phật trên lá buông. Hiện các ngôi chùa Khmer trên địa bàn còn lưu giữ gần 1.000 quyển kinh lá.
Những bộ kinh lá buông được lưu giữ tại chùa Sà Lôn. Ảnh: Trần Tuyên
Chùa Sà Lôn (xã Lương Phi, huyện Tri Tôn) từ lâu được biết đến là nơi còn lưu giữ kỹ thuật viết trên lá buông. Hòa thượng Chau Sơn Hy - trụ trì chùa cho biết, kinh được chép trên lá buông chủ yếu là giáo lý của đức Phật, răn dạy con người làm điều lành, hướng thiện.
Những quyển kinh này chỉ được mở ra thuyết pháp vào những dịp quan trọng như lễ Phật đản, lễ Kathina (lễ dâng bông, dâng y cà sa), lễ Dolta (cúng ông bà)…
Ngoài kinh Phật, các văn bản viết trên lá buông còn ghi chép những nội dung về văn học, lịch pháp, y học, câu chuyện kể về các hiện tượng của đời sống xã hội...
Hòa thượng Chau Sơn Hy giới thiệu nguồn gốc, cách viết chữ trên lá buông. Ảnh: Trần Tuyên
Theo trụ trì chùa Sà Lôn, người Khmer chọn lá buông làm giấy viết vì lá rất dai, bền, vạch nét chữ rõ ràng và ít bị hư mục. Bút dùng viết trên lá buông hình tròn, thân làm bằng gỗ và “ngòi viết” là mũi kim mài nhọn.
“Viết xong, người ta lấy mực đen xoa lên chữ, sau đó lau sạch mặt lá để chữ nổi lên. Cứ thế họ viết hết lá này đến lá khác rồi xỏ lỗ đóng thành quyển. Một số người còn dùng dung dịch nước bột vàng thoa một lớp mỏng lên cả 2 mặt lá buông nhằm làm cho mặt lá sáng bóng hơn và tránh sự xâm hại của côn trùng, mối mọt”, Hòa thượng Chau Sơn Hy cho hay.
Việc khắc chữ trên lá buông đòi hỏi sự tỉ mỉ, công phu. Khi khắc chữ, ngón cái điều khiển đầu bút phải khắc sao cho luôn đều tay để nét chữ đều đặn và thẳng hàng.
Dụng cụ khắc chữ trên lá buông. Ảnh: Trần Tuyên
Hiện nay, hầu hết kinh lá buông được gìn giữ, bảo quản tại các chùa với phương thức đơn giản như dùng vải quấn hoặc bỏ tủ kính. Trải qua nhiều thế hệ, kinh lá buông được xem như “báu vật” của người Khmer ở An Giang.
Trước nguy cơ thất truyền, năm 2021, UBND tỉnh An Giang đã phê duyệt đề án bảo tồn và phát huy giá trị di sản văn hóa phi vật thể quốc gia “Tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông của người Khmer tỉnh An Giang đến năm 2030".
Một buổi học viết chữ trên lá buông của các sư sãi tại chùa Sà Lôn. Ảnh: Công Mạo
Theo đó, đề án hướng đến mục tiêu kiểm kê, phân loại các bộ kinh lá trên địa bàn tỉnh theo hệ thống; hướng dẫn bảo quản, phục hồi kinh lá buông bị hư hỏng; tư liệu hóa, số hóa di sản tri thức và kỹ thuật viết chữ trên lá buông.
Đồng thời, bảo tồn, phát huy giá trị di sản đã được nhận diện, xây dựng thêm dị bản của một số bộ kinh lá buông phục vụ công tác giáo dục di sản, phát triển du lịch; dịch thuật một số bộ kinh lá buông tiêu biểu để làm tư liệu tham khảo, nghiên cứu, giới thiệu tuyên truyền.
Trần Tuyên