Chiến sỹ TNXP từng cứu cả đoàn xe khỏi bom đạn nay là 'thủ lĩnh' các phong trào

Chiến sỹ TNXP từng cứu cả đoàn xe khỏi bom đạn nay là 'thủ lĩnh' các phong trào
7 giờ trướcBài gốc
Sinh năm 1953 tại thôn Song Giang (xã Đan Hải, trước là xã Đan Trường, huyện Nghi Xuân), ông Hoàng Văn Bé lớn lên giữa những năm tháng chiến tranh ác liệt. Tháng 7/1972, ông gia nhập lực lượng TNXP, biên chế tại Đại đội 9, Tổng đội 53, P18, TNXP Hà Tĩnh. Nhiệm vụ của đơn vị ông là đảm bảo giao thông huyết mạch trên các tuyến đường 21 và 22 - những cung đường sống còn của hậu phương miền Bắc chi viện cho tiền tuyến qua địa bàn Hà Tĩnh.
Từ tháng 8/1973 - 4/1975, ông tiếp tục cùng đồng đội hành quân vào Quảng Trị, góp phần khôi phục hạ tầng vùng giải phóng.
Cựu TNXP Hoàng Văn Bé (thôn Song GIang, xã Đan Hải).
Một ký ức không thể phai trong ông Bé là vào cuối năm 1972, tại ngầm Rào Cợi (nay thuộc xã Kỳ Thượng), sau trận oanh tạc dữ dội của B52, ông được giao nhiệm vụ gác barie cảnh giới. Một ban trưa nắng gắt, khi đang mệt lả vì đói và thiếu ngủ, ông giật mình tỉnh người bởi một đoàn xe con chở cán bộ chạy tới. Không kịp suy nghĩ, ông lao ra chắn đầu xe, kiên quyết không cho qua. Dù sau đó biết đoàn xe chở cán bộ Trung ương, ông vẫn giữ nguyên lập trường. 20 phút sau, máy bay Mỹ trút bom xuống chính đoạn đường ấy.
“Khi đó, tôi chỉ là cậu thanh niên 19 tuổi, người thấp nhỏ, chưa đầy 45kg, nhưng nhờ kiên quyết thực hiện kỷ luật mà cứu được cả đoàn xe” - ông Bé kể lại.
Bất chấp nguy hiểm, lực lượng TNXP Hà Tĩnh ngày đêm đảm bảo thông tuyến giao thông cho các đoàn xe ra chiến trường. Ảnh: Ngã ba Đồng Lộc những năm chống Mỹ (TTXVN).
Sau ngày đất nước thống nhất, ông Bé trở về quê hương (tháng 5/1975). Hoàn cảnh gia đình nghèo khó, người anh trai và em trai đều đang ở trong quân đội, ông trở thành lao động chính, gánh vác việc chăm sóc bố mẹ già và 2 em gái còn nhỏ. Cuối năm 1975, ông lập gia đình với bà Phan Thị Lý - người cùng thôn, rồi cùng nhau bươn chải mưu sinh.
Từ năm 1979 - 1991, ông cùng bạn bè lên miền Tây Nghệ An buôn bè chuyến trên sông Lam - công việc vất vả nhưng giúp cuộc sống khá dần lên. Tuy nhiên, với tầm nhìn dài hạn, ông sớm nhận ra sự bấp bênh của nghề sông nước và quyết định tìm hướng đi bền vững hơn.
Vợ chồng ông Hoàng Văn Bé bên mô hình nuôi trồng thủy sản tại xã Đan Hải.
Năm 1992, sau nhiều lần khảo sát, ông mạnh dạn thuê vùng đất 5ha hoang hóa ven sông Lam để cải tạo thành khu nuôi trồng thủy sản. HTX nuôi trồng thủy sản do ông làm chủ nhiệm ra đời với 7 thành viên. Ông cùng HTX đã đầu tư hàng trăm triệu đồng xây đê bao, cống điều tiết nước, nhờ chăm chỉ và bài bản, mô hình từng bước đem lại hiệu quả.
Vậy nhưng, năm 1998, một trận lũ lớn đã cuốn phăng tất cả, từ con giống đến bờ đê dài gần 1 km, mọi vốn liếng tan hoang. Các thành viên HTX bỏ cuộc. Một mình ông Bé “đứng mũi chịu sào”, ôm gánh nợ hàng trăm triệu đồng.
“Có thời điểm, hễ chủ nợ thấy trong nhà cái gì đáng giá là mang đi, gia đình gần như trắng tay. Nhưng, ông ấy không nản, lúc nào cũng động viên vợ con rằng còn sức thì còn gượng dậy được” - bà Phan Thị Lý xúc động nhớ lại.
