Chiến thắng của ông Donald Trump trong cuộc bầu cử Mỹ không chỉ làm thay đổi cục diện chính trị mà còn mở ra một hướng đi mới cho ngành công nghiệp AI. Những quy định cứng rắn về AI của chính quyền Biden có thể sẽ sớm bị thay thế bởi các chính sách ít ràng buộc hơn từ chính quyền Trump.
Trong chiến dịch vận động của mình, ông Donald Trump đã nhiều lần chỉ trích cách tiếp cận của chính quyền Biden đối với AI.
Chính sách AI của dưới thời chính quyền Biden
Một trong những điểm quan trọng trong chính sách AI của chính quyền Biden là sắc lệnh hành pháp về AI, ban hành vào tháng 10-2023, nhằm thiết lập các hướng dẫn về phát triển và quản lý công nghệ AI tại Mỹ. Do Quốc hội chưa có động thái cụ thể để xây dựng luật quản lý, sắc lệnh này chủ yếu dựa trên các nguyên tắc tự nguyện, không bắt buộc.
Nội dung của sắc lệnh hướng tới việc thúc đẩy sử dụng AI trong nhiều lĩnh vực như y tế và quốc phòng, đồng thời đưa ra hướng dẫn giúp giảm thiểu rủi ro bảo mật và bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Một điểm đáng chú ý trong sắc lệnh là các quy định liên quan đến tính an toàn của các mô hình AI mạnh mẽ. Cụ thể, sắc lệnh yêu cầu các công ty phát triển các mô hình AI lớn phải báo cáo cách họ đào tạo, bảo vệ và kiểm tra tính an toàn của các mô hình này, bao gồm cả các thử nghiệm để phát hiện lỗ hổng bảo mật.
Ngoài ra, Bộ Thương mại Mỹ, thông qua Viện Tiêu chuẩn và Công nghệ Quốc gia (NIST), đã được yêu cầu soạn thảo hướng dẫn cho các công ty để giúp họ phát hiện và khắc phục các lỗi tiềm ẩn trong AI, bao gồm các định kiến có thể phát sinh.
Trong năm qua, Bộ Thương mại đã thành lập Viện An toàn AI Hoa Kỳ (AISI) để nghiên cứu các rủi ro trong hệ thống AI.
Phản đối của đảng Cộng hòa
Theo Techcrunch, sắc lệnh này đã vấp phải sự chỉ trích mạnh mẽ từ các thành viên đảng Cộng hòa, vốn cho rằng các yêu cầu trong sắc lệnh là quá nặng nề, thậm chí có thể cản trở sự phát triển của ngành AI.
Họ lập luận rằng yêu cầu các công ty báo cáo về cách thức bảo mật và phát triển AI có thể khiến các doanh nghiệp phải tiết lộ bí mật thương mại, gây tổn hại đến lợi thế cạnh tranh của họ.
Tại một phiên điều trần Hạ viện vào tháng 3, đại diện Nancy Mace (R-SC) đã nhận xét rằng các quy định trong sắc lệnh có thể làm nản lòng những nhà đổi mới tiềm năng, và "cản trở những đột phá kiểu ChatGPT".
Một số đảng viên Cộng hòa chỉ trích việc dùng Đạo luật Sản xuất Quốc phòng từ thập niên 1950 để điều chỉnh AI, cho rằng điều này thể hiện sự lạm quyền của hành pháp
Trong một phiên điều trần tại Thượng viện vào tháng 7, JD Vance, người được Trump lựa chọn làm Phó tổng thống Mỹ, đã bày tỏ quan ngại rằng các nỗ lực điều tiết có thể chỉ củng cố quyền lực của các tập đoàn công nghệ lớn, gây khó khăn cho các công ty khởi nghiệp.
Thượng nghị sĩ Ted Cruz (R-TX) và các đảng viên Cộng hòa khác thậm chí đã lên tiếng cáo buộc rằng NIST đang sử dụng việc thiết lập tiêu chuẩn an toàn AI để thúc đẩy quan điểm tự do về thông tin sai lệch, và định kiến trong xã hội.
Cruz chỉ trích chúng là một kế hoạch kiểm soát ngôn luận. Phe Cộng hòa đặc biệt lo ngại rằng những quy định này có thể dẫn đến việc áp đặt kiểm duyệt dựa trên quan điểm chính trị, gây ảnh hưởng đến việc tự do ngôn luận của người dân Mỹ.
Kế hoạch của ông Donald Trump
Về phần mình, Trump đã tuyên bố rõ ràng kế hoạch của ông khi trở lại Nhà Trắng: ngay trong ngày đầu tiên nhậm chức, ông sẽ bãi bỏ sắc lệnh AI của Biden và đặt lại các quy tắc theo hướng giảm thiểu tối đa sự can thiệp của chính phủ vào ngành AI.
Tại một cuộc diễn thuyết ở Iowa (Mỹ) vào tháng 12, Trump cam kết sẽ cấm việc sử dụng AI để kiểm duyệt ngôn luận của người dân Mỹ, nhấn mạnh rằng các quy định mới của ông sẽ bảo vệ quyền tự do ngôn luận, đồng thời tạo môi trường thuận lợi cho sự đổi mới và phát triển AI.
Chiến thắng của ông Donald Trump có thể thay đổi các chính sách về AI. Ảnh: TIỂU MINH/Canva
Chiến thắng của Donald Trump cùng kế hoạch thay đổi chính sách AI của ông có thể tạo ra bước ngoặt lớn cho ngành công nghiệp AI tại Mỹ. Với định hướng giảm thiểu sự can thiệp của chính phủ, Trump không chỉ cam kết bảo vệ quyền tự do ngôn luận mà còn tạo điều kiện cho các công ty công nghệ tự do phát triển.
Tuy nhiên, sự thiếu vắng các quy định bảo mật và an toàn cũng tiềm ẩn những nguy cơ nhất định. Liệu những thay đổi này sẽ thực sự thúc đẩy đột phá công nghệ, hay sẽ để lại những lỗ hổng an ninh khó lường? Tương lai AI của nước Mỹ hiện đang đứng trước ngã rẽ lớn.
Tiểu Minh