Nhiều ưu thế nổi trội
Là một cực trong tam giác kinh tế tăng trưởng phía Bắc, Quảng Ninh có 250km bờ biển kéo dài với trên 6.000km2 diện tích mặt biển, nhiều cảng nước sâu ít bồi lắng; tỉnh còn nằm trong khu vực hợp tác “Hai hành lang, một vành đai kinh tế”, là cửa ngõ kết nối ASEAN với Trung Quốc, các tuyến vận tải biển kết nối quốc tế...
Công chức Chi cục Hải quan cửa khẩu cảng Hòn Gai giám sát hàng hóa tại kho bãi, cảng biển thông qua hệ thống camera để nâng cao tính tuân thủ của các doanh nghiệp.
Quảng Ninh cũng là nơi giao thoa, kết nối giữa vùng Trung du và miền núi phía Bắc và vùng Đồng bằng sông Hồng. Đây là những điều kiện thuận lợi và tạo ra cơ hội để Quảng Ninh đẩy mạnh phát triển các lĩnh vực kinh tế biển. Vị thế của Quảng Ninh trong liên kết vùng và quốc tế ngày càng được khẳng định sau khi hệ thống hạ tầng giao thông kết nối hoàn thiện đồng bộ. Đặc biệt, tỉnh còn có 8 khu bến cảng và 2 khu neo đậu, chuyển tải, đi kèm với sự đồng bộ về cơ sở hạ tầng, dịch vụ sau cảng, được Chính phủ xác định là một trong 5 khu vực cảng biển lớn của cả nước, đảm nhận trên 50% tổng lượng hàng hóa, hành khách khu vực phía Bắc, có vai trò phục vụ phát triển KT-XH của cả nước, liên vùng, cửa ngõ hoặc cảng trung chuyển quốc tế...
Trong đó khu bến cảng Hòn Gai - Cái Lân nằm trong vùng vịnh kín, luồng vào cảng ít bị sa bồi, với 25 cầu bến, được xác định là cảng tổng hợp quốc gia đầu mối khu vực, bao gồm khu bến tổng hợp container Cái Lân và các bến chuyên dùng vệ tinh. Từ năm 2004 đến nay, Cảng container quốc tế Cái Lân mở rộng 2 lần, đầu tư đồng bộ với trang thiết bị hiện đại, như cẩu bờ STS loại Panamax với 17 hàng container; cẩu ERTG, độ rộng 7 hàng container; dịch vụ xếp dỡ hàng siêu trọng đến 100 tấn tại móc cẩu; xe khung nâng, xe chở container trong bãi… năng lực tiếp nhận tàu lên đến 80.000 tấn vào làm hàng.
Hoạt động làm hàng tại Cảng CICT Cái Lân.
Tại khu vực Cẩm Phả hiện có 7 cầu bến, chủ yếu là cảng chuyên dùng của ngành Than và các bến tổng hợp, phục vụ công nghiệp khai thác than và một số cơ sở công nghiệp tập trung khác. Trong đó bến Cửa Ông có diện tích 20ha với 2 cầu bến liền bờ dài 550m, độ sâu trước bến 10,5m; hệ thống bến phao neo Con Ong - Hòn Nét độ sâu trên 20m có khả năng tiếp nhận tàu đến 120.000 tấn.
Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long là công trình giao thông bến cảng cấp đặc biệt và là cảng tàu khách du lịch quốc tế chuyên biệt đầu tiên của Việt Nam. Cảng tàu khách gồm 2 khu vực: Cảng quốc tế đón các tàu lớn, du thuyền quốc tế siêu sang và Cảng nội địa đón tàu đi thăm Vịnh Hạ Long, Vịnh Bái Tử Long. Đặc biệt, nhà ga Cảng tàu khách rộng 4.500m2 gồm 3 tầng được thiết kế bởi “Top 5 kiến trúc sư hàng đầu thế giới” Bill Bensley, mang tới cho du khách những trải nghiệm về văn hóa, ẩm thực, mua sắm chất lượng cao trong thời gian chờ mua vé thăm vịnh.
Các khu vực cảng khác như Hải Hà, Vạn Gia, Cô Tô… là cảng tổng hợp có chức năng giao lưu bằng đường biển không chỉ cho riêng khu vực, mà còn là cửa ngõ giao thương với Trung Quốc.
