Chủ tịch Hồ Chí Minh với các anh hùng, dũng sĩ miền Nam ra thăm miền Bắc ngày 28/2/1969. (Ảnh: Tư liệu TTXVN)
Đây là sự đúc kết đầy chiều sâu từ chính hành trình lịch sử vĩ đại của dân tộc Việt Nam - một dân tộc chưa bao giờ chịu khuất phục trước bạo lực cường quyền, chưa bao giờ buông bỏ khát vọng độc lập, tự do và thống nhất thiêng liêng.
Nuôi dưỡng khát vọng
Khát vọng là điểm khởi đầu của mọi hành trình vĩ đại. Lịch sử nhân loại cho thấy, mỗi bước ngoặt lớn, mỗi cuộc cách mạng chân chính đều bắt nguồn từ khát vọng cháy bỏng - khát vọng thoát khỏi xiềng xích áp bức, khát vọng được sống làm người tự do, được làm chủ vận mệnh của chính mình. Với dân tộc Việt Nam, đó là khát vọng ngàn đời về một đất nước độc lập, hòa bình, không còn bóng ngoại xâm, không còn cảnh chia cắt đau thương. Khát vọng ấy là dòng chảy xuyên suốt hun đúc nên bản lĩnh và bản sắc dân tộc Việt.
Khát vọng lớn nhất trong thế kỷ XX của dân tộc Việt Nam là được sống trong một đất nước tự do, độc lập. Khát vọng ấy có trong huyết quản của lớp lớp thế hệ yêu nước - Hàm Nghi, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Huỳnh Thúc Kháng… nhưng chỉ đến Hồ Chí Minh - con người ba mươi năm bôn ba tìm đường cứu nước, thì khát vọng ấy mới thực sự có lối ra. Hồ Chí Minh không chỉ có lý tưởng mà còn có phương pháp cách mạng đúng đắn, huy động được sức mạnh toàn dân. Chính Người là hiện thân của một trí tuệ biết “ấp ủ khát vọng lớn” - không mơ hồ, không lãng mạn, mà thực tế và có chiến lược. Tuyên ngôn Độc lập ngày 2/9/1945 là kết quả của khát vọng ấy - khát vọng của bao thế hệ được cụ thể hóa trong bản tuyên ngôn gửi tới cả thế giới: “Nước Việt Nam có quyền hưởng tự do và độc lập; và sự thật đã trở thành một nước tự do, độc lập”.
Giành được độc lập đã khó, giữ vững nền độc lập còn khó hơn. “Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy” - lời thề thiêng liêng ấy đã trở thành sức mạnh, dù cho “máu trộn bùn non. Gan không núng. Chí không mòn!”, để “chín năm làm một Điện Biên/Nên vành hoa đỏ, nên thiên sử vàng”.
Sau Hiệp định Genève 1954, đất nước bị chia cắt. Và một lần nữa, khát vọng lớn lại được ấp ủ, được nuôi dưỡng bởi lẽ “Miền Nam là máu của máu Việt Nam, là thịt của thịt Việt Nam. Sông có thể cạn, núi có thể mòn song chân lý đó không bao giờ thay đổi”. Cả dân tộc “ra trận” vì một ngày Bắc - Nam sum họp một nhà. Từ ngã ba Đồng Lộc đến địa đạo Củ Chi, từ rừng già Trường Sơn đến rừng đước Cà Mau, đâu đâu cũng chỉ một đích điểm: non sông thống nhất, Bắc - Nam sum họp.
Để có ngày 30/4/1975 - ngày non sông thu về một mối - dân tộc Việt Nam đã phải đi qua chặng đường của máu và nước mắt. Thắng lợi vĩ đại ấy không chỉ là kết tinh của 21 năm kháng chiến bền bỉ mà là của hào khí hàng nghìn năm lịch sử dựng nước, giữ nước. Đó là chiến thắng của một dân tộc “biết ấp ủ khát vọng lớn” - kiên quyết không phó mặc số phận cho thời cuộc. Lịch sử dân tộc ta là hành trình của những con người ấp ủ khát vọng một cách kiên cường, bền bỉ.
