Dự án “Frankenjet” bắt đầu từ năm 2014 khi một chiếc F-35A chuẩn bị thực hiện nhiệm vụ huấn luyện từ căn cứ không quân Eglin gặp phải động cơ nghiêm trọng và hư hỏng nặng phía sau. Một cuộc điều tra kết luận rằng các mảnh vỡ cánh quạt động cơ cắt xuyên qua phần vỏ động cơ, khoang động cơ, bình nhiên liệu, đường ống thủy lực bên trong. Hỏa hoạn xảy ra thiêu rụi 2/3 máy bay. Đến ngày 8.6.2020, bánh đáp một chiếc F-35A khác gặp vấn đề tại căn cứ không quân Hill dẫn đến hư hỏng nghiêm trọng.
Thay vì xem 2 chiếc là tổn thất, không quân Mỹ quyết định lắp phần mũi chiếc này vào phần thân chiếc kia để tiết kiệm tối đa và đưa một chiếc hoạt động trở lại. Theo kỹ sư cơ khí Scott Taylor (công ty quốc phòng Lockheed Martin): “Về mặt lý thuyết tất cả bộ phận máy bay đều có thể tháo rời và lắp lại, nhưng điều này chưa từng được thực hiện trước đây. Đây là chiếc F-35 Frankenjet đầu tiên cho đến nay, tạo nên lịch sử”.
2 chiếc F-35A hư hỏng có thể ghép lại thành một chiếc hoàn chỉnh - Ảnh: US Air Force
Công việc chế tạo được thực hiện tại căn cứ không quân Hill bằng loạt công cụ lẫn thiết bị chuyên dụng hoàn toàn mới. Sau 2 năm rưỡi, “Frankenjet” vào tháng 1 cất cánh lần đầu tiên từ căn cứ Hill đến cơ sở F-35 của Lockheed Martin tại Fort Worth. Cuối tháng trước máy bay quay về căn cứ Hill vào biên chế Phi đoàn 338.
Chi phí cho dự án khoảng 11,7 triệu USD, giúp tiết kiệm 63 triệu USD so với chi phí mua chiến đấu cơ mới.
Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế xác định không quân Mỹ hiện sở hữu 383 chiếc F-35A. F-35 là chiến đấu cơ đa nhiệm của Mỹ nhưng hiện diện rộng rãi trong lực lượng không quân nhiều nước. Dòng máy bay này có 3 phiên bản: A (cất/hạ cánh truyền thống), B (cất cánh trên đường băng ngắn, hạ cánh thẳng đứng) và C (hoạt động trên tàu sân bay).
Cẩm Bình