Diễn tập kỷ niệm 80 năm Chiến thắng trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại tại Quảng trường Đỏ, ngày 5/5. (Nguồn: Tân Hoa xã)
Tại Liên bang Nga và nhiều quốc gia hậu Xô viết, Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại không chỉ là một phần của Thế chiến II mà còn là bản hùng ca về tinh thần dân tộc, là sự huy động toàn diện của một xã hội để đánh bại chủ nghĩa quân phiệt.
Hy sinh và chiến thắng
Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại bắt đầu rạng sáng 22/6/1941 khi Đức quốc xã phát động chiến dịch Barbarossa xâm lược Liên Xô. Cuộc chiến nhanh chóng trở thành tổng lực, huy động toàn xã hội Xô viết, từ chiến trường đến hậu phương.
Trong tác phẩm Khi những người khổng lồ đụng độ: Hồng quân Liên Xô đã ngăn chặn Hitler như thế nào (1995) của nhà sử học người Mỹ David M. Glantz, ông ước tính, năm đầu, Hồng quân chịu tổn thất nặng nề với hơn ba triệu binh sĩ bị bắt, nhiều thành phố trọng yếu thất thủ, Leningrad bị vây gần 900 ngày khiến khoảng 800.000 người thiệt mạng. Tuy nhiên, mùa Đông 1941–1942, Liên Xô giành bước ngoặt khi đẩy lùi quân Đức tại cửa ngõ Moscow.
Năm 1942, phát xít Đức mở chiến dịch Blau nhằm chiếm Stalingrad và vùng dầu mỏ Caucasus. Trận Stalingrad trở thành biểu tượng kháng chiến, kết thúc với thất bại của Tập đoàn quân số 6 Đức. Mùa Hè 1943, Hồng quân tiếp tục thắng lớn tại Kursk – trận chiến xe tăng lớn nhất lịch sử – mở ra thế chủ động cho Liên Xô.
Từ năm 1944, Liên Xô mở hàng loạt chiến dịch phản công lớn. Chiến dịch Bagration (tháng 6-8/1944) quét sạch Tập đoàn quân trung tâm Đức tại Belarus, tiến vào lãnh thổ Ba Lan. Tiếp đó là chiến dịch giải phóng các nước Đông Âu như Romania (tháng 8-10/1944), Hungary (chiến dịch Budapest từ tháng 10/1944 - 2/1945), Bulgaria (tháng 9/1944) và Tiệp Khắc (sau này là CH Czech, tháng 4-5/1945). Đỉnh điểm là Chiến dịch Berlin (tháng 4-5/1945), khi Hồng quân tấn công thủ đô Đức và buộc Adolf Hitler phải tự sát, kết thúc chiến tranh tại châu Âu.
Từ năm 1941 đến Ngày Chiến thắng, mặt trận Xô - Đức là chiến trường khốc liệt nhất Thế chiến II. Theo sử gia Anh Antony Beevor, đây là nơi diễn ra những trận đánh đẫm máu và ác liệt nhất lịch sử, vượt xa các mặt trận khác về quy mô và mức độ tàn phá.
Thiệt hại trực tiếp từ các hoạt động quân sự lên tới gần 27 triệu người, thiệt hại gián tiếp (do đói kém, bệnh tật) là gần 6,5 triệu người. Khoảng 8 triệu trẻ em đã tử vong. Ước tính tổng số thiệt hại nhân khẩu (trực tiếp và gián tiếp) của Liên Xô lên tới gần 50 triệu người.
Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres từng phát biểu trong thông điệp nhân kỷ niệm 75 năm Ngày Chiến thắng (năm 2020): “Chúng ta phải luôn ghi nhớ những hy sinh to lớn của nhân dân Liên Xô trong cuộc chiến chống chủ nghĩa phát xít - một minh chứng về lòng dũng cảm và sức mạnh đoàn kết trong thời khắc đen tối nhất của nhân loại”.
Biểu tượng và ký ức
Sau khi Đức ký văn kiện đầu hàng vào đêm mùng 8, rạng sáng 9/5/1945 theo giờ Moscow, ngày 9/5 được tuyên bố trở thành Ngày Chiến thắng tại Nga và nhiều nước hậu Xô viết.
