Chiến thắng phát xít năm 1945 tạo thời cơ lịch sử cho dân tộc Việt Nam

Chiến thắng phát xít năm 1945 tạo thời cơ lịch sử cho dân tộc Việt Nam
3 giờ trướcBài gốc
Nhân dịp kỉ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng chủ nghĩa phát xít (09/5/1945 - 09/5/2025), Báo điện tử Tiếng nói Việt Nam có cuộc trao đổi, phỏng vấn Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam.
Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu - Phó Viện trưởng Viện Chiến lược và Lịch sử quốc phòng Việt Nam
PV: Thưa Đại tá, PGS, TS Nguyễn Văn Sáu, ông có thể khái quát tầm vóc, ý nghĩa thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít năm 1945?
Đại tá Nguyễn Văn Sáu: Thắng lợi của cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít cách đây 80 năm (1945 - 2025) mãi là một mốc son trọng đại trong lịch sử thế giới, thể hiện trên một số nội dung cơ bản:
Thứ nhất, đã chấm dứt Chiến tranh thế giới thứ II. Đây là cuộc chiến tranh phi nghĩa, chiến tranh lớn nhất, tàn bạo nhất trong lịch sử nhân loại do chủ nghĩa phát xít trực tiếp phát động từ năm 1939 đến năm 1945, gây biết bao tổn thất, đau thương cho loài người. Theo thống kê, có khoảng 55 triệu người chết, hơn 20 triệu người bị tàn phế, thiệt hại vật chất hơn 316 tỷ USD...
Thứ hai, thắng lợi ấy đã làm thay đổi cục diện, tạo tiền đề quan trọng đưa thế giới bước sang thời kỳ phát triển mới. Đó là sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa lần đầu tiên trong lịch sử; thúc đẩy phong trào đấu tranh giải phóng dân tộc ở các nước thuộc địa và phụ thuộc giành độc lập; thúc đẩy phong trào đấu tranh vì hòa bình, dân sinh, dân chủ diễn ra mạnh mẽ ở các nước tư bản chủ nghĩa, góp phần củng cố, tăng cường hòa bình, tiến bộ xã hội.
Thứ ba, mở ra xu hướng hợp tác toàn cầu sâu rộng vì mục tiêu duy trì hòa bình và an ninh quốc tế, thúc đẩy quan hệ hữu nghị giữa các quốc gia, mà tiêu biểu nhất là sự ra đời và hoạt động của tổ chức Liên Hợp Quốc với những nguyên tắc nền tảng trong quan hệ quốc tế, đó là những nguyên tắc bình đẳng, độc lập chủ quyền giữa các quốc gia và quyền dân tộc tự quyết; tôn trọng toàn vẹn lãnh thổ và độc lập chính trị của tất cả các nước; không can thiệp vào công việc nội bộ của bất kỳ nước nào; giải quyết các tranh chấp quốc tế bằng biện pháp hòa bình, tôn trọng luật pháp quốc tế...
PV: Có nhiều nhân tố dẫn đến thắng lợi lịch sử đó, vậy theo ông đâu là nhân tố chủ yếu, đóng vai trò nòng cốt?
Đại tá Nguyễn Văn Sáu: Đây là thắng lợi vĩ đại của các lực lượng tiến bộ và yêu chuộng hòa bình trên toàn thế giới, trong đó phải khẳng định vai trò, đóng góp to lớn mang yếu tố quyết định của Đảng Cộng sản và nhân dân Liên Xô. Tại Mặt trận chính Xô - Đức (Châu Âu), Quân đội Liên Xô giữ vai trò nòng cốt tiêu diệt phát xít Đức, trực tiếp loại khỏi vòng chiến đấu 607 sư đoàn với 10 triệu binh lính (chiếm 74,6% tổng thiệt hại của quân đội phát xít Đức).
Liên Xô đã giải phóng được 13 nước, thúc đẩy hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa Đông Âu. Tại Châu Á, Quân đội Liên Xô đóng vai trò nòng cốt tiêu diệt hơn 1 triệu quân Quan Đông (của phát xít Nhật), góp phần trực tiếp buộc chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng vô điều kiện.
Lập nên những chiến công vĩ đại ấy, Liên Xô cũng phải chịu những hy sinh và tổn thất nặng nề: 27 triệu người chết, 1.710 thành phố, hơn 70.000 làng mạc, gần 32.000 xí nghiệp bị tàn phá nặng nề.
80 năm đã trôi qua, song vai trò của nhân dân và Hồng quân Liên Xô - trong chiến thắng chủ nghĩa phát xít sẽ mãi mãi được nhắc đến trong lịch sử nhân loại, với những tác động to lớn đối với sự phát triển của dòng chảy lịch sử, sự phát triển của phong trào cách mạng thế giới vì hòa bình, độc lập, dân chủ, quyền tự quyết của các dân tộc và giá trị nhân văn cao cả, và sự phát triển của lịch sử, tạo ra những nhân tố thời đại loại trừ chiến tranh thế giới ra khỏi đời sống loài người.