Từ đống đổ nát, ông Bé cùng vợ và 2 con trai bắt đầu gây dựng lại từ đầu. Tự tay cuốc đất, đẩy từng xe cút-kít đắp lại bờ đê, quyết tâm vực dậy mô hình. Vừa nuôi trồng, vừa tận dụng nguồn thủy sản tự nhiên, ông áp dụng chiến lược “lấy ngắn nuôi dài”, kiên trì phục hồi sản xuất.
Với phẩm chất của một cựu TNXP, ông Hoàng Văn Bé đã vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên xây dựng thành công mô hình nuôi trồng thủy sản.
“Thời chiến, mình từng đối mặt với bom đạn còn không sợ thì thời bình không có lý do gì để gục ngã” - ông Bé nói.
Đến năm 2005, sau nhiều năm nỗ lực, ông đã trả hết nợ, cuộc sống gia đình ổn định, xây được ngôi nhà 2 tầng khang trang, mô hình nuôi tôm sú và cua nước lợ phát triển bền vững, tạo việc làm cho hàng chục lao động địa phương.
Năm 2012, ông Hoàng Văn Bé được Hội cựu TNXP Hà Tĩnh chọn là điển hình tiên tiến, được tham gia Đại hội Điển hình toàn quốc cựu TNXP làm kinh tế giỏi tại Hà Nội. Từ đó đến nay, mô hình vẫn phát triển đều đặn, mỗi năm mang về thu nhập cho ông trung bình 500 triệu đồng/năm.
Không chỉ là người làm kinh tế giỏi, ông Bé còn là “cầu nối” đầy trách nhiệm trong công tác hội. Suốt gần 20 năm giữ chức Chủ tịch Hội cựu TNXP xã Xuân Đan, sau là xã Đan Trường (nay là xã Đan Hải), ông không chỉ tổ chức tốt các hoạt động kỷ niệm, tri ân, mà còn vận động hội viên có điều kiện và mạnh thường quân giúp đỡ các hội viên khó khăn.
Dịp tháng 5 vừa qua, từ lời kêu gọi của ông, bà Phan Thị Cúc - một hội viên có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn thôn Kiều Thắng Lợi đã được hỗ trợ 70 triệu đồng xây nhà ở mới.
Ông Hoàng Văn Bé cùng các hội viên Hội cựu TNXP xã Đan Hải gặp mặt ôn lại truyền thống lực lượng nhân dịp kỷ niệm 75 năm Ngày thành lập TNXP.
Ông Bé còn luôn tiên phong trong xây dựng NTM tại địa phương. Ông đã hiến hàng chục m2 đất, đóng góp ngày công và tiền của xây dựng khu dân cư NTM kiểu mẫu, vận động Nhân dân cùng hưởng ứng các phong trào an sinh, phát triển cộng đồng.
Với những đóng góp không ngơi nghỉ, ông từng được tặng nhiều bằng khen, giấy khen của các cấp, ngành. Đặc biệt, tháng 10/2024, ông được Trung ương Hội cựu TNXP Việt Nam trao tặng bằng khen vì có thành tích xuất sắc trong hoạt động hội.
Không chỉ dũng cảm trong chiến đấu, ông Hoàng Văn Bé còn là người sống mẫu mực, trách nhiệm, xứng đáng là tấm gương sáng phát huy tinh thần “Thanh niên 3 sẵn sàng” và “5 xung phong” trên mặt trận thời bình.
Bà Dương Thị Thìn - Phó Chủ tịch Hội cựu TNXP Hà Tĩnh
Không chỉ làm kinh tế giỏi, ông Hoàng Văn Bé còn là thủ lĩnh của công tác hội cựu TNXP địa phương suốt nhiều năm qua.
Từ TNXP nơi tuyến lửa đến “thủ lĩnh” phong trào hội, người làm kinh tế giỏi, người lan tỏa nghĩa tình đồng đội, ông Hoàng Văn Bé là minh chứng sống động cho phẩm chất kiên cường, nhân ái của lớp TNXP năm xưa. Trong hành trình hôm nay, họ vẫn bền bỉ tỏa sáng như những ngọn lửa ý chí và lòng tận hiến cho đất nước, quê hương.
Nguyên Hoàng
Nguồn Hà Tĩnh : https://baohatinh.vn/chien-sy-tnxp-tung-cuu-ca-doan-xe-khoi-bom-dan-nay-la-thu-linh-cac-phong-trao-post291742.html