'Chiến thắng Con Quỷ bên trong': Sẽ không còn cơ hội kiểm soát con người, nếu…

'Chiến thắng Con Quỷ bên trong': Sẽ không còn cơ hội kiểm soát con người, nếu…
3 giờ trướcBài gốc
Tính bất cẩn của con người
H: Ta muốn ngươi đưa ra minh họa đầy đủ, nói mọi điều ngươi biết về nguyên tắc tính rõ ràng của mục đích.
Đ: Khi ngươi nghe được điều ta sắp nói ra bây giờ, ngươi sẽ hiểu vì sao nguyên tắc tính rõ ràng của mục đích lại quan trọng đến vậy. Đối thủ của ta thường dùng một mưu kế nhỏ nhưng rất khôn khéo để đánh lừa ta khỏi việc kiểm soát con người. Đối thủ của ta biết rằng ý thức rõ ràng về mục đích giúp một người đóng chặt cánh cửa tâm trí của họ đến mức ta không thể xông vào, trừ khi ta có thể lôi kéo họ hình thành thói quen buông thả.
H: Tại sao đối thủ của ngươi không chia sẻ bí mật của ngươi cho tất cả mọi người bằng cách bảo họ tránh xa ngươi bằng việc ý thức rõ về mục đích của bản thân? Ngươi đã thú nhận rằng 2% tổng số con người thuộc về đối thủ của ngươi cơ mà.
Đ: Vì ta tinh vi hơn đối thủ của ta. Ta khiến con người xa rời việc nhận thức rõ mục đích của mình bằng những lời hứa hẹn. Ngươi thấy đấy, ta kiểm soát được nhiều người hơn đối thủ của ta vì ta giỏi bán hàng và biết cách phô diễn hơn. Ta hấp dẫn con người bằng cách cho họ “ăn” thỏa thích những thói quen suy nghĩ khiến họ thỏa mãn.
H: Con người có ý thức rõ về mục đích từ khi sinh ra hay đó là thứ có thể học được?
Đ: Như ta đã nói với ngươi, con người khi sinh ra đều có ý thức rõ ràng về mục đích, nhưng 98% các ngươi đã đánh mất đặc quyền trời ban này vì không dùng đến nó. Ý thức rõ về mục đích chỉ có thể được duy trì bằng cách áp dụng nó như một nguyên tắc sống hay kim chỉ nam trong mọi lĩnh vực của cuộc sống.
H: Ồ, ta đã hiểu! Cách một người sử dụng nguyên tắc tính rõ ràng của mục đích cũng giống như việc họ rèn luyện để có một cơ thể khỏe mạnh – sử dụng nguyên tắc một cách liên tục và có hệ thống. Có đúng như vậy không?
Đ: Diễn giải của ngươi về sự thật này rất rõ ràng và chính xác.
H: Ta nghĩ chúng ta đang đi đến một nhận thức nào đó. Cuối cùng, chúng ta cũng tìm thấy được bệ phóng mà tất cả những người tự quyết đều phải xuất phát từ đó.
Từ lời thú tội đáng kinh ngạc của ngươi, chúng ta đã phát hiện ra rằng tài sản lớn nhất của ngươi là tính bất cẩn của con người. Chính điều đó giúp ngươi dẫn họ lạc vào “khu rừng tối tăm không mục đích” mà không cần những thứ cám dỗ tinh vi.
Không nghi ngờ gì nữa, chúng ta đã học được rằng bất cứ ai xem tính rõ ràng của mục đích như một nguyên tắc sống và vận dụng nó trong mọi trải nghiệm hằng ngày của mình sẽ không thể bị cám dỗ để hình thành thói quen buông thả. Nếu không có sự trợ giúp của thói quen buông thả, ngươi sẽ bất lực, không thể lôi kéo mọi người bằng những lời hứa hẹn. Điều ta nói có đúng không?
Đ: Chính ta cũng không thể diễn đạt sự thật này rõ ràng hơn thế.
Giành lại nạn nhân của mình
H: Nào, ngươi nói tiếp đi, hãy mô tả xem con người đã bỏ mặc năng lực tự do và tự quyết thiên phú của mình thông qua tình trạng mơ hồ về mục đích và buông thả như thế nào.
Đ: Ta đã giới thiệu ngắn gọn về nguyên tắc này nhưng bây giờ ta sẽ nói một cách cụ thể và chi tiết hơn về cách thức vận hành của nó.
Ta sẽ phải bắt đầu từ khi con người vừa chào đời. Khi một đứa trẻ được sinh ra, nó không mang theo bất cứ thứ gì ngoài cơ thể vật lý, là kết quả của sự tiến hóa của tổ tiên qua hàng triệu năm. Tâm trí của nó hoàn toàn trống rỗng. Khi đến tuổi nhận thức và nhận ra các vật thể xung quanh mình, đứa trẻ bắt đầu bắt chước những người khác.