Tại Nga, Ngày Chiến thắng không chỉ là dịp tưởng niệm mà còn là biểu tượng của niềm tự hào dân tộc, củng cố bản sắc quốc gia và truyền thống yêu nước qua nhiều thế hệ. Ngày 28/4, TASS dẫn kết quả cuộc thăm dò dư luận do Trung tâm Nghiên cứu dư luận công chúng Nga (VCIOM) thực hiện cho hay, phần lớn người Nga (98%) tin rằng việc lưu giữ ký ức về Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là điều quan trọng.
Ký ức của cuộc chiến còn được gìn giữ qua nhiều thế hệ thông qua văn học, điện ảnh và giáo dục. Phim tài liệu Cuộc chiến tranh chưa từng có (The Unknown War, 1978) là loạt phim hợp tác Mỹ - Liên Xô dài 20 tập, do Burt Lancaster (1913-1994) - một diễn viên và nhà sản xuất phim lừng danh Hollywood trong thế kỷ XX - dẫn chuyện, lần đầu tiên mang đến cho công chúng phương Tây cái nhìn toàn diện về Mặt trận phía Đông. Hay tiểu thuyết được sáng tác vào đầu những năm 1960 có tên Sống và số phận của Vasily Grossman (1905–1964), phóng viên chiến trường của báo Krasnaya Zvezda (Sao Đỏ), được ví như Chiến tranh và hòa bình của thế kỷ XX, phản ánh cả sự khốc liệt của trận Stalingrad và sự va chạm giữa hai hệ tư tưởng toàn trị - phát xít và Stalinist. Trong giáo dục phổ thông tại Nga, lịch sử Chiến tranh Vệ quốc là một trong những nội dung cốt lõi, được đưa vào giảng dạy bắt buộc nhằm nuôi dưỡng lòng yêu nước cho thế hệ trẻ.
Năm 2025, Nga tổ chức lễ diễu binh quy mô lớn tại Quảng trường Đỏ, với sự tham gia của lực lượng quân đội và đại diện từ hơn 20 quốc gia, trong đó có đoàn Quân đội nhân dân Việt Nam. Các hoạt động kỷ niệm kéo dài từ ngày 8-11/5, bao gồm lễ đặt vòng hoa, triển lãm lịch sử và chương trình nghệ thuật.
Tại các quốc gia thuộc Liên Xô cũ, Ngày Chiến thắng cũng được tưởng niệm rộng rãi và mang màu sắc văn hóa riêng biệt. Ở Belarus, Kazakhstan, Armenia và Kyrgyzstan, ngày 9/5 vẫn là ngày lễ quốc gia với các nghi lễ diễu binh, đặt vòng hoa và biểu diễn nghệ thuật.
Tại Ukraine, trong bối cảnh xung đột và định hướng chính trị thay đổi, chính quyền đổi tên ngày 9/5 thành “Ngày Tưởng niệm và Chiến thắng chủ nghĩa phát xít” trong một số giai đoạn và từ năm 2023, chuyển sang kỷ niệm Ngày Chiến thắng châu Âu (8/5) thay vì ngày 9/5.
Tại các nước Baltic như Estonia, Latvia và Lithuania, các hoạt động tưởng niệm bị giới hạn trong cộng đồng người gốc Nga và thường chịu sự giám sát chặt chẽ do yếu tố lịch sử và căng thẳng chính trị. Dù cách tiếp cận và diễn giải lịch sử có khác biệt tùy chính sách quốc gia, nhiều nơi vẫn giữ gìn các nghĩa trang liệt sĩ và tượng đài Hồng quân như một phần ký ức không thể xóa nhòa của thế kỷ XX.
Quân dự bị động viên của Liên Xô ra mặt trận, ngày 23/6/1941. Tấm bảng đính trên cây ghi dòng chữ: “Chính nghĩa thuộc về chúng ta. Kẻ thù sẽ bị tiêu diệt. Chiến thắng sẽ thuộc về chúng ta”. (Nguồn: RIA)
Di sản và tương lai
Trong bài viết Về tầm quan trọng của những bài học từ Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại đối với việc đảm bảo an ninh quốc gia trong điều kiện địa chính trị hiện đại, đăng tải trên tờ báo của chính phủ Nga Rossiyskaya Gazeta ngày 6/5, Thư ký Hội đồng An ninh nước này Sergei Shoigu nhận định, năm 1945 không chỉ là năm của Chiến thắng vĩ đại mà còn là đỉnh cao của nghệ thuật quân sự Liên Xô, sự vượt trội của nó đã được tất cả những người đương thời công nhận.
