Chiến sĩ tình báo đặc biệt nhất Việt Nam xuất thân từ ni cô

Chiến sĩ tình báo đặc biệt nhất Việt Nam xuất thân từ ni cô
11 giờ trướcBài gốc
Người được nhắc đến chính là ni cô Diệu Thông.
Theo thông tin từ Bảo tàng Phụ nữ Nam Bộ, ni cô Diệu Thông tên thật là Phạm Thị Bạch Liên (SN 1931, tại quận Lai Vung, tỉnh Sa Đéc - nay là huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp) trong gia đình truyền thống yêu nước. Bố mẹ bà sau này đều xuất gia đi tu.
Từ khi còn nhỏ, nhìn thấy hình ảnh của ba mẹ lần lượt phát tâm tu hành nên vừa 7 tuổi, bà phát nguyện tu tập theo Phật giáo. Lớn lên, bà được gửi vào chùa Phước Huệ với pháp danh Diệu Thông.
Chứng kiến cảnh đồng bào bị đàn áp, ni cô Diệu Thông nhận thức rằng, tu hành là cứu khổ, cứu nạn, không thể an trú trong ngôi chùa khi nước nhà bị xâm lược, nhân dân sống đời cơ cực, lầm than. Bà quyết chí đi theo tiếng gọi của cách mạng.
Hình ảnh ni sư Diệu Thông thời còn trẻ và trong trang phục chiến sĩ Quân đội nhân dân Việt Nam. (Ảnh: Đình Phong)
Để có thể dễ dàng hoạt động cách mạng và qua mặt được kẻ thù, ni cô Diệu Thông xin tiền xây dựng chùa mái lá mang tên Bổn Nguyện (nằm tại góc đường Trần Quốc Toản và Lò Siêu thuộc Quận 11, TP.HCM sau đổi tên thành chùa Tam Bảo).
Chùa Bổn Nguyên trở thành căn cứ cách mạng, là nơi sinh hoạt thường xuyên của những chiến sĩ tình báo Sài Gòn lúc bấy giờ với sự chỉ huy của ông Nguyễn Đức Hùng (bí danh Tư Chu), Tư lệnh Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Từ đó, cuộc đời tu tập của ni cô Diệu Thông sang trang mới.
Bà trở thành chiến sĩ của lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định, một chiến sĩ cách mạng không trong màu xanh áo lính mà trong y phục lam thiền của nhà tu hành. Tại đây, bà làm nhang, đèn để bán tạo nguồn tiền cho đội biệt động hoạt động, làm nhiệm vụ trinh sát lấy thông tin.
Được sự phân công của tổ chức, ni cô Diệu Thông thâm nhập vào hàng ngũ địch, vẽ sơ đồ nhiều địa điểm quan trọng do địch chiếm đóng. Những tài liệu do bà cung cấp đã giúp cho đội biệt động lên phương án tấn công Thượng viện, gây thương vong cho hàng chục quan chức địch.
Trong y phục màu lam, ni cô Diệu Thông dễ dàng thoát khỏi sự tình nghi của địch và giúp cho những chiến sĩ biệt động có nhiều thông tin mật. Không chỉ vậy, ngôi chùa còn là căn cứ bí mật để bà và những đồng đội có thể hoạt động trao đổi những phương án tác chiến hợp lý để chống lại kẻ thù.
Với những đóng góp to lớn, ni cô Diệu Thông được trao tặng Huân chương Chiến công giải phóng hạng Ba, Huân chương Kháng chiến hạng nhất.
Sau ngày đất nước giải phóng, ni cô Diệu Thông tiếp tục công tác tại Phòng Tham mưu của Bộ Tư lệnh TP.HCM đến năm 1982 thì nghỉ hưu, sống ở chùa Trúc Lâm (quận Gò Vấp, TPHCM). Cuối năm 2011, bà về chùa Thất Bửu ở TP Long Xuyên, tỉnh An Giang, xuống tóc tái xuất gia và gửi trọn phần đời còn lại tại tư thất này.
Ni trưởng Diệu Thông ở tuổi 94.
Năm 2015, bà được Giáo hội Phật giáo Việt Nam tấn phong lên hàng giáo phẩm ni trưởng.
Thiên Bình
Nguồn VTC : https://vtcnews.vn/chien-si-tinh-bao-dac-biet-nhat-viet-nam-xuat-than-tu-ni-co-ar944061.html