Nga dội hỏa lực mạnh vào thành phố Toretsk
Theo Deep State, giao tranh dữ dội vẫn đang bùng nổ tại thành phố Toretsk thuộc tỉnh Donetsk, nơi giao tranh khốc liệt đã cắt đôi thành phố. Theo kênh phân tích DeepState, được cho là có liên hệ mật thiết với Tổng cục Tình báo Quốc phòng Ukraine (GUR), Nga đang phá hủy cơ sở hạ tầng và các vị trí quân đội Ukraine (AFU).
Chiến sự Nga-Ukraine vẫn diễn ra căng thẳng. Ảnh: Getty
Ông Mansur, chỉ huy tạm quyền trung đoàn Tsunami thuộc AFU, tiết lộ đối phương không ngừng tấn công bằng các phương tiện hiện đại như máy bay không người lái FPV, xe địa hình, xe máy và pháo binh dày đặc.
Ông nhấn mạnh: "Chúng tôi chịu tổn thất lớn từ UAV tấn công và pháo binh. Nga liên tục tấn công từ mọi phía: bắc, nam, đông. Các đợt hỏa lực không ngừng nghỉ khiến tình hình ngày càng ngột ngạt".
Trong bối cảnh đó, binh sĩ Nga đang di chuyển sâu vào thành phố, tận dụng đống đổ nát làm lá chắn, khiến các cuộc phản công của Ukraine trở nên khó khăn hơn bao giờ hết.
Theo DeepState, tình hình tại Toretsk đã trở nên khốc liệt đến mức, các vị trí của hai bên thậm chí chỉ cách nhau... một bức tường.
Nga không chỉ tập trung lực lượng mà còn thay thế quân đội theo từng tiểu đoàn.
Ông Mansur cho biết: "Chúng tôi vô hiệu hóa một tiểu đoàn, ngay lập tức có tiểu đoàn khác tiến vào. Họ không ngừng bổ sung lực lượng mới, khiến tình hình vô cùng căng thẳng”.
Không dừng lại ở đó, Nga áp dụng chiến thuật tàn khốc, nhắm thẳng vào các tòa nhà nhiều tầng, phá hủy toàn bộ để buộc quân Ukraine phải rút lui.
Ông Mansur nhấn mạnh: "Họ thiêu rụi mọi thứ. Chúng tôi buộc phải rút lui để giữ mạng và tái thiết lập phòng tuyến tại các vị trí khác".
Chỉ huy Mansur cảnh báo rằng, Nga sẽ không từ bỏ tham vọng chiếm đóng Toretsk, bởi thành phố này là vị trí chiến lược dẫn tới Konstantinovka. Kênh Militarny dự đoán, Moscow đang ráo riết hoàn thành mục tiêu kiểm soát các thành phố Toretsk, Kurakhove và Chasov Yar để tiến về biên giới vùng Dnepropetrovsk, mở rộng quyền kiểm soát Donetsk.
Ukraine đã sẵn sàng đàm phán?
Theo hãng thông tấn TASS, trong cuộc phỏng vấn ngày 5/1 với nhà báo Mỹ Lex Fridman, Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky bày tỏ kỳ vọng lớn vào Tổng thống đắc cử Mỹ Donald Trump trong việc buộc Moscow chấm dứt chiến sự Nga - Ukraine.
Khi được hỏi liệu thỏa thuận giải quyết xung đột có thể đạt được vào ngày 25/1 hay không, ông Zelensky khẳng định: “Chúng tôi sẵn sàng vào bất kỳ ngày nào. Ngay từ đầu, chúng tôi sẽ ngồi lại với chính quyền ông Trump để thống nhất cách chấm dứt chiến sự.”
Tổng thống Zelensky nhấn mạnh tầm quan trọng của sự tham gia từ châu Âu trong các cuộc đàm phán: “Chúng tôi là một phần của châu Âu, và châu Âu có quyền lên tiếng. Sau đó, đàm phán với Nga có thể diễn ra”.
Trong cuộc phỏng vấn kéo dài ba giờ được đăng trên YouTube, ông Zelensky kêu gọi sự hỗ trợ mạnh mẽ cho nỗ lực gia nhập NATO của Ukraine. Ông cảnh báo rằng một lệnh ngừng bắn không đi kèm đảm bảo an ninh sẽ chỉ giúp Nga tái vũ trang và tiếp tục tấn công.
Tổng thống Zelensky tuyên bố: “Nếu không có Mỹ, không thể đảm bảo an ninh. Các đồng minh châu Âu của chúng tôi quá yếu về mặt quân sự để đưa ra các cam kết an ninh”.
Ông nhấn mạnh, cách tiếp cận “hòa bình thông qua sức mạnh” sẽ là chìa khóa để đảm bảo một nền hòa bình lâu dài.
