Chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: Hành trình 'vẽ' dáng hình đất nước

Chiến sĩ mũ nồi xanh ở Nam Sudan: Hành trình 'vẽ' dáng hình đất nước
3 giờ trướcBài gốc
Các chiến sĩ gói bánh chưng cùng đồng nghiệp nước ngoài. (Ảnh: NVCC)
Thượng úy Nguyễn Sỹ Công vốn công tác tại Học viện Quân y. Hưởng ứng lời kêu gọi tham gia lực lượng gìn giữ hòa bình, Công đăng ký và bắt đầu chuyến hành trình đầu tiên ở Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 4 Nam Sudan vào tháng 4/2022. Đến tháng 9/2024, anh tiếp tục sang công tác tại Bệnh viện dã chiến cấp 2 số 6 Nam Sudan với vai trò Tổ trưởng truyền thông, tổ viên đội cấp cứu đường không (AMET).
Tại đây, nội chiến vẫn xảy ra hàng ngày, tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn, điều kiện khắc nghiệt về khí hậu, môi trường, đời sống và sinh hoạt đều thiếu thốn. Nhưng, “với quân nhân thì nhiệm vụ nào cũng phải cố gắng hoàn thành tốt”, anh tự nhủ. Là người trẻ, “mình phải cống hiến sự nhiệt huyết tuổi trẻ cho quân đội, cho đất nước, đóng góp một phần nhỏ cho nhiệm vụ gìn giữ hòa bình được Nhà nước tin tưởng giao phó”.
Lan tỏa hình ảnh Bộ đội cụ Hồ
Tham gia thực hiện nhiệm vụ quốc tế, hành trình của Nguyễn Sỹ Công không chỉ hoàn thành nhiệm vụ gìn giữ hòa bình mà còn “vẽ” dáng hình đất nước, mang nụ cười đến trẻ em và người dân châu Phi. Sau giờ nghỉ, anh thường hướng dẫn người dân sở tại trồng trọt, tặng hạt giống để tăng gia sản xuất, hỗ trợ các em nhỏ đồ dùng sinh hoạt, đồ dùng học tập và dạy tiếng Anh và cả tiếng Việt cho các em.
“Ngày đầu giới thiệu tên mình, từ ‘Công’ khiến bọn trẻ ngắc ngứ mãi không thể phát thành âm hoàn chỉnh. Nhưng thật tình cờ, hôm đó tôi mặc áo cờ đỏ sao vàng, thế là tôi chỉ bọn trẻ phát âm hai tiếng “Việt Nam”. Cho đến những ngày sau gặp lại, bọn trẻ khi nhìn thấy tôi từ xa đều hô to và vẫy chào: “Việt Nam, Việt Nam”. Khoảnh khắc tên đất nước mình được xuất hiện và biết tới nhiều hơn tại một nơi xa lạ khiến tôi xúc động vô cùng!”, anh nói.
Không chỉ có vậy. Công còn thực hiện nhiều video giới thiệu về công việc của người lính mũ nồi xanh và cuộc sống người dân bản địa đến cộng đồng mạng. Các video đơn giản thôi, nhưng lại nhận được sự yêu thích của mọi người. Anh cho hay, “khi làm video, bản thân tôi không nghĩ hay mong cầu sự nổi tiếng mà chỉ muốn lưu lại những kỷ niệm đáng nhớ của mình và đồng nghiệp. Cả kênh TikTok và YouTube đều chia sẻ dưới hình thức cá nhân về trải nghiệm đáng quý trong hành trình lan tỏa những hình ảnh đẹp và bình dị của bộ đội Việt Nam đến bạn bè khắp nơi”.
Thượng úy Nguyễn Sỹ Công.
Từ những video ban đầu, với tình cảm yêu mến của mọi người, sau hai năm, chàng chiến sĩ trẻ đã xây dựng dần dần kênh TikTok cá nhân từ chỉ vài trăm lượt theo dõi, vài nghìn lượt xem giờ đã hơn 173k lượt theo dõi, hàng triệu lượt “like”, đặc biệt là được nhận tích xanh từ TikTok. Con số “khiêm tốn” so với những người hoạt động trong lĩnh vực media nhưng bản thân Công vẫn luôn cố gắng để lan tỏa nhiều hơn động lực, năng lượng tích cực của bản thân, hành động nhân văn tới cộng đồng, nhất là giới trẻ, góp phần bồi đắp hình ảnh đẹp của Quân đội nhân dân Việt Nam, của Bộ đội cụ Hồ.
Theo Công, “để thể hiện lòng yêu nước và góp phần làm rạng danh Tổ quốc trong lòng bạn bè quốc tế có rất nhiều cách khác nhau. Nhưng cách đơn giản nhất, mỗi cá nhân phải luôn cố gắng chu toàn bổn phận, nhiệm vụ của mình một cách chuyên nghiệp nhất. Chỉ cần bấy nhiêu thôi cũng nhận được sự đánh giá cao từ mọi người xung quanh. Tôi tin đây cũng là cách quảng bá hình ảnh đất nước, con người Việt Nam một cách chân thực và thuyết phục hơn bất kỳ lời mời nào”.