Biến khát vọng thành hiện thực
Một câu hỏi đặt ra, đâu là yếu tố biến khát vọng thành hiện thực? Phải chăng đó là tinh thần “chung tay hành động vì lợi ích chung” - sợi chỉ đỏ xuyên suốt trong toàn bộ hành trình khát vọng. Dân tộc Việt Nam đã từng đứng trước những thử thách tưởng như không thể vượt qua - từ khói lửa chiến tranh đến nghèo đói, cấm vận, thiên tai… Nhưng vượt lên tất cả, chúng ta không chỉ giữ vững độc lập, bảo vệ toàn vẹn lãnh thổ, ổn định chính trị, cải thiện đời sống Nhân dân, hội nhập quốc tế sâu rộng mà đang từng bước vươn lên trở thành quốc gia giàu mạnh. Tất cả là nhờ có sự đồng tâm hiệp lực của cả hệ thống chính trị và toàn thể Nhân dân.
Trả lời phỏng vấn của một kênh truyền hình Mỹ, Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã lý giải: “Chúng tôi biết rằng chính nhân tố con người chứ không phải các nguồn lực vật chất quyết định kết quả của cuộc chiến. Đó là lý do vì sao mà cuộc chiến nhân dân của chúng tôi, do Hồ Chí Minh lãnh đạo, lại diễn ra trên một quy mô lớn như vậy. Nó lôi cuốn sự tham gia của toàn thể dân tộc”.
Chương trình biểu diễn nghệ thuật mở đầu buổi tổng duyệt lễ diễu binh, diễu hành kỷ niệm 50 năm Ngày Giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước diễn ra trên trục đường Lê Duẩn, phía trước Hội trường Thống Nhất (quận 1, TP Hồ Chí Minh), sáng 27/4. (Ảnh: Lê Minh/ Báo ảnh Việt Nam)
Toàn dân là chiến sĩ. Không chỉ có những người lính trực tiếp cầm súng trên chiến trường mà còn có những cô gái thanh niên xung phong băng rừng mở đường, những bà mẹ nuôi giấu cán bộ, những trí thức rời bàn giấy lên đường cầm súng, những nông dân góp thóc nuôi quân... - tất cả đã làm nên một đất nước Việt Nam kiên cường trong gian khó. Đó chính là biểu hiện cụ thể của tinh thần hành động vì lợi ích chung: không ai đứng ngoài cuộc chiến sinh tử của Tổ quốc, không ai được phép sống tách biệt khỏi vận mệnh của cộng đồng. Cũng chính nhờ sự gắn bó keo sơn ấy mà Nhân dân một lòng tin theo Đảng, kiên cường vượt qua bom đạn, đi đến thắng lợi cuối cùng.
Hôm nay, khi chiến tranh đã lùi xa, đất nước bước vào giai đoạn phát triển mới - hiện đại hóa, công nghiệp hóa, hội nhập sâu rộng với thế giới thì lời khẳng định của Tổng Bí thư Tô Lâm càng mang tính hiệu triệu sâu sắc. Khát vọng lớn một lần nữa cần được khơi dậy mạnh mẽ - không phải trong bom đạn khói lửa, mà trong công cuộc phát triển đất nước giàu mạnh, bền vững và nhân văn. Đó là khát vọng đưa Việt Nam trở thành quốc gia phát triển, thoát khỏi bẫy thu nhập trung bình, vươn mình trên bản đồ kinh tế - chính trị toàn cầu. Đó là khát vọng về một nền giáo dục mở lối tương lai, một nền kinh tế dựa trên đổi mới sáng tạo, một xã hội công bằng, hạnh phúc. Và hơn hết, đó là khát vọng về một Việt Nam không chỉ phát triển vật chất mà còn gìn giữ được chiều sâu văn hóa, đạo lý và phẩm chất dân tộc.
Khát vọng không bao giờ là điểm đến cuối cùng. Đó là hành trình không ngừng nghỉ.
