Nhưng việc sử dụng cách này để ứng phó cũng bị cản trở do mâu thuẫn về cách tiếp cận trong việc củng cố tiền tuyến. Mỗi khu vực theo đuổi những cách tiếp cận khác nhau tùy thuộc vào các chỉ huy và giới chức địa phương. Các vị trí phòng thủ kiên cố hơn của Ukraine cũng trở nên kém hiệu quả do tình trạng thiếu hụt binh sỹ chiến đấu.
Ukraine dựng “chiến hào cáo” chặn làn sóng tiến công thần tốc của Nga. Ảnh: TASS
Ukraine xây “chiến hào cáo”
Bộ trưởng Quốc phòng Ukraine Rustem Umerov tuần trước cho biết, sở dĩ Ukraine thay đổi trong chiến lược củng cố phòng tuyến, một phần là do Nga đã chuyển từ các cuộc tấn công theo đội hình lớn được hỗ trợ bởi xe bọc thép sang tấn công bằng những đơn vị nhỏ hơn nhiều được sự yểm trợ của máy bay không người lái.
Ukraine đã ứng phó bằng cách xây dựng các công sự nhỏ cho các đơn vị chiến đấu. Thay vì xây dựng công sự lớn cho các tiểu đoàn khoảng 500 binh sỹ hay các đại đội khoảng 100 binh sỹ, Kiev chủ yếu thiết lập công sự nhỏ cho các trung đội từ 20 đến 50 binh sỹ.
“Đây chủ yếu là các nhóm chiến hào, còn được gọi là chiến hào cáo, khiến đối phương không thể sử dụng máy bay không người lái tấn công. Máy bay không người lái, đặc biệt là UAV sợi quang khó có thể xuyên thủng bất kỳ lỗ hổng nào", Tổng tư lệnh các lực lượng vũ trang Ukraine, Tướng Oleksandr Syrskyi cho biết.
Trước đây, các điểm chủ chốt thường sử dụng mạng lưới chiến hào rộng lớn, dài từ 2 đến 5 km. Hiện nay, mạng lưới chiến hào đã được thu gọn lại, chỉ dài từ 60 đến 70 mét và được trang bị lớp phủ chống máy bay không người lái bắt buộc. “Điều này khiến chúng khó bị phát hiện và có hiệu quả hơn trong việc thực hiện các nhiệm vụ phòng thủ, răn đe và cung cấp hỏa lực, đặc biệt là chống lại máy bay không người lái FPV”, ông Umerov cho biết.
Đằng sau tuyến phòng thủ đó, Ukraine tiếp tục xây dựng thêm hai tuyến phòng thủ nữa bao gồm các khối bê tông, còn gọi là răng rồng, để ngăn chặn xe bọc thép và thiết lập bãi mìn, chiến hào bằng gỗ và bê tông, lưới hoặc nắp chống máy bay không người lái.
“Công sự không chỉ có chiến hào và các khối bê tông, mà đó là một hệ thống kỹ thuật thích ứng có tính đến chiến thuật của đối phương và luôn phục vụ mục đích bảo vệ binh sỹ của chúng tôi. Chúng tôi theo dõi quá trình này hàng ngày và củng cố các khu vực cần nhất”, Bộ trưởng Umerov nêu rõ.
Trước đây, Ukraine thường xây dựng các công sự trên địa hình trống trải để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga sử dụng số lượng lớn xe bọc thép. Bây giờ, chúng được xây dựng xung quanh các vành đai rừng, nơi có khả năng ngụy trang tốt hơn.
Mâu thuẫn trong cách tiếp cận
Bộ tư lệnh Ukraine khẳng định, quân đội đang làm tốt nhiệm vụ xây dựng công sự. Bộ trưởng Umerov cho biết, lực lượng nước này đã hoàn thiện phần lớn phần lớn các kế hoạch được giao vào năm 2024 và thực hiện được hơn một nửa chỉ tiêu cho năm nay.
Nhưng các nhà phân tích và nhiều binh sỹ Ukraine cho biết, tình hình không đồng đều. Tại Dnipro, một thành phố ở miền trung Ukraine, quân đội, chính quyền địa phương và các cơ quan khác đã cùng nhau hành động để huy động tiền bạc, công cụ và nguồn lực xây dựng ba tuyến phòng thủ vững chắc để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga từ khu vực Donetsk.
Nhưng tình hình rất khác biệt ở đông bắc Ukraine, nơi Nga được cho là đang chuẩn bị tiến hành một cuộc tấn công lớn. Ông Roman Pohorilyi, đồng sáng lập Nhóm phân tích DeepState của Ukraine cho biết: "Những gì đang diễn ra ở các khu vực Sumy và Kharkiv thật hỗn loạn. Hầu như chúng tôi không biết bên nào đứng ra chịu trách nhiệm về các công việc liên quan và ai được giao nhiệm vụ kiểm soát quá trình này".