Nguồn động lực quý giá
Nỗi nhớ nhà của người lính trẻ luôn hiển hiện qua các video mà Công chia sẻ, từ video về gia đình, hay qua lời bài hát mà anh ngân nga cùng các em nhỏ ở Nam Sudan. Với anh, gia đình có ý nghĩa quan trọng, là hậu phương vững chắc, nguồn động viên trong suốt quá trình làm nhiệm vụ xa nhà.
Chiến sĩ trẻ cho biết: “Sự thật là không có cha mẹ nào muốn con cái phải chịu vất vả. Đặc biệt, Nam Sudan còn là đất nước đang trong bối cảnh bất ổn chính trị, xung đột nội bộ. Tuy nhiên, khi thuyết phục gia đình với lý do hỗ trợ nước bạn đảm bảo an toàn cho người dân cũng như hoàn thành nhiệm vụ của một người lính Việt Nam, cả nhà đã thông cảm và ủng hộ quyết định của tôi”.
Anh nhớ trong một lần nghỉ phép về nước, mẹ còn chuẩn bị thêm nhiều quần áo trẻ con, đồ chơi, đồ ăn khô vào hành lý để mang sang Nam Sudan làm quà cho các em nhỏ. “Ngay từ khi còn nhỏ, ông bà đã luôn dạy tôi về những trận chiến lịch sử, về những sự hy sinh anh hùng, bất khuất. Vì vậy, chuyến công tác tại Nam Sudan như một cách để tôi cảm nhận rõ hơn một phần cực nhọc của những tháng năm ác liệt ấy. Dù cuộc sống nơi đây có khó khăn nhưng tôi luôn cảm thấy tràn đầy động lực để hoàn thành nhiệm vụ”, anh chia sẻ thêm.
Không chỉ sự động viên của gia đình, tình cảm của người dân sở tại cũng là động lực để anh cố gắng hơn. Đáng nhớ nhất là câu chuyện về gia đình của Joshekp - người bảo vệ vòng ngoài ở trụ sở lực lượng gìn giữ hòa bình Liên hợp quốc tại Nam Sudan trong nhiệm kỳ trước. Gia đình ông Joshekp sống trong trại tị nạn, nơi cuộc sống còn khó khăn và thiếu thốn, thêm vào đó, người vợ và đứa con còn hay đau ốm. Công thường hỗ trợ khám chữa bệnh, tặng họ những vật phẩm mà anh được phát theo chế độ. Khi hoàn thành nhiệm vụ và trở về, anh bị mất liên lạc với gia đình trên. Mối liên hệ tưởng chừng như mỏng manh, khó có thể gặp lại nhưng lại đem đến bất ngờ cho chàng lính trẻ.
Sang Nam Sudan lần thứ hai, thời gian đầu anh phải đi công tác thực địa. Đến khi anh quay lại làm việc tại căn cứ, ông Joshekp đã vui mừng xuất hiện, kể về việc tìm kiếm anh cả tháng trời... Sau cuộc trò chuyện, người đàn ông cầm chiếc điện thoại “cục gạch” khoe ảnh vợ con và thông báo rằng, sức khỏe của họ tốt hơn rồi. Cảm nhận tình cảm xuất phát từ tận đáy lòng của Joshekp, Công nhận thấy, những “hạt mầm” anh gieo giờ đã trổ hoa, trở thành nguồn động lực để anh tiếp tục cố gắng cho lý tưởng của mình.
Năm nay là năm thứ hai Công đón Tết xa nhà. Những ngày này, khi nhìn thấy bạn bè, gia đình rộn ràng mua sắm, chuẩn bị cho ngày Tết, chàng chiến sĩ trẻ càng thấy nhớ nhà. Có những lúc tâm tư ngóng về quê hương nhưng anh không thấy cô đơn bởi luôn có những đồng nghiệp ở bên. Những người mang trên mình trọng trách đặc biệt, tạm xa gia đình để đến với ngôi nhà thứ hai của mình tại Nam Sudan.
Dạy học cho các em nhỏ Nam Sudan. (Ảnh: NVCC)
Chàng Thượng úy kể, dịp này, hầu như mọi người lính mũ nồi xanh Việt Nam đều về căn cứ để ăn Tết. Ở bên này, mọi người cố gắng trang trí Tết giống ở nhà, quây quần nấu bánh chưng, tổ chức các trò chơi dân gian, cùng nhau đốt lửa đêm giao thừa trong không khí ấm cúng sum vầy. Gác lại nỗi nhớ nhà, họ động viên cùng nhau cố gắng. Với họ, những người lính không trực tiếp cầm súng nhưng vẫn luôn có một cách riêng để gìn giữ hòa bình.
Đó là hoàn thành tốt nhiệm vụ và lan tỏa tinh thần tích cực: “Một bên để treo lá cờ đỏ sao vàng của Việt Nam, bên còn lại treo lá cờ của Liên hợp quốc. Hai lá cờ như một lời khẳng định: Việt Nam là một quốc gia từng đi qua chiến tranh và nay sẵn sàng góp sức cùng Liên hợp quốc đem hòa bình thật sự đến với các quốc gia còn đang chìm trong khói lửa của bom đạn”. Không chỉ thế, họ còn cùng nhau lan tỏa tinh thần tốt đẹp của người Việt Nam, của Bộ đội cụ Hồ đến bạn bè quốc tế.
Diệu Linh
Nguồn TG&VN : https://baoquocte.vn/chien-si-mu-noi-xanh-o-nam-sudan-hanh-trinh-ve-dang-hinh-dat-nuoc-301878.html