Muốn hiện thực hóa khát vọng đó, chúng ta cần một tinh thần hành động vì lợi ích chung cao hơn bao giờ hết. Tương lai chỉ thuộc về những dân tộc biết vượt lên chính mình, biết từ bỏ cái tôi để vun đắp cho cái chung. Đó chính là bài học xương máu của lịch sử mà chúng ta khắc cốt ghi tâm. Thực tiễn ở nhiều quốc gia cho thấy, không có tương lai tươi sáng cho những dân tộc rơi vào trì trệ, tự mãn, hay chia rẽ vì lợi ích cục bộ. Ngược lại, dân tộc nào biết quy tụ sức mạnh đoàn kết, đặt lợi ích quốc gia, dân tộc lên trên hết, biết đầu tư cho trí tuệ, sáng tạo, cho con người - dân tộc đó sẽ có cơ hội bứt phá, vươn lên mạnh mẽ.
Khát vọng lớn là cơ sở gắn kết ý chí dân tộc
Lịch sử dân tộc ta, nhất là trong thế kỷ XX, không chỉ là hành trình đấu tranh mà còn là một chuỗi những phép thử nghiệt ngã. Phép thử của chiến tranh, của đói nghèo, của lệ thuộc; phép thử của ngoại bang, của mưu đồ chia rẽ và đặc biệt là phép thử của chia cắt. Một vĩ tuyến 17 tưởng là ranh giới tạm thời trên bản đồ, lại trở thành vết cắt đau đớn chia Bắc - Nam.
Nhưng dân tộc Việt Nam chỉ chọn một con đường đó là chọn thống nhất, chọn đoàn kết, chọn khát vọng lớn để vượt lên “Em hỏi anh có con đường nào là đường đẹp nhất đó/Anh nói rằng chỉ có con đường thống nhất hôm nay”. Đó chính là điều đã làm nên chiến thắng 30/4/1975 - một chiến thắng không chỉ mang tính quân sự, mà còn mang tầm vóc lịch sử: kết thúc một phép thử đầy đau thương bằng câu trả lời xứng đáng - thống nhất non sông, quy tụ lòng người.
Nhìn lại, chính trong những hoàn cảnh khắc nghiệt nhất, khát vọng lớn của dân tộc lại càng tỏa sáng. Thấm thía nỗi đau chia cắt, ta càng thấy rõ giá trị của hòa hợp, thống nhất. Thấm thía hậu quả của chiến tranh, ta càng trân quý hòa bình, hạnh phúc. Đó là bản lĩnh của dân tộc Việt Nam - một dân tộc không bao giờ bị khuất phục, luôn biến thử thách thành cơ hội hun đúc bản lĩnh và khẳng định khát vọng.
Và hôm nay, sau nửa thế kỷ đất nước liền một dải, những phép thử mới của thời đại lại đặt ra cho chúng ta những câu hỏi không dễ trả lời: Liệu chúng ta có vượt qua được phép thử của hội nhập, kinh tế số, tụt hậu ngày càng xa? Liệu ta có đủ bản lĩnh để không bị phân mảnh trong tư duy, không bị rơi vào lợi ích cục bộ, chủ nghĩa cá nhân? Liệu có xóa bỏ được những ranh giới trong nhận thức, trong khoảng cách vùng miền, điều kiện phát triển?
Lịch sử đã chứng minh một chân lý: dân tộc Việt Nam chiến thắng vì có khát vọng lớn và biết hành động đồng lòng vì tương lai chung của cả dân tộc. Trong bối cảnh mới, lịch sử một lần nữa đặt lên vai chúng ta trọng trách kế tục ánh sáng của khát vọng ấy. Không ai khác, chính thế hệ hôm nay và mai sau phải là người gìn giữ, bồi đắp và lan tỏa tinh thần đó bằng hành động thiết thực: học tập, lao động sáng tạo, cống hiến vì đất nước, vì Nhân dân. Khi mỗi công dân mang trong mình khát vọng dựng xây, khi cả dân tộc đồng lòng hành động vì lợi ích chung, thì không thế lực nào có thể ngăn bước Việt Nam đi tới tương lai.
Trần Đức Anh