Chiến sự tại Gaza và những giới hạn của hệ thống phòng thủ tên lửa

Chiến sự tại Gaza và những giới hạn của hệ thống phòng thủ tên lửa
8 giờ trướcBài gốc
Hình ảnh trích từ video cho thấy tên lửa siêu vượt âm của Houthi tấn công Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Hệ thống Vòm Sắt của Israel liên tục đánh chặn tên lửa phóng từ Gaza và Liban, trong khi hệ thống Arrow-3 lần đầu tiên bắn hạ một tên lửa từ lực lượng Houthi, Yemen vào tháng 11/2023. Ngoài ra, Mỹ cũng đã hai lần phối hợp với Israel, các đối tác châu Âu và Saudi Arabia để đối phó với các cuộc tấn công bằng tên lửa và thiết bị bay không người lái từ Iran.
Nhìn lại, xung đột này có ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển của công nghệ phòng thủ tên lửa, tương tự như Chiến tranh vùng Vịnh năm 1991, thời điểm Mỹ lần đầu tiên triển khai hệ thống Patriot để chống lại tên lửa Scud của Iraq.
Tuy nhiên, giống như Chiến tranh vùng Vịnh từng phơi bày cả tiềm năng lẫn hạn chế của hệ thống phòng thủ tên lửa, cuộc chiến Gaza cũng cho thấy rõ những giới hạn của công nghệ này.
Hệ thống phòng thủ tên lửa đã chứng minh hiệu quả trong việc bảo vệ dân thường trước các cuộc tấn công bằng tên lửa. Tuy nhiên, cuộc xung đột cũng cho thấy chúng hầu như không phát huy tác dụng đối với thiết bị bay không người lái, gặp khó khăn trong phối hợp quốc tế, và quan trọng nhất là không thể tự mình đảm bảo sự răn đe hay ổn định khu vực.
Những bài học rút ra
Hệ thống phòng thủ tên lửa Vòm Sắt của Isarel. Ảnh: AFP/TTXVN
Trước hết, khả năng kỹ thuật của các hệ thống như Vòm Sắt, Arrow hay Patriot không còn là vấn đề tranh cãi. Sau hơn một năm giao tranh với loạt tên lửa, tên lửa đạn đạo và tên lửa hành trình do Iran và các lực lượng ủy nhiệm phóng đi, các hệ thống này đã chứng minh hiệu quả trong việc giảm thiểu thiệt hại và thương vong dân sự.
Ngoài ra, cuộc xung đột cũng đánh dấu bước tiến trong hợp tác phòng thủ tập thể. Ngày 14/4/2024, khi Iran tấn công Israel, hệ thống phòng thủ của Mỹ, Israel cùng các đồng minh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) và một số nước Arab (Jordan, có thể cả Saudi Arabia và UAE) đã phối hợp ngăn chặn phần lớn các vật thể bay. Đây là lần đầu tiên một liên minh khu vực chứng minh được khả năng phòng thủ tập thể trước mối đe dọa như vậy.
Tuy nhiên, những thành công này không đồng nghĩa với việc có thể chủ quan. Dù phòng thủ tên lửa vẫn sẽ đóng vai trò quan trọng tại Trung Đông, vẫn còn nhiều thách thức ở cả cấp độ chiến thuật, vận hành, ngoại giao và chiến lược.
Không có giải pháp hoàn hảo
Hiện trường một vụ tấn công tên lửa của Houthi vào Israel. Ảnh: THX/TTXVN
Dù công nghệ đánh chặn tên lửa ngày càng tiến bộ, sự phổ biến của thiết bị bay không người lái đặt ra mối đe dọa liên tục. Nhờ kích thước nhỏ và khả năng cơ động, chúng dễ dàng tránh bị phát hiện. Hezbollah và Houthi thường xuyên vượt qua radar của Israel. Chẳng hạn, tháng 7/2024, Houthi đã dùng một thiết bị bay không người lái cảm tử tấn công thành công một tòa nhà tại trung tâm Tel Aviv.
Ngoài ra, Iran và các lực lượng ủy nhiệm đang phát triển chiến thuật bầy đàn, tích hợp nhiều thiết bị bay không người lái trong một hệ thống liên kết có thể hoạt động đồng bộ. Trong tương lai, trí tuệ nhân tạo (AI) có thể làm gia tăng mối đe dọa này.
