GRDP 6 tháng đầu 2025 của Đà Nẵng tăng 11,7% so với cùng kỳ 2024.
GRDP tăng 11,7%
Sau đà phục hồi và tăng trưởng mạnh mẽ trong Quý I/2025, nền kinh tế Đà Nẵng tiếp tục duy trì tốc độ phát triển tích cực trong Quý II, góp phần tạo nên bức tranh kinh tế 6 tháng đầu 2025 đầy lạc quan.
Theo Cục Thống kê TP Đà Nẵng, quy mô nền kinh tế TP trong 6 tháng đầu năm 2025 đạt 83.988 tỷ đồng, tổng sản phẩm trên địa bàn (GRDP) ước tăng 11,7% so với cùng kỳ 2024.
So với tốc độ tăng trưởng cùng kỳ nhiều năm gần đây, mức tăng này khá cao, phản ánh sức bật của nền kinh tế Đà Nẵng trong bối cảnh nhiều địa phương vẫn đang gặp khó khăn. Đây được kỳ vọng là tiền đề TP duy trì đà tăng trưởng trong những tháng cuối năm.
Theo Cục Thống kê, tăng trưởng được thúc đẩy bởi sự phục hồi đồng đều và ấn tượng ở cả ba khu vực kinh tế. Trong đó, giá trị tăng thêm (VA) khu vực công nghiệp - xây dựng đạt 17,21%; khu vực dịch vụ chiếm tỷ trọng lớn nhất trong cơ cấu kinh tế với mức tăng đạt 10,98%, phản ánh sự phục hồi rõ nét của du lịch, bán lẻ, vận tải và các dịch vụ hỗ trợ doanh nghiệp.
Trong 6 tháng đầu 2025, du lịch lưu trú ở Đà Nẵng đạt 5,8 triệu lượt, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2024, đóng góp mạnh mẽ vào tăng trưởng kinh tế
Đặc biệt, lượng khách du lịch nội địa và quốc tế đến Đà Nẵng tăng cao, đạt tổng số lượt khách do các cơ sở lưu trú phục vụ ước đạt 5,8 triệu lượt, tăng 18,9% so với cùng kỳ 2024 thúc đẩy tiêu dùng và dòng tiền luân chuyển trong nền kinh tế.
“Nhìn chung, sự tăng trưởng đồng đều giữa công nghiệp, xây dựng và dịch vụ là điểm sáng trong bức tranh kinh tế thành phố nửa đầu 2025, góp phần giữ vững tốc độ tăng trưởng GRDP ở mức cao và tạo đà cho phát triển bền vững trong các quý tiếp theo”, lãnh đạo Cục Thống kê nhận định.
Quy mô nền kinh tế thành phố trong 6 tháng ước đạt gần 83.988 tỷ đồng, mở rộng ở tất cả các khu vực kinh tế với hơn 11.349 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024. Trong đó, quy mô VA khu vực dịch vụ mở rộng nhiều nhất với gần 7.944 tỷ đồng; khu vực công nghiệp - xây dựng mở rộng 2.635 tỷ đồng; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản mở rộng 54.000 tỷ đồng và thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm tăng gần 716 tỷ đồng so với cùng kỳ năm 2024.
Về cơ cấu trong quy mô nền kinh tế, Đà Nẵng tiếp tục khẳng định vai trò trung tâm dịch vụ với tỷ trọng khu vực dịch vụ chiếm 70,08% trong tổng GRDP; khu vực công nghiệp và xây dựng chiếm 19,51%,; khu vực nông, lâm nghiệp và thủy sản chiếm 1,74%; thuế sản phẩm trừ trợ cấp sản phẩm chiếm 8,67%, phản ánh mức tiêu dùng và thu ngân sách tích cực.
Với cơ cấu này cho thấy Đà Nẵng duy trì đúng hướng trong chiến lược phát triển kinh tế theo mô hình dịch vụ - du lịch - công nghệ cao.