Tàu biển đưa khách quốc tế đến Quảng Ninh. Ảnh: Đỗ Phương
Qua thống kê của tỉnh, năm 2024, các cảng trên địa bàn Quảng Ninh đón hơn 161.000 lượt phương tiện tàu các loại, sản lượng hàng hóa đạt kỷ lục cao nhất trong nhiều năm qua với gần 150 triệu tấn. Tỷ trọng đóng góp của dịch vụ cảng biển đạt khoảng 0,49% trong GRDP của tỉnh, tăng 0,07% so với năm 2018. Tổng sản lượng hàng hóa thông qua cảng đạt 627,70 triệu tấn, tức là bình quân đạt 124,1 triệu tấn/năm, cao hơn so với mục tiêu đặt ra đến 2025 (124,1/122,5 triệu tấn/năm).
Mặc dù nắm giữ nhiều tiềm năng, thế mạnh để phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển, tỉnh Quảng Ninh cũng thẳng thắn nhìn nhận, doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực cảng biển và hậu cần cảng biển chưa thực sự lớn mạnh, chưa mạnh dạn trong việc xây dựng chính sách lâu dài để thu hút các hãng tàu nước ngoài đến cảng. Công việc liên quan đến hạ tầng cảng biển, dịch vụ cảng biển phải thực hiện qua nhiều khâu, công đoạn khác nhau do đó khi triển khai gặp nhiều khó khăn trong công tác phối hợp thực hiện nhiệm vụ. Việc triển khai một số dự án liên quan đến hạ tầng cảng biển như nạo vét, mở tuyến luồng hàng hải mới có lúc bị chậm trễ.
Trên thực tế hoạt động XNK hàng hóa qua các cảng biển kể từ khi triển khai đã có sự tăng trưởng hàng năm, nhưng vẫn chưa phản ánh và phát huy hết tiềm năng và lợi thế của các cảng biển, nhất là các cảng nước sâu trên địa bàn, chưa có các hãng tàu lớn, chủ đạo, dẫn dắt, thu hút nguồn hàng về các cảng biển, chưa có trung tâm logistics, hệ thống logistics đáp ứng yêu cầu phát triển hoạt động của các cảng biển lớn trên địa bàn.
Cần có chiến lược dài hơi
Trên cơ sở xác định rõ tiềm năng, lợi thế cũng như nhu cầu phát triển thực tế, thời gian qua, tỉnhQuảng Ninh đã tích cực huy động các nguồn lực, từng bước đưa tỉnh trở thành một trung tâm kinh tế biển. Trong đó, đặc biệt ưu tiên dành nguồn lực cho phát triển cảng biển và dịch vụ cảng biển; khuyến khích, huy động mọi nguồn lực để phát triển kết cấu hạ tầng cảng biển, bến bãi và hạ tầng kết nối cảng biển theo hướng đồng bộ, hiện đại. Đồng thời, tạo thuận lợi cho doanh nghiệp trong việc nâng cao chất lượng, giảm thời gian, chi phí vận tải và dịch vụ logistics.
Trục cao tốc dọc tỉnh đã đảm bảo kết nối liên thông, tổng thể với các cảng. Ảnh: Đỗ Phương
Giai đoạn 2019-2024 Quảng Ninh đã có nhiều cuộc làm việc với Bộ GTVT để đề xuất bổ sung các địa điểm có tiềm năng, lợi thế của tỉnh vào Danh mục bến cảng thuộc các cảng biển Việt Nam và đã được Bộ GTVT chấp thuận.
Theo Quyết định số 508/QĐ-BGTVT ngày 2-4-2021 của Bộ GTVT, trên địa bàn Quảng Ninh có 13 bến cảng. Đến nay, toàn bộ các bến cảng này đều được cập nhật, bổ sung vào Quy hoạch tổng thể phát triển hệ thống cảng biển Việt Nam thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 1579/QĐ-TTg ngày 22-9-2021 và cập nhật vào Quy hoạch tỉnh thời kỳ 2021-2030, tầm nhìn đến năm 2050 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 80/QĐ-TTg ngày 11-2-2023.
Trong số đó có 5 bến cảng, gồm: Mũi Chùa, Vân Đồn, Vạn Hoa, Vạn Ninh, Vạn Gia và bến cảng huyện đảo Cô Tô; 4 khu bến gồm: Cái Lân, Cẩm Phả, Yên Hưng, Hải Hà; cảng cạn ICD Móng Cái và nhiều bến phao, khu neo đậu chuyển tải, khu neo đậu, tránh trú bão tại Hạ Long, Cẩm Phả, Móng Cái, Hải Hà, Cô Tô…
Bến cảng cao cấp Ao Tiên được đầu tư đồng bộ, trở thành hạ tầng du lịch hiện đại của tỉnh.