Ở cấp độ vận hành, việc triển khai hệ thống phòng thủ tên lửa ngày càng phức tạp. Không có giải pháp chung cho mọi mối đe dọa. Đánh chặn tên lửa tầm ngắn hay thiết bị bay không người lái đòi hỏi hệ thống khác với tên lửa hành trình hoặc tên lửa đạn đạo tầm trung.
Trung Đông hiện có nhiều hệ thống như Patriot, THAAD của Mỹ, hay Vòm Sắt, David’s Sling và Arrow của Israel. Các hệ thống mới như Chùm tia sắt của Israel hay các dự án chống thiết bị bay không người lái của Mỹ cũng đang được phát triển.
Sự đa dạng này đặt ra thách thức cho các lực lượng quân sự Mỹ và đồng minh, đòi hỏi đào tạo chuyên sâu và khả năng phối hợp để tránh xung đột không phận. Ví dụ, khi Mỹ mua hai khẩu đội Vòm Sắt vào năm 2019, việc tích hợp vào hệ thống chỉ huy của nước này gặp nhiều khó khăn do sự khác biệt về tiêu chuẩn kỹ thuật.
Rào cản ngoại giao
Việc hợp tác phòng thủ tên lửa đa quốc gia cũng đặt ra nhiều thách thức ngoại giao. Thành công trong việc ngăn chặn cuộc tấn công của Iran tháng 4/2024 cho thấy các nước có thể phối hợp hành động, nhưng vẫn tồn tại nhiều nhạy cảm chính trị. Các đối tác vùng Vịnh như Saudi Arabia, UAE và Qatar vẫn e dè trong việc tích hợp hệ thống phòng không của họ. Điều này liên quan đến vấn đề chủ quyền quốc gia, chia sẻ dữ liệu tình báo và tự động hóa quyết định đánh chặn tên lửa.
Không giống như NATO có các tổ chức như Hội đồng Bắc Đại Tây Dương để điều phối, Trung Đông thiếu cơ chế hợp tác tương tự. Hội đồng Hợp tác Vùng Vịnh (GCC), tổ chức gần nhất với NATO, có lịch sử hợp tác quân sự còn hạn chế. Vì vậy, Bộ Tư lệnh Trung tâm Mỹ (CENTCOM) hiện là đầu mối duy nhất để điều phối các phản ứng tập thể.
Ngoài ra, các nước Arab cũng do dự trong việc công khai hợp tác quân sự với Israel sau chiến tranh Gaza. Dù đã phối hợp với CENTCOM và lực lượng phòng vệ Israel (IDF) trong các đợt đánh chặn tên lửa của Iran, họ chỉ giới hạn ở chia sẻ dữ liệu radar, trong khi Jordan trực tiếp bắn hạ các thiết bị bay không người lái xâm phạm không phận. Sự e dè này từng xuất hiện từ trước chiến tranh Gaza, khi giới chức vùng Vịnh không đưa ra phản hồi công khai về kế hoạch “Liên minh Phòng không Trung Đông” do Israel đề xuất năm 2022.
Phòng thủ không đồng nghĩa với răn đe
Thách thức lớn nhất của hệ thống phòng thủ tên lửa nằm ở giá trị răn đe. Trong chiến tranh Gaza, Hamas không bị Vòm Sắt ngăn cản mà còn bất ngờ mở cuộc tấn công trên bộ ngày 7/10/2023, trong đó tên lửa chỉ đóng vai trò phụ. Tương tự, Houthi vẫn tiếp tục tấn công các tàu hàng qua Biển Đỏ bất chấp nỗ lực của hải quân Mỹ.
Hơn nữa, Iran không hề bị răn đe. Các cuộc tấn công của Tehran vào Israel hồi tháng 4 và tháng 10/2024 là lần đầu tiên một quốc gia Trung Đông tấn công trực tiếp Israel kể từ cuộc tấn công bằng tên lửa Scud của Iraq năm 1991. Dù hệ thống phòng thủ tên lửa Israel hoạt động hiệu quả, chính các cuộc phản công của nước này mới là yếu tố khiến Iran chùn bước.
Phòng thủ tên lửa vẫn rất quan trọng, nhưng không thể tự mình tạo ra sự ổn định khu vực. Trong tương lai, các nhà hoạch định quân sự có thể sẽ ưu tiên các biện pháp tấn công hơn là phòng thủ.
Việt Dũng/Báo Tin tức (Theo atlanticcouncil)
Nguồn Tin Tức TTXVN : https://baotintuc.vn/the-gioi/chien-su-tai-gaza-va-nhung-gioi-han-cua-he-thong-phong-thu-ten-lua-20250203141224652.htm