Người lính Hồng quân Liên Xô giương cao lá cờ búa liềm trên nóc tòa nhà Quốc hội ở Berlin, đánh dấu sự sụp đổ của Đức Quốc xã. (Ảnh tư liệu)
PV: Việc chiến thắng chủ nghĩa phát xít năm 1945 có ý nghĩa như thế nào đối với phong trào cách mạng Việt Nam?
Đại tá Nguyễn Văn Sáu: Chiến thắng phát xít năm 1945 cũng tạo ra thời cơ lịch sử “chín muồi” cho dân tộc Việt Nam. Ngày 9/3/1945, Nhật đảo chính Pháp để độc chiếm Đông Dương. Trước tình thế đó, Đảng Cộng sản Đông Dương đã phát động Cao trào kháng Nhật, cứu nước nhằm chuẩn bị những tiền đề tiến tới Tổng khởi nghĩa giành chính quyền.
Đến ngày 14/8/1945, Chính phủ Nhật tuyên bố đầu hàng quân Đồng minh vô điều kiện. Quân Nhật và chính phủ bù nhìn tay sai ở Đông Dương hoang mang cực độ, rơi vào tình trạng tê liệt. Chớp thời cơ “ngàn năm có một”, dưới sự lãnh đạo của Đảng, đứng đầu là lãnh tụ Hồ Chí Minh, nhân dân Việt Nam tiến hành Tổng khởi nghĩa giành chính quyền, làm nên thắng lợi vĩ đại của cuộc Cách mạng Tháng Tám năm 1945, lập ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa (2/9/1945), mở ra kỷ nguyên mới - Kỷ nguyên độc lập dân tộc gắn liền với chủ nghĩa xã hội.
Đồng thời, nếu nhìn sâu rộng hơn có thể thấy: Chiến thắng chủ nghĩa phát xít năm 1945 trực tiếp dẫn đến sự hình thành hệ thống các nước xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy phong trào cách mạng giải phóng dân tộc, phong trào dân sinh và dân chủ của nhân dân tiến bộ thế giới; trong đó có nhân dân Mỹ, nhân dân Pháp...
Chính hệ thống các nước XHCN cùng với phong trào cách mạng này đã tích cực ủng hộ, giúp đỡ chi viện cho nhân dân Việt Nam tiến hành các cuộc kháng chiến trường kỳ gian khổ, góp phần quan trọng đưa cách mạng Việt Nam đi đến thắng lợi vẻ vang.
Chiến thắng phát xít năm 1945 tạo ra thời cơ cho dân tộc Việt Nam thực hiện thắng lợi cuộc Cách mạng Tháng Tám. (Ảnh: Tư liệu)
PV: Trong bối cảnh thế giới có nhiều biến động, diễn biến phức tạp, bài học kinh nghiệm và giá trị cốt lõi của chiến thắng chủ nghĩa phát xít năm 1945 đối với hiện nay là gì thưa ông?
Đại tá Nguyễn Văn Sáu: Thế giới đang đứng trước nhiều biến động phức tạp, khó dự báo. Đây là thời điểm bước ngoặt, dần định hình một trật tự mới theo hướng đa cực, đa trung tâm với đặc trưng là tính bất ổn và bất trắc gia tăng. Hòa bình, hợp tác và phát triển vẫn là xu thế lớn, là nguyện vọng chung của các quốc gia, dân tộc; song đứng trước nhiều thách thức, trở ngại hơn do tác động của cạnh tranh các nước lớn, chủ nghĩa bá quyền, chính trị cường quyền và tác động của mặt trái toàn cầu hóa, khoa học - công nghệ, an ninh phi truyền thống.
Một điểm đặc biệt đáng lưu ý là, trong những năm gần đầy đã xuất hiện những quan điểm phủ nhận lịch sử “viết lại lịch sử”, bóp méo, xuyên tạc sự thật hòng hạ thấp giá trị, ý nghĩa của chiến thắng phát xít; xóa bỏ vai trò của Hồng quân và nhân dân Liên Xô đã anh dũng chiến đấu hy sinh để bảo vệ thế giới khỏi thảm họa phát xít; phủ nhận những giá trị của văn hóa hòa bình; tôn vinh chủ nghĩa phát xít.
Bài học kinh nghiệm quý báu từ cuộc chiến tranh chống chủ nghĩa phát xít cho thấy, nếu các quốc gia không đoàn kết lại để chống chủ nghĩa phát xít, thế giới sẽ tiếp tục rơi vào vòng xoáy chiến tranh, chết chóc và hủy diệt. Sự đoàn kết quốc tế, đoàn kết giữa các nước lớn và nhỏ, giữa các dân tộc trên thế giới là yếu tố then chốt giúp đánh bại chủ nghĩa phát xít trong Chiến tranh thế giới thứ II. Việc ghi nhớ và duy trì tinh thần đoàn kết này là rất cần thiết để ngăn chặn sự trỗi dậy trở lại của chủ nghĩa phát xít dưới bất kỳ hình thức nào.
PV: Xin trân trọng cảm ơn ông!
PV/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/chien-thang-phat-xit-nam-1945-tao-thoi-co-lich-su-cho-dan-toc-viet-nam-post1197984.vov