Neft Daşları một khu định cư công nghiệp ở biển Caspi ngoài khơi bờ biển Baku, Azerbaijan vào năm 1997 (Ảnh: Getty)
Khi nhà làm phim Marc Wolfensberger lần đầu tiên nghe về Neft Daşları, ông nghĩ rằng đó chỉ một huyền thoại. Ông liên tục nghe về thành phố bí ẩn này: trải dài như những xúc tu gỉ sét nổi lên giữa biển Caspi, cách xa bờ biển gần nhất. Nhưng rất ít người từng thấy nó. "Mức độ bí ẩn là cực kỳ cao", ông nói.
Mãi cho đến khi nhà làm phim đi đến đó trên một con tàu chở nước vào cuối những năm 1990, ông mới biết nó là có thật. Nó "vượt xa bất cứ điều gì tôi từng thấy", ông kể lại. Được bảo vệ bởi các tàu quân sự, nó giống như "một con đường cao tốc giữa biển", trải dài "như một con bạch tuộc".
Quyết tâm ghi hình lại thành phố kỳ lạ này, ông đã dành 8 năm để thuyết phục chính phủ Azerbaijan cho phép ông quay lại, điều mà ông cuối cùng cũng thực hiện được vào năm 2008, khi ông ở lại đó hai tuần để làm bộ phim "Oil Rocks: City Above the Sea" (Đá dầu: Thành phố trên mặt biển).
Quang cảnh Neft Daşları vào năm 2011
Neft Daşları, có nghĩa là "Đá Dầu", là một mạng lưới các giếng dầu và khu sản xuất được nối với nhau bằng hàng km cầu giữa không gian rộng lớn của biển Caspi, hồ lớn nhất thế giới. Nó nằm cách thủ đô Baku của Azerbaijan khoảng 60 dặm (96 km) và cách đất liền 6 giờ đi thuyền.
Đây là giàn khoan dầu ngoài khơi lâu đời nhất thế giới, theo sách Kỷ lục Guinness, và vào thời kỳ đỉnh cao, nó có hơn 5.000 cư dân sinh sống.
Tuy nhiên, trong những thập kỷ gần đây, dân số của thành phố này đã giảm dần, khi nhiều khu vực đã xuống cấp và bị biển xâm lấn. Thế nhưng, nó vẫn đang hoạt động và là biểu tượng cho lịch sử lâu đời của Azerbaijan về dầu mỏ ở Caspi, một vùng nước giàu nhiên liệu hóa thạch.
Lịch sử của thành phố này bắt nguồn từ thời Liên Xô. Vào cuối những năm 1940, các công nhân dầu mỏ đặt chân lên một hòn đảo nhỏ và xây dựng một giàn khoan cùng một căn nhà nhỏ để ở. Giếng thăm dò đầu tiên được khoan vào năm 1949, phun ra một dòng "vàng đen".
Mỏ dầu này đã cử chuyến tàu chở dầu đầu tiên về đất liền vào năm 1951 và việc xây dựng thành phố bắt đầu diễn ra với quy mô lớn. Tiếp theo đó là một kỳ công về kiến trúc và kỹ thuật xuất hiện trên biển, ông Wolfensberger nói.
Kể từ đó, thành phố từ từ được mở rộng, cấu trúc này được đỡ bằng các cột kim loại cắm xuống đáy biển và ở trên mực nước biển vài mét như thể đang nổi. Cuối cùng, nó bao gồm gần 2.000 giếng và khoảng 320 khu sản xuất, được nối với nhau bằng hơn 100 dặm (160 km) cầu và hơn 60 dặm (96 km) ống dẫn dầu và khí đốt.
Hoạt động khai thác dầu ở Neft Daşları vào năm 2011
7 con tàu ngừng hoạt động đã được đưa ra khu vực này và được đánh chìm có chủ đích. Xác của chúng tạo thành một vịnh nhân tạo để bảo vệ thành phố khỏi gió và sóng – mặc dù Neft Daşları vẫn dễ bị tổn thương trước các cơn bão và nước động.
"Một số con tàu đó vẫn còn được nhìn thấy trên mặt nước nơi chúng bị chôn vùi", bà Mirvari Gahramanli, người đứng đầu tổ chức Bảo vệ Quyền của Công nhân Dầu khí, một tổ chức nhân quyền ở Azerbaijan, cho biết.