Theo ông Roman Pohorilyi, cuộc tấn công mới nhất của Nga đã thúc đẩy chính quyền Ukraine phải đẩy nhanh tiến độ xây dựng công sự phòng thủ.
"Chẳng hạn tại làng Yunakivka của Sumy, chúng tôi thấy những rất nhiều tuyến răng rồng ở đó. Ở một số nơi thì chỉ có chiến hào nhưng phía sau không có bất cứ hệ thống gì”, ông Pohorilyi nói.
Bộ Quốc phòng Ukraine giám sát tất cả các công sự, nhưng một số tổ chức khác nhau chẳng hạn Lực lượng vũ trang Ukraine, Cục vận tải đặc biệt của Bộ Quốc phòng và các chính quyền quân sự và dân sự địa phương chịu trách nhiệm xây dựng và duy trì tuyến phòng thủ. Công việc nguy hiểm nhất do quân đội chiến đấu thực hiện. "Binh sỹ Ukraine vẫn phải đào tuyến chiến hào đầu tiên bằng cuốc xẻng trong lúc giao tranh với đối phương", ông Syrskyi cho biết.
Thủ tướng Ukraine Denys Shmyhal cho biết vào năm 2024, chính phủ đã chi 46,2 tỷ hryvnia (930 triệu euro) để xây dựng 3.000 điểm phòng thủ "ở những hướng có nguy cơ cao và tại những nơi không có giao tranh".
Thiếu hụt binh sỹ
Tuy nhiên, bất kỳ loại công trình kiên cố nào cũng chỉ hiệu quả nếu có đủ quân số, Tướng Syrskyi cho biết. Bất chấp những nỗ lực huy động, Ukraine vẫn bị Nga áp đảo về quân số trên tuyến đầu dài 1.200 km.
"Nếu không có binh sỹ trong công sự hoặc số lượng binh sỹ không đủ tại các vị trí thì công sự đó không phát huy được vai trò", ông Syrskyi lưu ý.
Trong khi đó, một số binh sỹ Ukraine cho biết, quân đội Nga đang tìm kiếm những điểm yếu trong hệ thống phòng thủ của Ukraine.
"Tất cả phụ thuộc vào chỉ huy. Nếu chỉ huy ra lệnh đào sâu và củng cố, khu vực đó sẽ được bảo vệ vững chắc. Nếu Nga nhận thấy tuyến phòng thủ sơ sài, họ sẽ nhanh chóng tấn công", một binh sỹ cho biết.
Nhà phân tích Pohorilyi cho rằng: “Nga tiến công khắp mọi nơi, thăm dò những điểm yếu và có vấn đề. Ngay khi tìm thấy những vị trí này, họ ngay lập tức tập trung nguồn lực và quân đội bắt đầu đột kích. Lúc đó, hàng phòng thủ Ukraine có thể sụp đổ”.
DeepState đưa tin, chỉ trong tháng 6, quân đội Nga đã giành quyền kiểm soát 500 km2 đất Ukraine. Đây là tốc độ tiến quân nhanh nhất của Moscow trong nhiều tháng qua.
Không chuẩn bị kịp thời
Nhiều binh sỹ Ukraine cho rằng, chính quyền các địa phương đã không tận dụng thời gian để xây dựng chiến hào và các tuyến phòng thủ để ngăn chặn cuộc tấn công của Nga.
Các đơn vị của Ukraine đã dành 6 tháng chiến đấu bên trong khu vực Kursk của Nga để ngăn chặn hơn 60.000 binh sỹ đối phương, không để họ tiến vào khu vực Sumy. Với thời gian này, chính quyền địa phương có thể xây dựng các công sự thích hợp ở khu vực biên giới.
“Chúng tôi đã giúp họ có thời gian để ứng phó với cuộc tấn công của Nga. Nhưng họ hầu như không tận dụng hiệu quả. Lưới bảo vệ từ máy bay không người lái FPV trên các tuyến đường tiếp tế chính chỉ bắt đầu được lắp đặt vào tháng 1/2025, trong khi đó, Nga đã tiến sâu vào lãnh thổ”, binh lính Ukraine Artem Kariakin cho biết.
Binh sỹ này lưu ý, chính quyền địa phương và các đơn vị quân đội đồn trú ở đó chỉ bắt đầu đào hầm trú ẩn ở khu vực biên giới và lắp đặt tuyến răng rồng đầu tiên sau khi quân đội Ukraine rút lui khỏi Kursk.
“Kết quả là khi Ukraine hoàn thành các hầm trú ẩn, Nga đã ở rất gần và nhiều vị trí không còn cần thiết nữa. Công việc đã được thực hiện, nhưng với sự chậm trễ rất lớn”, binh sỹ Kariakin nhấn mạnh.
Hồng Anh/VOV.VN (biên dịch) Theo Politico