Bác Hồ xem sơ đồ chiến lệ trận Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu
Chiến tranh càng lùi xa là khoảng thời gian chúng ta nhìn nhận về những đóng góp, tầm vóc, vai trò, ý nghĩa của quân và dân Tiền Giang trong cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước với những nét nổi bật. Trước hết, cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước ở Tiền Giang là cuộc chiến tranh nhân dân toàn dân, toàn diện; là tỉnh có địa bàn chiến lược, tranh chấp quyết liệt giữa ta và địch ở chiến trường Đồng bằng sông Cửu Long.
Bởi lẽ, Tiền Giang nằm ở cửa ngõ phía Tây Nam Sài Gòn - trung tâm đầu não chính trị, quân sự của chính quyền Sài Gòn lúc bấy giờ; là địa bàn kết nối giữa miền Tây Nam bộ với vùng Đông Nam bộ, đặc biệt là với các tỉnh: Long An, Bến Tre, Đồng Tháp - những nơi diễn ra nhiều hoạt động quân sự lớn trong giai đoạn cuối của cuộc chiến tranh.
Đồng thời, từ Quốc lộ 1A chạy qua tỉnh Tiền Giang - là tuyến huyết mạch từ miền Tây lên Sài Gòn, đóng vai trò quan trọng trong việc vận chuyển người, vũ khí, hậu cần trong thời gian chiến tranh.
Các chiến sĩ Tiểu đoàn Mỹ Tho đánh thắng trận Ấp Bắc được mang tên Tiểu đoàn Ấp Bắc. Ảnh: Tư liệu
Đặc biệt, trong thời kỳ kháng chiến chống đế quốc Mỹ, quân và dân 2 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và TP. Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang) luôn giữ vững tinh thần đấu tranh, liên tục tiến công, từ đấu tranh chính trị tiến lên chiến tranh cách mạng, kết hợp tiến công và nổi dậy, hoàn thành mọi nhiệm vụ chính trị của cách mạng, lập nhiều chiến công hiển hách, tiêu biểu như: Mở màng là Chiến thắng Ấp Bắc năm 1963 - là trận đầu đánh bại chiến thuật “trực thăng vận”, “thiết xa vận”; mở ra khả năng mới cho cách mạng miền Nam tiến lên đánh thắng hoàn toàn chiến lược “Chiến tranh đặc biệt” của Mỹ và quân đội Sài Gòn; Chiến thắng Ba Rài năm 1967 không chỉ là trận đột phá có tính chất quyết định đánh thắng chiến thuật “Hạm đội nhỏ trên sông” của lực lượng hỗn hợp hải, lục quân, có không quân, pháo binh yểm trợ của địch, nhằm giành thắng lợi trong chiến lược “Chiến tranh cục bộ” trên địa bàn này, mà còn có tính chất mở đường đột phá trong cách thức đánh quân viễn chinh Mỹ với hình thức chiến thuật mới của quân giải phóng.
Thắng lợi nối tiếp thắng lợi, quân và dân ta từng bước làm nên những chiến công lẫy lừng đánh thắng giặc Mỹ và quân đội Sài Gòn tại vùng “vành đai Bình Đức - vành đai diệt Mỹ” trong những năm 1966 - 1969.
Nơi ấy, trở thành một áp lực lớn, nỗi kinh hoàng của quân đội Mỹ trong quá trình tham chiến ở miền Nam Việt Nam, góp phần làm phá sản chiến lược “Chiến tranh cục bộ” của Mỹ, tạo bước phát triển mới để quân và dân ta thực hiện thắng lợi Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử ngày 30-4-1975.
Tiếp đó, là các cuộc tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân năm 1968; Chiến dịch tổng hợp Xuân Hè năm 1972 của quân dân Mỹ Tho - Gò Công; mở mảng chuyển vùng giải phóng Chợ Gạo năm 1974; Chiến thắng Ngã Sáu - Bằng Lăng, huyện Cái Bè tháng 3-1975…
Tất cả những chiến thắng ấy đã tạo thế và lực vững chắc, để quân và dân ta vững bước tiến vào Cuộc tổng tiến công và nổi dậy giải phóng 2 tỉnh Mỹ Tho, Gò Công và TP. Mỹ Tho (nay là tỉnh Tiền Giang), góp phần cùng cả nước đánh bại các chiến lược chiến tranh của Mỹ và chính quyền Sài Gòn, giải phóng miền Nam, thống nhất nước nhà.
LÊ NGUYÊN