Chiến lược 'bình dân học vụ số'

Chiến lược 'bình dân học vụ số'
6 giờ trướcBài gốc
Nhà giáo bước khỏi “vùng an toàn”
Cô Tạ Thị Vui, Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Vân Canh, Hoài Đức, Hà Nội nhận thấy, xu hướng giáo dục kĩ năng công dân số cho học sinh tiểu học đang ngày càng phổ biến không chỉ trên thế giới mà cả ở Việt Nam. Cô Vui đưa ra biện pháp đổi mới hoạt động chuyển đổi số tại nhà trường, tạo môi trường giáo dục số, hình thành kĩ năng công dân số cho học sinh. Trường Tiểu học Vân Canh đã xây dựng môi trường giáo dục số bằng những lớp học mở để tạo nền tảng giao tiếp gần gũi giữa giáo viên - học sinh, tăng sự liên kết gia đình - nhà trường.
Chuyển đổi số, phổ cập số hóa trong giáo dục cần sự đầu tư về người và vật chất. Ảnh: Thế Đại
Việc hình thành kĩ năng công dân số ở nhà trường được triển khai với hai giải pháp là xây dựng diễn đàn giáo dục trên môi trường số và tổ chức lớp học kết nối. Mục đích giúp học sinh hòa mình học tập, làm việc một cách tự nhiên trên môi trường số. Điều này giúp hình thành kĩ năng trên môi trường số, loại bỏ những tác động không tốt, hình thành động lực cho học sinh để trở thành những công dân số. Cô Vui xây dựng kênh diễn đàn trên website của nhà trường. Giáo viên với tư cách là quản trị sử dụng các công cụ để trao đổi, kết nối với phụ huynh, học sinh về các nội dung, nhiệm vụ học tập.
Năm 2024 là thời điểm Đại học Bách khoa Hà Nội thực hiện thúc đẩy đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số mạnh mẽ, đẩy mạnh hội nhập quốc tế. Đại học đẩy mạnh chuyển đổi số trong quản lí, đào tạo và hỗ trợ người học. Hai sản phẩm số của Trung tâm Công nghệ và Kinh tế số (ĐH Bách khoa Hà Nội) được công bố và triển khai ứng dụng tại ĐH này gồm hệ thống chữ kí số nội bộ và hệ thống xác thực bằng cấp ứng dụng công nghệ chuỗi khối - Blockchain.
Giáo dục cần một sự hoán cốt
Tại buổi gặp gỡ đại diện nhà giáo, cán bộ quản lí giáo dục nhân dịp 20/11, Tổng Bí thư Tô Lâm yêu cầu ngành giáo dục phát động thực hiện phong trào “bình dân học vụ số”. Bộ Chính trị đã bàn thảo và quyết định sẽ ban hành nghị quyết về chuyển đổi số quốc gia. Để thực hiện thành công nghị quyết này, yêu cầu nhanh chóng phổ cập tri thức cơ bản về chuyển đổi số cho toàn dân đang đặt ra cấp thiết.
“Chiến lược giáo dục thực sự là sự đột phá. Nó phá tan những rào cản cho sự phát triển, để nền giáo dục không còn lúc nào cũng bền vững trong sự vượt khó, vượt nghèo lúc nào cũng dạy tốt học tốt trong mọi hoàn cảnh khó khăn” - Bộ trưởng GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn
Thời gian qua, Bộ GD&ĐT đã có nhiều chính sách thúc đẩy chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin trong trường học. Bộ đã tổ chức tập huấn và thực hiện thí điểm giáo dục kĩ năng công dân số ở cấp tiểu học tại 10 tỉnh, thành phố. Cục Nhà giáo và Cán bộ quản lý giáo dục đang xây dựng khung năng lực số cho đội ngũ giáo viên. Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Hoàng Minh Sơn cho biết, ngành đang tích cực thúc đẩy đào tạo đội ngũ giáo viên, giảng viên để có kĩ năng, kiến thức cần thiết trong khai thác công cụ trí tuệ nhân tạo, giúp ích cho việc dạy và học. Ngành giáo dục đã phổ cập xong học bạ điện tử cấp tiểu học, năm học này bắt đầu triển khai ở bậc phổ thông.
Ông Đào Mạnh Trinh, Hiệu trưởng Trường THPT Chuyên Thăng Long, Lâm Đồng cho biết, chuyển đổi số giáo dục làm đổi mới cách thức giảng - dạy truyền thống hướng tới phổ cập hóa và cá nhân hóa dịch vụ học tập suốt đời tới từng người học. Tuy nhiên trong quá trình triển khai, cơ sở gặp phải một số thách thức và khó khăn như tâm lí ngại thay đổi khi một số giáo viên lo lắng về vấn đề công nghệ thay thế hệ thống giáo dục truyền thống và ngần ngại bước ra khỏi vùng an toàn. Chưa nhiều giáo viên có hiểu biết toàn diện về cách sử dụng các công cụ và giải pháp kĩ thuật số trong hoạt động dạy và học. Hạ tầng kỹ thuật và internet chưa đáp ứng yêu cầu.
Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Nguyễn Kim Sơn khẳng định, có lẽ thách thức lớn nhất của ngành giáo dục là đổi mới, vượt lên chính mình như một sự lột xác để phát triển. “Đứng trước kỉ nguyên vươn mình của dân tộc, giáo dục cần một sự hoán cốt từ bên trong, để hướng tới chất lượng cao hơn, tới nền giáo dục phát triển con người toàn diện, tạo ra những công dân tốt và nguồn nhân lực chất lượng cao”, Bộ trưởng nói.
Giáo dục toàn thế giới đứng trước thách thức bởi sự bùng nổ về tri thức, thách thức của trí tuệ nhân tạo... Nền giáo dục mới sẽ thất bại nếu chỉ chạy theo trang bị kiến thức, nhưng sẽ là sai lầm nếu lại buông bỏ hoàn toàn kiến thức. Do đó, theo Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn cần trang bị những kiến thức cơ bản để học sinh lấy đó làm công cụ cho tư duy, dạy cho các em khả năng thích ứng và tự học để phát triển bản thân, bởi trước mắt là 4.0, rồi 5.0 và hơn nữa trong tương lai.
Nghiêm Huê
Nguồn Tiền Phong : https://tienphong.vn/chien-luoc-binh-dan-hoc-vu-so-post1693037.tpo