Sau trận Stalingrad (1942-1943), trong các thư từ trao đổi giữa Tổng thống Mỹ Franklin Delano Roosevelt (1882-1945) và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Liên Xô kiêm Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng Joseph Vissarionovich Stalin (1878-1953), nhà lãnh đạo Mỹ khi đó đã bày tỏ sự khâm phục trước những hy sinh to lớn và chiến công của Hồng quân. Ông từng viết rằng, thắng lợi ở Stalingrad là bước ngoặt vĩ đại của cuộc chiến và việc đánh bại “kẻ thù hùng mạnh nhất” là một chiến công sử thi.
Đối với Việt Nam, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết, chiến thắng của Liên Xô trong Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại là nguồn cổ vũ, động viên to lớn và cũng là tiền đề quan trọng để nhân dân Việt Nam, dưới sự lãnh đạo của Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh, vùng lên tiến hành tổng khởi nghĩa, giành chính quyền thành công.
Tháng 11/1943, tại Hội nghị Tehran, Vua George VI của Anh cho chế tác một thanh kiếm đặc biệt để tặng nhân dân Stalingrad. Thanh kiếm dài hơn 1m, được rèn thủ công, khắc dòng chữ: “Gửi những công dân trái tim thép của Stalingrad, món quà từ Vua George VI, như một biểu hiện của lòng kính trọng từ nhân dân Anh”. Thủ tướng Winston Churchill đã đích thân trao tặng thanh kiếm cho Tổng Bí thư Stalin, dưới sự chứng kiến của Tổng thống Mỹ Roosevelt.
Nhìn từ hiện đại, trong một bài phỏng vấn năm 2015, Giáo sư người Canada Margaret MacMillan, chuyên gia sử học quốc tế thuộc Đại học Oxford, nhận định: “Nếu không có những hy sinh to lớn của Liên Xô trên mặt trận phía Đông, chiến thắng của phe Đồng minh tại châu Âu sẽ khó có thể đạt được đúng thời điểm như đã diễn ra”. Trong khi đó, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phát biểu tại sự kiện tưởng niệm ở Paris ngày 8/5/2023: “Chúng ta không thể tách rời lịch sử thế kỷ XX khỏi những cống hiến của Hồng quân trong việc đập tan chế độ Đức quốc xã. Hòa bình châu Âu hôm nay được xây dựng trên máu và lòng dũng cảm của hàng triệu người Xô viết”.
Gần đây, phát biểu tại Diễn đàn quốc tế Di sản vĩ đại - tương lai chung ngày 28/4 ở Nga, Tổng thống Vladimir Putin khẳng định, Ngày Chiến thắng là ngày lễ thiêng liêng đối với toàn thể nước Nga và các quốc gia hậu Xô viết khác. “Trong chiến tranh, nhân dân chúng ta đã cùng nhau chịu đựng những thử thách khắc nghiệt nhất, bảo vệ nền độc lập và tương lai của mình. Đánh bại chủ nghĩa Quốc xã là di sản chung của chúng ta”, nhà lãnh đạo nói rõ.
Kỷ niệm 80 năm Ngày Chiến thắng là dịp để tưởng nhớ những hy sinh to lớn và khẳng định giá trị của hòa bình. Trong bối cảnh thế giới hiện nay, việc học hỏi từ quá khứ và gìn giữ ký ức lịch sử là trách nhiệm chung của nhân loại nhằm xây dựng một tương lai hòa bình và thịnh vượng.
Như lời Đại sứ Nga tại Việt Nam Bezdetko Gennady Stepanovich phát biểu vào dịp kỷ niệm Ngày Chiến thắng năm 2024, thế giới đã, đang và sẽ có nhiều thay đổi, nhưng chiến thắng vĩ đại trong Thế chiến II và vai trò quyết định của Liên Xô trong việc cứu người dân khỏi thảm họa phát xít mãi mãi là chân lý trong lịch sử nhân loại. Việc tưởng nhớ về những thời khắc lịch sử ấy là điều thiêng liêng, là sự bảo đảm rằng những hy sinh để giành được độc lập, tự do không hề vô ích.
Hoàng Hà