Bắt chước trở thành một thói quen cố định. Trước hết, đứa trẻ bắt chước cha mẹ của nó một cách tự nhiên. Sau đó nó bắt đầu bắt chước họ hàng và những người nó gặp hằng ngày, trong đó có những người giảng đạo và thầy cô giáo.
Sự bắt chước không chỉ diễn ra ở mức độ biểu hiện về mặt cơ thể mà cả ở tư duy. Nếu cha mẹ của đứa trẻ sợ ta và thể hiện nỗi sợ đó trong khoảng cách mà đứa trẻ có thể nghe được, nó sẽ tiếp thu nỗi sợ đó thông qua thói quen bắt chước và lưu giữ nỗi sợ vào kho tiềm thức, ở phần niềm tin.
Nếu những người giảng đạo cho đứa trẻ thể hiện nỗi sợ về ta dưới bất kỳ hình thức nào (và tất cả họ đều làm như vậy, bằng cách này hay cách khác), nỗi sợ đó được thêm vào nỗi sợ mà cha mẹ đứa trẻ đã truyền sang nó; hai dạng giới hạn tiêu cực này được lưu giữ trong tâm trí tiềm thức và đến một lúc nào đó trong đời đứa trẻ, ta có thể khai thác và sử dụng.
Cũng theo cách tương tự và thông qua việc bắt chước, đứa trẻ dần giới hạn năng lực tư duy của chính mình bằng cách tự lấp đầy tâm trí nó bằng sự đố kỵ, lòng ghen ghét, lòng tham, đam mê khoái lạc, lòng thù hận và tất cả những xung năng suy nghĩ tiêu cực – những thứ hủy hoại mọi khả năng tính rõ ràng được bộc lộ ra.
Đó chính là lúc ta bước vào và lôi kéo đứa trẻ vào thói quen buông thả cho đến khi ta trói buộc được tâm trí nó bằng nhịp điệu thôi miên.
H: Từ những nhận định của ngươi, ta hiểu rằng ngươi phải tìm cách kiểm soát con người từ rất sớm, nếu không ngươi sẽ không còn cơ hội kiểm soát họ, có phải vậy không?
Đ: Ta muốn chiếm hữu họ trước khi họ làm chủ được tâm trí của chính mình. Khi một người đã biết được năng lực tư duy của bản thân, anh ta sẽ có chiều hướng tích cực và rất khó bị kiểm soát. Sự thật là ta không thể kiểm soát bất cứ ai nhận ra và sử dụng nguyên tắc tính rõ ràng của mục đích.
H: Có phải thói quen nhận thức rõ về mục đích là cách để con người được bảo vệ vĩnh viễn khỏi sự kiểm soát của ngươi?
Đ: Không, điều này hoàn toàn không đúng. Tính rõ ràng của mục đích chỉ ngăn được ta bước vào cánh cửa tâm trí của một người khi người đó tuân thủ nó như một nguyên tắc sống. Ngay khi một người do dự, trì hoãn hay trở nên mơ hồ về bất cứ điều gì, anh ta tiến thêm một bước đến gần vùng kiểm soát của ta.
H: Ý thức rõ ràng về mục đích có thể giúp gì cho một người trong những hoàn cảnh cụ thể? Ta muốn biết liệu một người có thể có được sức mạnh thông qua tính rõ ràng của mục đích mà không thu hút về mình tính hủy hoại hay không, theo quy luật bù trừ.
Đ: Câu hỏi của ngươi khiến việc đưa ra ví dụ minh họa của ta bị giới hạn, bởi vì số người trên thế giới, cả trong hiện tại và quá khứ, hiểu và biết sử dụng tính rõ ràng của mục đích mà không thu hút về mình ứng dụng tiêu cực của quy luật bù trừ là rất ít ỏi.
Giờ đây ngươi lại đang buộc ta phải tiết lộ một trong những mưu kế đáng giá nhất của ta. Ta đành phải cho ngươi biết rằng cuối cùng ta cũng giành lại cho sự nghiệp của mình tất cả những người đã tạm thời thoát khỏi ta nhờ ý thức rõ ràng về mục đích. Ta tái chiếm hữu họ bằng cách lấp đầy tâm trí họ bằng ham muốn quyền lực và lòng ái kỷ, cho đến khi người đó sa ngã vào thói quen xâm phạm quyền của người khác. Khi đó, ta sẽ bước vào cùng với quy luật bù trừ và giành lại nạn nhân của mình.
Hạ Vĩ
Nguồn Một Thế Giới : https://1thegioi.vn/chien-thang-con-quy-ben-trong-se-khong-con-co-hoi-kiem-soat-con-nguoi-neu-224859.html