Ông Donald Trump, người từng tuyên bố sẽ chấm dứt xung đột trong vòng 24 giờ sau khi nhậm chức, đến nay vẫn chưa tiết lộ cách thực hiện mục tiêu này. Các tuyên bố chủ yếu xoay quanh việc thúc đẩy ông Zelensky và Tổng thống Nga Vladimir Putin ngồi vào bàn đàm phán.
Trong khi đó, phía Nga, qua Ngoại trưởng Sergey Lavrov, cho biết Moscow chưa nhận được tín hiệu chính thức từ nhóm ông Trump về các cuộc đàm phán. Ông Lavrov nhấn mạnh: “Chúng tôi sẵn sàng đàm phán, nhưng phải biết đàm phán với ai và bằng cách nào”.
Tổng thống Zelensky nhiều lần khẳng định “công thức hòa bình” 10 điểm của ông là con đường duy nhất đến “hòa bình công bằng” với Nga. Tuy nhiên, phía Nga bày tỏ sự không hài lòng với các đề xuất từ nhóm ông Trump, bao gồm việc trì hoãn tư cách thành viên NATO của Ukraine trong 20 năm và triển khai lực lượng gìn giữ hòa bình của Anh và châu Âu tại Ukraine.
Nga chuyển chiến thuật “nghìn vết cắt”, Ukraine lúng túng đối phó
Theo Forbes, máy bay không người lái (UAV) cỡ nhỏ mang chất nổ đã biến các cuộc tấn công bằng xe bọc thép và xe tăng quy mô lớn trở thành "hành động tự sát" trên chiến tuyến kéo dài 1.000 km trong cuộc chiến khốc liệt suốt 35 tháng giữa Nga và Ukraine.
Cả hai bên đều thừa nhận, tốc độ phát triển của UAV đã vượt xa khả năng thích nghi của các phương tiện quân sự lớn, khiến xe tăng và xe bọc thép trở thành mục tiêu dễ dàng. Tuy nhiên, điều đó không ngăn cản Nga tiến công, đặc biệt tại miền đông Ukraine.
Để thích ứng, Nga đã từ bỏ các đoàn xe bọc thép lớn, chuyển sang chiến thuật "nghìn vết cắt", chia nhỏ lực lượng thành các nhóm bộ binh cơ động, sử dụng xe máy để áp sát đối thủ. Được yểm trợ bởi pháo binh và UAV, các nhóm nhỏ này tiến công chậm nhưng chắc, dần dần giành từng vị trí bằng hỏa lực áp đảo.
Dmitry Pavlenko-Krizheshevsky, sĩ quan thuộc lữ đoàn Azov của Ukraine, thừa nhận chiến thuật này đang gây sức ép lớn lên Kiev. "Tấn công một thiết bị chở 15 người rất dễ, nhưng khi 15 người đó đi xe máy, thì đó là một vấn đề lớn”, ông nói.
Michael Kofman, nhà nghiên cứu tại Carnegie Endowment, nhận định rằng Nga đang nghiêng về học thuyết mới, tập trung vào bộ binh thay vì phương tiện lớn. Bộ binh phân tán thành các nhóm nhỏ không chỉ khó bị UAV nhắm mục tiêu mà còn gây áp lực cho Ukraine, quốc gia đang thiếu nghiêm trọng nhân lực.
Tại Pokrovsk, Nga đang chiếm ưu thế với tỷ lệ nhân lực 3/1 so với Ukraine. Điều này buộc Kiev phải kéo căng các lực lượng, dễ lộ ra điểm yếu trong phòng thủ.
Ukraine đang đối mặt với bài toán khó khăn trong việc huy động đủ nhân lực để bù đắp tổn thất và duy trì các đơn vị chiến đấu. Theo Tatarigami, nhà sáng lập Ukraine Frontelligence Insight, Ukraine đã phải điều động cả nhân viên hỗ trợ, bao gồm đội súng cối, tài xế và người điều khiển UAV, ra chiến tuyến.
Điều này không chỉ làm cạn kiệt lực lượng hỗ trợ mà còn tạo nghịch lý nguy hiểm: việc chuyển người điều khiển UAV thành bộ binh có thể làm suy yếu chính những đơn vị đã gây khó khăn lớn nhất cho xe tăng và thiết giáp Nga.
Giải pháp tưởng chừng chỉ mang tính tình thế này lại đang tạo ra hậu quả lâu dài cho Ukraine. Kiev không còn nhiều lựa chọn trong bối cảnh áp lực từ Nga ngày càng gia tăng, còn năng lực phòng thủ của Ukraine đang bị bào mòn từng ngày.
Lê Minh