Trong những thập kỷ tiếp theo, Neft Daşları có thêm các khu nhà ở cho công nhân, một lò bánh mì, một nhà hát với sức chứa hàng trăm người, cửa hàng, cơ sở y tế, sân bóng đá và bãi đỗ trực thăng. Thành phố này thậm chí còn có cả cây cối và công viên được thiết kế trên các cấu trúc thép.
Một số người ở Azerbaijan gọi nó là "kỳ quan thứ 8 của thế giới", bà Gahramanli nói. Người khác lại gọi nó là "đảo 7 con tàu", theo số lượng những con tàu bị chìm xung quanh nó.
Khu vực này từng là “hòn ngọc” trong ngành sản xuất dầu ở Caspi và đã khai thác gần 180 triệu tấn dầu trong suốt 75 năm tồn tại, theo công ty dầu khí nhà nước SOCAR của Azerbaijan, công ty sở hữu và điều hành Neft Daşları. Vào thời kỳ đỉnh cao năm 1967, nó sản xuất 7,6 triệu tấn, đạt mức kỷ lục.
Ký túc xá nhân viên tại Neft Daşları vào ngày 6/9/2023 (Ảnh: EPA)
Ngoài chỗ ở, thành phố còn có công viên, sân bóng đá và một nhà hát lớn (Ảnh: EPA)
Nhưng tầm quan trọng của nó đã giảm dần trong các thập kỷ qua khi các mỏ dầu lớn hơn được khai thác và giá dầu biến động. Mức sản xuất đã giảm xuống dưới 3.000 tấn/ngày (khoảng 1 triệu tấn/năm), theo số liệu SOCAR công bố hồi đầu năm nay.
"Sản lượng tại Neft Daşları chỉ cung cấp một phần nhỏ trong sản lượng dầu của Azerbaijan, phần lớn trong số đó được cung cấp cho thị trường nội địa", bà Brenda Shaffer, chuyên gia năng lượng tại Trường Hải quân Mỹ, người đã tư vấn cho các công ty dầu khí ở khu vực Caspi, cho biết.
Khi sản xuất dầu giảm, dân số của thành phố đã giảm xuống khoảng 3.000 người, các công nhân thường làm việc 15 ngày trên biển rồi 15 ngày ở nhà trên đất liền.
Dễ bị tác động bởi nước mặn và sóng động của biển Caspi, các phần của thành phố đang dần sụp đổ. Ngay từ năm 2008, nhiều phần cầu đã bị sụp đổ, ông Wolfensberger nói. "Vẫn còn nhiều hoạt động ở đó, nhưng nhiều thứ đang bắt đầu rơi rụng".
Cũng đã có báo cáo về việc tràn dầu. Tổ chức của bà Gahramanli đã lên tiếng lo ngại về ô nhiễm từ Neft Daşları trong nhiều năm, bao gồm cả báo cáo nước thải chưa được xử lý đổ thẳng ra biển Caspi.
Giàn khoan dầu Neft Daşları vào ngày 6/9/2023 (Ảnh: EPA)
Một giàn khoan dầu ở Neft Daşları. Một phần của thành phố hiện đang bị biển xâm lấn nhưng vẫn đang sản xuất dầu (Ảnh: EPA)
Đã từ lâu, người ta tự hỏi điều gì sẽ xảy ra với thành phố khổng lồ trên biển này khi nguồn dầu cạn kiệt.
Cuối bộ phim tài liệu của mình, ông Wolfensberger đã nói về những quyết định khó khăn mà ông thấy các nhà chức trách phải đối mặt: tháo dỡ thành phố với khoản chi phí khổng lồ, biến nó thành khu nghỉ dưỡng hoặc đơn giản là bỏ hoang, "dẫn đến thảm họa sinh thái lớn".
Một số người nghĩ rằng nó sẽ được tái sử dụng. "Sau khi cạn nguồn cung dầu, Neft Daşları có lẽ sẽ trở thành điểm hút khách du lịch", bà Shaffer nói. Ông Wolfensberger tin rằng nó có thể trở thành một viện bảo tàng. "Đây thực sự là cái nôi của khai thác dầu ngoài khơi", ông nói. "Nó là một phần di sản".
Nhưng hiện tại, thành phố vẫn tồn tại, vẫn đang sản xuất dầu, vẫn gần như bị cô lập với bên ngoài, là biểu tượng chắp vá, gỉ sét của một ngành công nghiệp đang dần suy thoái.