Trên quan điểm xã hội hóa nguồn lực, tỉnh đã huy động được nhiều nhà đầu tư đến đầu tư xây dựng, phát triển dịch vụ sau cảng. Cảng tàu khách quốc tế Hạ Long, Cảng tàu khách quốc tế Tuần Châu, Bến cảng cao cấp quốc tế Ao Tiên… là những điển hình trong số đó. Tuy nhiên, đây chỉ là những cảng hành khách, hiện nay, tỉnh đang xúc tiến, kêu gọi các nhà đầu tư tham gia thực hiện nghiên cứu dự án cảng Con Ong - Hòn Nét (TP Cẩm Phả) và 8 dự án dịch vụ cảng biển, sản xuất chế biến, chế tạo tại khu vực KKT ven biển Quảng Yên, với tổng diện tích có thể nghiên cứu bố trí khu vực hậu cần sau cảng và logistics gần 7.000ha.
Hiện tại ở KKT ven biển Quảng Yên đã có 4 dự án của nhà đầu tư đang triển khai. Nổi bật trong số đó có 2 bến cảng thuộc dự án phát triển Tổ hợp cảng biển và KCN do Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong làm chủ đầu tư và dự án đầu tư kinh doanh cơ sở hạ tầng KCN, cảng tổng hợp và dịch vụ kho bãi Bạch Đằng do Công ty TNHH MTV Sửa chữa ô tô Hải Phòng làm chủ đầu tư. Ở Tổ hợp cảng biển do Công ty CP KCN Bắc Tiền Phong làm chủ đầu tư, hạng mục cảng biển có diện tích sử dụng đất gần 170ha, tổng chiều dài bến cảng 2.500m, đáp ứng tiếp nhận tàu đến 50.000DWT. Hiện dự án này đang trong quá trình GPMB và hoàn thiện các thủ tục đầu tư cần thiết để triển khai xây dựng.
Cùng với việc hoạch định đầu tư các cảng biển, Quảng Ninh đã huy động nguồn lực từ NSNN và ngoài xã hội đầu tư đồng bộ hạ tầng giao thông kết nối, gắn kết phát triển các trung tâm kinh tế, thương mại gần hơn với các cảng biển. Ngoài dự án cao tốc Hải Phòng - Hạ Long - Vân Đồn - Móng Cái đã được đầu tư hoàn thành, kết nối các khu vực cảng biển gần hơn với nhau, hiện nay, tỉnh đang dành nguồn lực đầu tư tuyến đường ven sông kết nối một loạt cảng biển tại KKT ven biển Quảng Yên với các trung tâm phát triển trong tỉnh và các tỉnh, thành lân cận; đầu tư mở các nút giao trên tuyến cao tốc Hạ Long - Hải Phòng với các KCN, cảng biển tại Quảng Yên; đầu tư tuyến đường giao thông kết nối cảng Vạn Ninh với cao tốc Vân Đồn - Móng Cái.
Tàu Sendai Spirit cập cảng Cái Lân làm hàng vào mùng 3 Tết Nguyên đán Ất Tỵ 2025. Ảnh: Đỗ Phương
Quảng Ninh cũng triển khai các chính sách hỗ trợ bền vững, lâu dài cho các chủ tàu, chủ hàng và chủ phương tiện vận chuyển hàng hóa bằng đường bộ khi lựa chọn khu vực cảng biển Quảng Ninh để làm hàng. Đồng thời, tạo điều kiện hỗ trợ các chủ cảng, bến trong việc tìm kiếm đối tác là các hãng tàu, chủ hàng thông qua việc quảng bá thương hiệu cảng biển Quảng Ninh đến với các hãng tàu, công ty kinh doanh logistics. Tỉnh cũng sẽ xây dựng cơ chế giám sát chất lượng hoạt động dịch vụ cảng biển và khuyến khích các doanh nghiệp cùng ngành nghề tham gia hiệp hội để hỗ trợ, giúp nhau phát triển, hướng tới tổ chức các chương trình xúc tiến, thu hút nguồn hàng bằng những lợi thế cạnh tranh...
Với quyết tâm của tỉnh, trong tương lai gần, các cảng biển của Quảng Ninh sớm giải quyết được những khó khăn, bất cập thực hiện được mục tiêu từng bước đưa kinh tế hàng hải là mũi nhọn trong các lĩnh vực kinh tế biển.
Hoài Anh (Báo Quảng Ninh)