Vụ án trên xảy ra tại Dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết, tỉnh Bình Thuận. 17 bị cáo trong vụ án này cùng bị truy tố và đưa ra xét xử về tội “Vi phạm quy định về quản lý, sử dụng tài sản nhà nước gây thất thoát, lãng phí”, theo quy định tại khoản 3 Điều 219 Bộ luật Hình sự 2015.
Quang cảnh phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên.
Trong phần tranh luận, hầu hết các bị cáo đều thừa nhận hành vi vi phạm như cáo trạng nêu và đưa ra nhiều tình tiết giảm nhẹ, đề nghị HĐXX xem xét, cho các bị cáo được hưởng khoan hồng của pháp luật.
Tự bào chữa tại tòa, bị cáo Lê Tiến Phương cho biết, dự án Khu đô thị du lịch biển Phan Thiết được triển khai trong bối cảnh đặc biệt khi Luật Đất đai 2013 vừa có hiệu lực thi hành, địa phương vừa nghiên cứu vừa thực hiện nên còn nhiều lúng túng, hạn chế ở nhiều khâu của các cơ quan chuyên môn. Trong khi đó, phương pháp xác định giá phụ thuộc rất nhiều vào năng lực, kinh nghiệm của thẩm định viên về giá.
Tuy nhiên, theo bị cáo Lê Tiến Phương, công việc của cơ quan nhà nước đều có sự phân cấp và quy định trách nhiệm của từng vị trí. Bản thân bị cáo cũng chịu sự phân cấp đó và thừa nhận mình còn hạn chế trong lĩnh vực xác định giá đất theo phương pháp thặng dư. Song, trước những áp lực trong việc thu ngân sách cũng như những áp lực thực hiện hóa mục tiêu, phải đưa dự án sớm đi vào hoạt động… đã khiến bị cáo mong muốn đẩy nhanh thực hiện với mục tiêu xây dựng khu đô thị văn minh, hiện đại, đáng sống mà không phát hiện được ra những vi phạm như sau này Cơ quan điều tra và Viện kiểm sát đã chỉ ra cho bị cáo.
Các Kiểm sát viên đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên.
“Từ những trình bày nêu trên, tôi kính mong HĐXX và Viện kiểm sát cân nhắc, xem xét cho tôi và các bị cáo trong vụ án này để đưa ra mức án cho tôi và các bị cáo có điều kiện chấp hành, sớm được trở về với gia đình và trở thành công dân có ích trong quãng đời còn lại”, bị cáo Phương đề nghị.
Xem xét bối cảnh, nguyên nhân, điều kiện phạm tội của các bị cáo, đại diện VKSND TP Hà Nội thực hành quyền công tố và kiểm sát xét xử tại phiên tòa cũng nhận định, thời điểm xảy ra vụ án năm 2014-2015, Bình Thuận là một tỉnh nghèo, đời sống nhân dân còn nhiều khó khăn. Do vậy, chủ trương thu hút các nhà đầu tư để phát triển kinh tế là chủ trương đúng đắn được nhân dân ủng hộ, trong đó có nhà đầu tư là Công ty CP Rạng Đông. Nguồn thu lớn cho sự phát triển kinh tế của tỉnh Bình Thuận thời điểm đó là nguồn thu từ việc thực hiện nghĩa vụ tài chính về đất đai chiếm phần quan trọng trong tổng thu Ngân sách trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh Bình Thuận thường xuyên chỉ đạo các Sở, Ngành triển khai các giải pháp tăng thu Ngân sách Nhà nước. Trong bối cảnh đó, cũng phần nào tạo áp lực cho lãnh đạo, cán bộ các cơ quan quản lý Nhà nước trên địa bàn tỉnh nói chung và các bị cáo trong vụ án này nói riêng.
Bị cáo Lê Tiến Phương, cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận tại phiên xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên.
Cũng theo Viện kiểm sát, mặt khác, Dự án Khu đô thị Du lịch biển Phan Thiết là Dự án có quy mô lớn nhất trên địa bàn tỉnh Bình Thuận, thời điểm năm 2015. Quá trình xây dựng, thẩm định giá đất phải làm lại nhiều lần, Sở TN&MT đã 4 lần xây dựng phương án giá đất, trên cơ sở đó, Hội đồng thẩm định cũng đã 4 lần tổ chức các cuộc họp thẩm định để rà soát, chỉnh sửa. Điều này thể hiện các bị cáo cũng có phần thận trọng và lúng túng trong việc áp dụng phương pháp tính giá đất.
Quá trình điều tra cũng như tại phiên tòa, các bị cáo đều khai nhận về việc không có động cơ, mục đích cá nhân trong quá trình thực hiện nhiệm vụ mà chỉ có mong muốn sớm hoàn thành và tạo nguồn thu cho địa phương cũng như tạo điểm nhấn cho du lịch thành phố, góp phần phát triển kinh tế - xã hội địa phương.
Các luật sư tham gia tố tụng tại phiên tòa. Ảnh: Hồng Nguyên.
Cùng nội dung trên, phần lớn các luật sư bào chữa cho các bị cáo đều nhận định, các bị cáo trong vụ án không có chuyên môn sâu, chưa được tập huấn về Luật Đất đai 2013. Xét về tổng thể, luật sư cho rằng đây là dự án đem lại nhiều lợi ích cho người dân tỉnh Bình Thuận. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện, các bị cáo đã có sai phạm vì muốn đẩy nhanh tốc độ hoàn thành dự án, mong dự án sớm được triển khai. Do vậy, luật sư đề nghị HĐXX, Viện Kiểm sát xem xét cho các bị cáo phạm tội trong hoàn cảnh khách quan, không tư lợi và chỉ mong muốn phát triển kinh tế cho tỉnh nhà.
