Một đề xuất liên quan đến khí tự nhiên hóa lỏng (LNG) đã không nhận được đại hội cổ đông chấp thuận và bị bác bỏ với tỷ lệ cao. Ảnh AFP
LNG – điểm gây tranh cãi duy nhất
Nghị quyết số 22 – đề xuất yêu cầu Shell làm rõ vai trò của LNG trong chiến lược dài hạn, đặc biệt trong bối cảnh các cam kết về khí hậu – đã bị từ chối bởi 79,44% cổ đông tham gia bỏ phiếu. Mục tiêu của đề xuất này là thúc đẩy sự minh bạch hơn về việc Shell định vị LNG trong lộ trình chuyển dịch năng lượng toàn cầu. Việc nghị quyết này không được thông qua trở nên nổi bật, nhất là khi so sánh với các đề xuất khác đạt tỷ lệ ủng hộ áp đảo, có cái lên đến 99,70%.
Trong thông cáo phát đi sau Đại hội, Shell khẳng định sẽ tiếp tục đối thoại với các nhà đầu tư để hiểu rõ hơn những lo ngại liên quan đến lĩnh vực LNG. “Chúng tôi hiểu tầm quan trọng của việc duy trì trao đổi thường xuyên với cổ đông”, Shell nhấn mạnh.
CEO Wael Sawan vẫn được tín nhiệm
Tổng Giám đốc điều hành Wael Sawan cùng toàn bộ Hội đồng quản trị vẫn nhận được sự tin tưởng từ các cổ đông. Ông Sawan khẳng định Shell sẽ tiếp tục đầu tư vào các hệ thống năng lượng hiện tại, đồng thời chuẩn bị sẵn sàng cho hạ tầng năng lượng tương lai.
Chiến lược tổng thể mà Shell theo đuổi xoay quanh ba trụ cột: Đảm bảo hiệu quả tài chính, duy trì kỷ luật trong vận hành, và tinh gọn danh mục đầu tư.
Shell hứa sẽ minh bạch hơn về LNG
Đáp lại mối quan tâm của cổ đông, Shell cho biết sẽ sớm công bố một tài liệu riêng trên website chính thức, giải thích chi tiết về hoạt động LNG và cách lĩnh vực này phù hợp với chiến lược dài hạn của tập đoàn. Tài liệu cũng sẽ đề cập đến những thách thức thị trường và triển vọng trung hạn – nhằm giải đáp các dự báo được nêu ra tại Đại hội lần này.
Shell thay đổi lãnh đạo chi nhánh tại Mỹ và tiếp tục thoái vốn tài sản
Shell USA vừa công bố quyết định bổ nhiệm bà Colette Hirstius làm Chủ tịch mới, thay thế bà Gretchen Watkins. Việc thay đổi nhân sự cấp cao này diễn ra trong bối cảnh Shell đang tái cấu trúc hoạt động tại thị trường Mỹ, bao gồm việc triển khai dự án khai thác dầu khí ngoài khơi mang tên Dover, nằm tại Vịnh Mexico. Dự án này dự kiến sẽ đạt sản lượng tối đa khoảng 20.000 thùng dầu tương đương mỗi ngày.
Bên cạnh sự thay đổi về nhân sự, Shell cũng thông báo đã đạt được thỏa thuận bán 16,125% cổ phần trong Colonial Enterprises – công ty sở hữu hệ thống đường ống dẫn nhiên liệu lớn nhất nước Mỹ – cho Brookfield Infrastructure Partners với mức giá 1,45 tỷ USD. Thương vụ này hiện đang chờ sự phê duyệt từ các cơ quan quản lý và dự kiến sẽ hoàn tất trong quý IV năm nay.
Động thái thoái vốn này là một phần trong chiến lược dài hạn của Shell nhằm tập trung nguồn lực vào những lĩnh vực mà tập đoàn có lợi thế cạnh tranh rõ ràng hơn.
Nh.Thạch
AFP