Chiến thắng Phước Long: Lời nhắn gửi từ những khoảnh khắc lịch sử không thể quên

Chiến thắng Phước Long: Lời nhắn gửi từ những khoảnh khắc lịch sử không thể quên
5 giờ trướcBài gốc
Bước thử lửa quyết định của cách mạng
Trong lịch sử đấu tranh chống Mỹ cứu nước của dân tộc Việt Nam, chiến thắng chiến dịch Đường 14 – Phước Long (13/12/1974 – 6/1/1975) là dấu mốc mang tầm vóc chiến lược, mở đầu cho cuộc Tổng tiến công và nổi dậy mùa Xuân năm 1975.
Bộ đội chủ lực tiến công giải phóng cứ điểm Bộ Chỉ huy cảnh sát ngụy ở Phước Long (ảnh tư liệu)
Lần đầu tiên ở miền Nam, một tỉnh hoàn toàn được giải phóng. Đây không chỉ là thắng lợi về quân sự mà còn là "đòn trinh sát chiến lược" có ý nghĩa đặc biệt, góp phần quan trọng để Bộ Chính trị, Trung ương Đảng hạ quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước.
Ngay sau khi nhận được báo cáo từ chiến trường, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương đã có những phân tích, đánh giá toàn diện. Phước Long – với vị trí địa lý giáp ranh thủ phủ Sài Gòn (TP.HCM ngày nay), là khu vực nhạy cảm về chính trị.
Từ đó, Bộ Chính trị chủ trương các hoạt động quân sự tại đây phải được tiến hành một cách thận trọng, từng bước chắc chắn, nhằm vừa đảm bảo thắng lợi, vừa thăm dò phản ứng của chính quyền Sài Gòn và Mỹ.
Theo chỉ đạo từ Trung ương, lực lượng vũ trang không sử dụng xe tăng và pháo lớn (loại 130mm), không đồng loạt tiến công cả hai hướng Đồng Xoài và Bù Đăng. Thay vào đó, Bộ Chỉ huy Miền tập trung lực lượng phù hợp, chọn hướng Bù Đăng – nơi địch bố phòng mỏng và yếu – làm hướng đột phá chủ yếu.
Bộ đội chủ lực truy kích địch trong thị xã Phước Long, ngày 5/1/1975. Ảnh tư liệu
Chấp hành mệnh lệnh, Bộ Chỉ huy Miền điều chỉnh kế hoạch tác chiến, giao Quân đoàn 4 sử dụng Sư đoàn 3 chủ lực phối hợp với lực lượng vũ trang địa phương mở đợt tiến công giải phóng Bù Đăng. Đồng thời, bố trí một bộ phận lực lượng ở hướng Đồng Xoài để sẵn sàng phát triển thế tiến công khi tình hình cho phép.
Chiến thắng Phước Long đã chứng minh năng lực tổ chức, điều hành chiến dịch của lực lượng vũ trang cách mạng và sự lãnh đạo đúng đắn, kịp thời của Bộ Chính trị, Quân ủy Trung ương. Đây cũng là cột mốc có tính quyết định trong việc tạo đà, tạo thế cho đại thắng mùa Xuân năm 1975, kết thúc vẻ vang cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước của dân tộc.
Chiến dịch được triển khai theo 3 đợt: Đợt 1 (13-17/12/1974) đánh chiếm các đồn bốt và làm chủ khu vực Bù Đăng; Đợt 2 (23-28/12/1974) giải phóng Đồng Xoài; Đợt 3 (31/12/1974 - 6/1/1975) tiến công và giải phóng thị xã Phước Long.
Dưới sự chỉ đạo linh hoạt, sáng suốt của Bộ Chỉ huy Miền, với sự phối hợp nhịp nhàng giữa các sư đoàn chủ lực (Sư đoàn 3, 7, 9) và lực lượng vũ trang địa phương, chiến dịch kết thúc thắng lợi, đánh tan tuyến phòng thủ phía bắc Sài Gòn, mở rộng vùng giải phóng trên địa bàn chiến lược.
Kết thúc chiến dịch, quân ta tiêu diệt và bắt sống hàng trăm tên địch, thu 5.000 súng các loại, 10.000 quả đại bác, bắn rơi 5 máy bay và phá vỡ hoàn toàn phòng tuyến phía bắc Sài Gòn – thành lũy quan trọng của chế độ Sài Gòn cũ.
Ông Đoàn Ngọc Châu (77 tuổi, ngụ khu phố 2, phường Long Thủy, thị xã Phước Long" từng có 14 năm cầm súng chiến đấu, ông tham gia hàng chục trận đánh tại chiến trường Phước Long.
Thành công của chiến dịch còn mang dấu ấn sâu đậm từ lòng dân. Ông Đoàn Ngọc Châu (77 tuổi, phường Long Thủy, thị xã Phước Long), là một trong những nhân chứng lịch sử, từng có 14 năm cầm súng chiến đấu.