Nói lời sau cùng tại tòa, các bị cáo đã xin lỗi lãnh đạo Đảng, Nhà nước và nhân dân tỉnh Bình Thuận, do hành vi vi phạm của các bị cáo đã làm ảnh hưởng đến hình ảnh, uy tín của Đảng, Nhà nước, ảnh hưởng đến sự phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh nhà. Các bị cáo đều thừa nhận hành vi phạm tội như cáo trạng nêu, đồng thời trình bày việc mình không được hưởng lợi gì trong vụ án, đã tác động gia đình nộp tiền để khắc phục hậu quả, mong HĐXX xem xét các tình tiết giảm nhẹ cho các bị cáo như khai báo thành khẩn, ăn năn hối cải, tích cực hợp tác với cơ quan điều tra để làm sáng tỏ vụ án, có nhiều thành tích trong công tác… để cân nhắc, giảm nhẹ hình phạt cho các bị cáo, để các bị cáo sớm được trở về với gia đình và xã hội.
Sau khi các bị cáo nói lời cuối cùng, Chủ tọa phiên tòa Thẩm phán Vũ Quang Huy cho biết, do tính chất phức tạp của vụ án, HĐXX quyết định nghị án kéo dài và sẽ tuyên án vào chiều ngày 21/1.
Các bị cáo tại phiên xét xử. Ảnh: Hồng Nguyên.
Trước đó, bị cáo Lê Tiến phương (cựu Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) bị Viện kiểm sát đề nghị HĐXX tuyên phạt mức án từ 6-7 năm tù;
Đồng thời, Viện kiểm sát đề nghị mức án đối với 13 bị cáo khác nguyên là lãnh đạo UBND tỉnh Bình Thuận và cơ quan, đợn vị thuộc UBND tỉnh Bình Thuận và 3 bị cáo thuộc Công ty cổ phần Thông tin và Thẩm định giá Miền Nam (SIVC), gồm:
Bị cáo Hồ Lâm (SN 1960, cựu Giám đốc Sở TN&MT) từ 5-6 năm tù, tổng hợp với hình phạt 5 năm tù tại Bản án số 199/2023/HSST của TAND TP Hà Nội, buộc bị cáo Lâm phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án;
2 bị cáo: Nguyễn Văn Phong (SN 1967, cựu Phó Giám đốc Sở Tài chính - Thường trực Hội đồng Thẩm định giá đất của tỉnh, cựu Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Thuận) và Xà Dương Thắng (SN 1966, cựu Giám đốc Sở Xây dựng, nguyên Bí thư Huyện ủy Bắc Bình) cùng bị đề nghị từ 4-5 năm tù.
Các bị cáo: Nguyễn Xuân Phong (SN 1957, cựu Phó Cục trưởng Cục Thuế tỉnh Bình Thuận) từ 3-4 năm tù; Nguyễn Ngọc (SN 1958, cựu Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Bình Thuận) từ 36-42 tháng tù; Đỗ Ngọc Điệp (SN 1962, cựu Chủ tịch UBND TP Phan Thiết) từ 30-36 tháng tù;
5 bị cáo: Lê Nguyễn Thanh Danh (SN 1980, cựu Phó Giám đốc Sở TN&MT), Nguyễn Thanh Cho (SN 1973, cựu Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT), Lê Nam Hưng (SN 1980, cựu Phó Chi cục trưởng Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT), Phạm Duy Cường (SN 1974, cựu Phó Trưởng phòng Kinh tế đất, Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT), Nguyễn Văn Thọ (SN 1961, Chủ tịch HĐQT Công ty SIVC) cùng bị đề nghị mức từ 24-30 tháng tù.
Riêng Lê Nguyễn Thanh Danh bị đề nghị tổng hợp hình phạt 42 tháng tù tại Bản án số 199/2023/HSST của TAND TP Hà Nội, buộc bị cáo Lâm phải chấp hành hình phạt chung của 2 bản án;
Bị cáo Lê Quang Vinh (SN 1973, cựu Phó Chánh Văn phòng UBND tỉnh, nguyên Bí thư Huyện ủy kiêm Chủ tịch UBND huyện Phú Quý) bị đề nghị từ 24-30 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
4 bị cáo còn lại, gồm: Lê Anh Huy (SN 1977, cựu Trưởng phòng Hành chính Tổng hợp, Chi cục Quản lý đất đai, Sở TN&MT), Huỳnh Lương Thiện (SN 1980, chuyên viên Phòng Đầu tư và Quy hoạch xây dựng, Văn Phòng UBND tỉnh), Trương Văn Ri (SN 1959, cựu Phó Tổng giám đốc SIVC, kiêm Giám đốc Chi nhánh SIVC tại Bình Thuận), Hồ Như Hải (SN 1973, cựu Phó Giám đốc SIVC - Chi nhánh Bình Thuận, Thẩm định viên về giá) cùng bị đề nghị mức án từ 18-24 tháng tù nhưng cho hưởng án treo.
Đồng thời, Viện kiểm sát cũng đề nghị tịch thu sung ngân sách Nhà nước số tiền hơn 308,9 tỉ đồng do Công ty Rạng Đông, Công ty Thẩm định giá Miền Nam và gia đình các bị cáo nộp để khắc phục hậu quả.
Hồng Nguyên - Vũ Phương