Hơn 3.700 doanh nghiệp đóng cửa
Theo Cục Thống kế, lũy kế trong 6 tháng đầu 2025 (tính đến 15/6), Đà Nẵng đã cấp mới giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp cho 2.054 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện với tổng vốn điều lệ đăng ký đạt 6.404 tỷ đồng, tăng 5,9% về số doanh nghiệp và tăng 8,2% về số vốn so với cùng kỳ 2024.
Tuy nhiên, số doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện hoạt động trở lại trong 6 tháng đầu 2025 khá khiêm tốn, chỉ đạt 1.014 đơn vị, giảm 10,1% so với cùng kỳ 2024.
Đặc biệt, trong 6 tháng đầu 2025, Đà Nẵng có 3.742 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2024; trong đó, đã hoàn tất thủ tục giải thể cho 401 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện, tăng 12,0% so với cùng kỳ 2024.
Trong 6 tháng đầu 2025, Đà Nẵng có 3.742 doanh nghiệp, chi nhánh và văn phòng đại diện tạm ngừng hoạt động, tăng 14,5% so với cùng kỳ 2024.
Qua kết quả điều tra xu hướng kinh doanh của các doanh nghiệp ngành công nghiệp chế biến, chế tạo trong Quý II/2025 cho thấy, có 47,5% số doanh nghiệp đánh giá tình hình sản xuất kinh doanh tốt hơn so với quý I/2025; 31,25% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh ổn định và 21,25% số doanh nghiệp đánh giá gặp khó khăn hơn.
Bên cạnh đó, có 43,75% nhận định tình hình sản xuất kinh doanh trong quý tiếp theo sẽ thuận lợi hơn quý hiện tại; 36,25% đánh giá không thay đổi và có 20% số doanh nghiệp tham gia đánh giá cho rằng sẽ gặp khó khăn hơn trong quý tiếp theo; trong đó khối FDI có đến 65,22% kỳ vọng tình hình sản xuất kinh doanh trong quý III sẽ khởi sắc hơn và chỉ còn 13% số doanh nghiệp cho rằng tình hình sản xuất kinh doanh trong quý tiếp theo vẫn còn nhiều khó khăn, trở ngại.
“Dù có nhiều tín hiệu tích cực cho thấy tình hình kinh tế trong nước và thế giới đã và đang dần khởi sắc, nhưng với đặc thù quy mô doanh nghiệp công nghiệp trên địa bàn tập trung phần lớn là các doanh nghiệp nhỏ và vừa, nên nhiều doanh nghiệp vẫn dè dặt trong quá trình nhận định, đánh giá tình hình hoạt động sản xuất kinh doanh của đơn vị trong thời gian đến”, Cục Thống kê nhận định.
Trước thực trạng này, Cục Thống kê cho rằng Đà Nẵng nên rà soát, tháo gỡ vướng mắc thủ tục pháp lý cho các dự án đầu tư ngoài ngân sách, nhất là về đất đai, môi trường, quy hoạch; tăng cường xúc tiến đầu tư có trọng tâm, ưu tiên các nhà đầu tư chiến lược trong lĩnh vực công nghệ cao, đô thị thông minh và hạ tầng logistics...
Tính đến 25/6, tổng thu ngân sách nhà nước trên địa bàn Đà Nẵng đạt 15.616 tỷ đồng, tăng 17,4% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó thu nội địa trên địa bàn chiếm 89,7% trong tổng thu ngân sách trên địa bàn; tổng chi ngân sách nhà nước đạt 20.824 tỷ đồng, tăng 38,5% so với cùng kỳ năm 2024, trong đó chi thường xuyên đạt 14.441 tỷ đồng, tăng 50,8% và chi đầu tư phát triển đạt 6.361 tỷ đồng, tăng 16,8% so với cùng kỳ năm trước.
Hồ Xuân Mai