Ông vẫn nhớ như in giây phút lá cờ giải phóng tung bay trên bầu trời Phước Long – niềm vui vỡ òa không chỉ của những người lính mà cả đồng bào các dân tộc địa phương, những người đã góp sức làm nên chiến thắng Đường 14 – Phước Long.
Ông Nguyễn Văn Thỏa, nguyên Đội trưởng Đội biệt động Bà Rá (giai đoạn 1972–1975), là một trong những nhân chứng sống của những năm tháng chiến đấu gian khổ tại Phước Long.
Ông kể, để xây dựng nơi đây thành căn cứ cách mạng, đồng thời mở đường hành lang chiến lược Bắc – Nam nối Phước Long với Nam Đắk Lắk, Tỉnh ủy đã thành lập đội vũ trang tuyên truyền vào vùng đồng bào S'tiêng ở Sóc Bom Bo. Nhờ vận động hiệu quả, người dân nơi đây trở thành cơ sở cách mạng vững chắc.
Chính nhờ "dựa vào dân, gần dân, lấy dân làm gốc", cán bộ, chiến sĩ Đội biệt động Bà Rá luôn được che chở, bảo vệ trong suốt quá trình hoạt động. Theo ông Thỏa, đây là bài học quý giá cho mọi giai đoạn cách mạng: "Phải để dân nghe, dân tin, dân làm theo".
Di sản lịch sử
Chiến thắng chiến dịch Đường 14 – Phước Long không chỉ là dấu mốc lịch sử vẻ vang của dân tộc, mà còn là niềm tự hào lớn của quân và dân tỉnh Bình Phước. Đây là lần đầu tiên quân ta giải phóng hoàn toàn một tỉnh miền Nam – vốn là "cửa ngõ" quân khu 3 của địch, có nhiệm vụ bảo vệ Sài Gòn.
Các cựu chiến binh về thăm lại chiến trường xưa tại Bảo tàng Chiến dịch đường 14 – Phước Long: (Ảnh tư liệu)
Chiến thắng mang tính chiến lược này chứng minh bước trưởng thành vượt bậc của lực lượng vũ trang cách mạng về mọi mặt: chính trị, tư tưởng, ý chí và nghệ thuật quân sự. Đặc biệt, đây được xem là "đòn trinh sát chiến lược" góp phần quan trọng giúp Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương xác lập quyết tâm giải phóng hoàn toàn miền Nam, thống nhất đất nước ngay trong năm 1975.
Bảo tàng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, do ông Nguyễn Hùng Minh, quản lý Bảo tàng chia sẻ, ngày càng thu hút đông đảo du khách, đặc biệt là các thế hệ trẻ và học sinh. Đây là điểm đến lý tưởng để tìm hiểu về Chiến thắng Phước Long và sự phát triển của địa phương qua các thời kỳ.
Bảo tàng hiện trưng bày nhiều hiện vật chiến tranh, bao gồm máy bay C123 và F5E, xe tăng T34 và M48, pháo 105mm, cùng với hình ảnh, hiện vật và sa bàn tái hiện các trận đánh và mũi tiến công của quân và dân ta. Ngoài ra, khu trưng bày còn vinh danh những dấu ấn lịch sử của nhà tù Bà Rá và cuộc đời hoạt động cách mạng của Thiếu tướng Nguyễn Thị Định.
Theo ông Vũ Thanh Ngữ, Phó Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bình Phước, bảo tàng không chỉ phản ánh quá trình chuẩn bị, diễn biến và kết quả chiến dịch, mà còn giới thiệu về lịch sử, văn hóa và con người Phước Long qua các giai đoạn chiến tranh, cũng như những thành tựu sau ngày đất nước thống nhất.
Chiến thắng Đường 14 - Phước Long là một sự kiện lịch sử to lớn, thể hiện sự hy sinh, dũng cảm của các thế hệ đi trước trong cuộc đấu tranh giành độc lập và thống nhất đất nước.
Tượng đài Phước Long chiến thắng là "địa chỉ đỏ" giáo dục truyền thống cho thế hệ trẻ. (Ảnh: Tư liệu).
Nhân dịp kỷ niệm 50 năm Chiến thắng Chiến dịch Đường 14 - Phước Long, ông Trần Hoàng Trực, Bí thư Tỉnh đoàn Bình Phước nhấn mạnh, tuổi trẻ tỉnh sẽ tiếp tục phát huy vai trò trong công tác tuyên truyền, giáo dục truyền thống cho đoàn viên, thanh niên. Các hoạt động về nguồn, hành trình đến "địa chỉ đỏ" và các chương trình tìm hiểu lịch sử sẽ được duy trì, qua đó góp phần xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, giữ vững tổ chức Đoàn mạnh mẽ về tư tưởng, chính trị và hành động.
Nguyễn Văn Khánh
Nguồn Người Đưa Tin : https://nguoiduatin.vn/chien-thang-phuoc-long-loi-nhan-gui-tu-nhung-khoanh-khac-lich-su-khong-the-quen-204250414141725428.htm