Phóng viên VOV phỏng vấn Tiến sĩ Khoa học Lịch sử Pyotr Tsvétov, Phó Giáo sư Khoa Quan hệ quốc tế, Học viện Ngoại giao thuộc Bộ Ngoại giao Liên bang Nga, Phó Chủ tịch Thường trực Ban Chấp hành Trung ương Hội Hữu nghị Nga - Việt.
Phó Giáo sư Svetov trả lơìi phỏng vấn của phóng viên Đài TNVN
PV: Thưa ông, năm nay Việt Nam kỷ niệm tròn 50 năm giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước 30/4. Chiến thắng này có sự giúp đỡ vô cùng quý báu của nhân dân Liên Xô nói chung và nhân dân Nga nói riêng. Xin ông cho biết vài nét nổi bật về sự giúp đỡ này?
Phó Giáo sư Svetov: Trong cuộc kháng chiến của nhân dân Việt Nam, miền Bắc Việt Nam là nơi phải gánh chịu nhiều nhất, khi gần như toàn bộ các thành phố, làng mạc bị ném bom, gây ra những tổn thất vô cùng to lớn, không chỉ về con người, mà cả cầu cống, đường sắt, đường bộ các trường học, công trình công cộng...tất cả đều bị tàn phá.
Trong hoàn cảnh đó, Liên Xô không thể không sang giúp Việt Nam. Liên Xô đã giúp Việt Nam thành lập lực lượng phòng không, hỗ trợ Việt Nam các tổ hợp tên lửa phòng không, đưa các cố vấn quân sự, chuyên gia sang Việt Nam để huấn luyện cho bộ đội Việt Nam, chuyển giao máy bay tiêm kích cho Việt Nam. Những chiếc máy bay này đã góp phần bảo vệ bầu trời Việt Nam trước các cuộc ném bom, đặc biệt là trong “Chiến dịch Điện Biên Phủ trên không” tháng 12/1972.
Đó là sự trợ giúp quân sự, bao gồm kỹ thuật và trang thiết bị. Bên cạnh đó là phong trào đoàn kết với Việt Nam. Phong trào này là thành quả của một chiến dịch tổ chức quy mô lớn, được khởi xướng và phối hợp thực hiện bởi nhiều tổ chức uy tín tại Liên Xô – tiêu biểu như Ủy ban Bảo vệ Việt Nam, Quỹ Hòa bình cùng nhiều tổ chức xã hội khác, thể hiện tinh thần đoàn kết sâu sắc và sự ủng hộ mạnh mẽ dành cho Việt Nam.
Những tổ chức này đã huy động người dân Liên Xô tham gia giúp đỡ Việt Nam, không chỉ về mặt tinh thần mà cả về vật chất. Thậm chí, trẻ em cũng tham gia quyên góp – các em đã gom sách vở, bút...để gửi sang Việt Nam. Thông qua các tổ chức xã hội này, đã có những hoạt động phối hợp với các lực lượng yêu chuộng hòa bình và phản đối chiến tranh ở các nước, trước hết là tại Thụy Điển và các quốc gia Scandinavia. Đây chính là một dạng ngoại giao nhân dân, một làn sóng đoàn kết quốc tế dành cho nhân dân Việt Nam.
Các nhà ngoại giao Liên Xô cũng đã tích cực hoạt động. Bắt đầu từ năm 1968, các cuộc đàm phán ở Paris được khởi động, tuy diễn ra kéo dài và không phải lúc nào cũng suôn sẻ. Trước mỗi cuộc họp lớn, các nhà ngoại giao Việt Nam đều quá cảnh ở Moscow và trao đổi, tham vấn với các nhà ngoại giao Liên Xô để cùng bàn bạc chiến lược, cách đặt vấn đề, cách xử lý các tình huống trên bàn đàm phán.
Có thể nói, Liên xô đã viện trợ quân sự, hỗ trợ kinh tế, ngoại giao nhân dân qua các phong trào xã hội và ngoại giao chuyên nghiệp. Tất cả những yếu tố này đã góp phần quan trọng làm nên thắng lợi vĩ đại của nhân dân Việt Nam.
Đông đảo người dân Nga xếp hàng ở khu vực Quảng trường Đỏ để đặt hoa trước Ngọn lửa vĩnh cửu, tưởng niệm những liệt sỹ vô danh
PV: Cá nhân ông nghĩ gì về Ngày chiến thắng này của nhân dân Việt Nam?
Phó Giáo sư Svetov: Tôi nghĩ rằng đó là một ngày lễ lớn, thật sự có ý nghĩa. Tôi đã sống ở Việt Nam 10 năm và hầu như năm nào tôi cũng có mặt ở đó vào dịp 30/4 tại TP.HCM hoặc tại Hà Nội.
Tôi đã tận mắt chứng kiến người dân Việt Nam hồi tưởng lại thời khắc ấy với một niềm tự hào và nhiệt huyết lớn lao. Những người từng trực tiếp chiến đấu mặc quân phục, đeo Huân chương, gắn lên ngực áo những bông hồng đỏ rất đẹp, trang trọng và xúc động.
Điều đó hoàn toàn dễ hiểu, bởi vì đất nước Việt Nam đã được thống nhất, các gia đình được đoàn tụ, người thân được sống bên nhau, không phải xa cách.
PV: Việt Nam có ngày chiến thắng 30/4, nhân dân Liên Xô nói chung và nhân dân Nga nói riêng có ngày Chiến thắng 9/5. Theo ông, có một nét chung nào trong Ngày chiến thắng này của nhân dân hai nước?
Phó Giáo sư Svetov: Yếu tố quyết định chiến thắng không chỉ là vũ khí hiện đại, trước hết là tinh thần anh dũng của nhân dân Liên Xô và nhân dân Việt Nam – những con người đã chiến đấu vì độc lập, tự do, vì một cuộc sống hạnh phúc và hòa bình.
Chính vì lẽ đó, xét về tinh thần chiến đấu và chủ nghĩa anh hùng, hai chiến thắng mang nhiều nét tương đồng sâu sắc. Cả hai đều đánh dấu những bước ngoặt lịch sử trọng đại, mở ra những chặng đường phát triển mới cho mỗi dân tộc trên hành trình kiến tạo tương lai của mình.
PV: Xin cảm ơn ông!
Thu Hà-Đặng Cường/VOV-Moscow (thực hiện)