F-35 Lightning II là máy bay chiến đấu tiên tiến nhất đang hoạt động trên bầu trời hiện nay. Đây là chiến đấu cơ tàng hình thế hệ thứ năm, được thiết kế để đối phó hiệu quả với các đối thủ cả trên không, mặt đất và trên biển.
Tuy nhiên, chương trình F-35 không phải không gặp khó khăn. Với chi phí ước tính lên tới hơn 2 nghìn tỷ USD trong suốt vòng đời, cùng với các đợt trì hoãn thường xuyên, chương trình F-35 đã và đang chịu sự giám sát chặt chẽ. Dù vậy, đến thời điểm hiện tại, tiến độ đang có nhiều tín hiệu tích cực.
Chương trình F-35 tiếp tục đạt được những bước tiến mới
Trong tháng Tư, chương trình F-35 đã ghi nhận một số thành tựu quan trọng. Sau thời gian gián đoạn việc giao hàng do các vấn đề phần mềm, Lockheed Martin đã nối lại hoạt động bàn giao - với chiếc máy bay thứ 1.170 được hoàn thiện. Điều này đồng nghĩa với việc khoảng một phần ba tổng số đơn đặt hàng toàn cầu cho F-35 đã được giao. Dù phần lớn các đợt bàn giao diễn ra ngoài lãnh thổ Hoa Kỳ, quân đội Mỹ vẫn là khách hàng lớn nhất với tổng số đặt hàng lên tới 2.456 chiếc.
"Tiền vệ bầu trời" F-35
Tính đến nay, hơn 2.910 phi công từ 20 quốc gia đã được đào tạo để vận hành loại máy bay này. Trên 18.100 kỹ thuật viên bảo trì đến từ hàng chục quốc gia có thể thực hiện công tác bảo dưỡng. Các phi đội F-35 trên toàn cầu đã thực hiện gần 630.000 phi vụ, tích lũy hơn một triệu giờ bay.
Trong tháng 4 vừa rồi, đội hình F-35 toàn cầu đã tham gia nhiều nhiệm vụ đáng chú ý. Chiến đấu cơ tàng hình này cũng đã đạt được một cột mốc lớn, nhấn mạnh vai trò đặc biệt của nó trong chiến trường hiện đại.
F-35 đã làm gì?
Vào tháng Tư, trong lễ tang của Giáo hoàng Francis, các chiến đấu cơ F-35 của Ý đã đảm nhiệm việc bảo vệ không phận Rome và Vatican. Ngoài ra, các chiếc F-35B của Anh đã bắt đầu một hành trình triển khai toàn cầu trên tàu sân bay HMS Prince of Wales, đưa chúng đến nhiều điểm nóng trên thế giới. Đáng chú ý, Na Uy đã trở thành quốc gia đầu tiên nhận đủ toàn bộ số lượng F-35 theo đơn đặt hàng - hiện sở hữu tổng cộng 52 chiếc F-35A.
Nhưng có lẽ thành tích ấn tượng nhất của F-35 trong tháng vừa qua chính là màn thể hiện khả năng phối hợp tác chiến nổi bật với các "lực lượng thân thiện".
Trong cuộc tập trận quy mô lớn mang tên "Ramstein Flag" giữa các quốc gia NATO, một chiếc F-35A Lightning II của Hà Lan đã mô phỏng chiến dịch trong môi trường tác chiến bị đối phương kiểm soát gắt gao, được gọi là A2/AD (Chống tiếp cận/Chống xâm nhập từ trên không). Trong quá trình bay, chiếc F-35A phát hiện mục tiêu đối phương và đã sử dụng một hệ thống liên kết dữ liệu đa chức năng tuyệt mật để chia sẻ dữ liệu định vị mục tiêu cho nhiều lực lượng mặt đất đồng minh mô phỏng, giúp họ tấn công chính xác vào các vị trí của đối phương.
Chính khả năng này đã giúp F-35 có biệt danh là "Tiền vệ bầu trời". Với khả năng "quan sát" chiến trường vượt trội so với bất kỳ khí tài nào khác, F-35 cho phép tấn công các mục tiêu mà các lực lượng này nếu chỉ hành động đơn lẻ thì không thể xác định được.
Khả năng này khiến F-35 trở thành nhân tố khuếch đại sức mạnh trên chiến trường và là cơn đau đầu thực sự đối với những đối thủ như Trung Quốc hay Nga. Trong chiến tranh hiện đại, yếu tố then chốt là khả năng tạo ra một "chuỗi tiêu diệt" nhanh chóng, hiệu quả và bền vững; càng nhiều lực lượng có thể tham gia và phối hợp mượt mà, chuỗi tiêu diệt càng có khả năng thành công. Về mặt này, F-35 là một bổ sung vượt trội cho bất kỳ lực lượng quân sự nào.
Thế Hải (Theo National Interest)