Chiêu trò 'thổi giá' chung cư ở Hà Nội

Chiêu trò 'thổi giá' chung cư ở Hà Nội
6 giờ trướcBài gốc
Giá nhà chung cư đang bị môi giới thao túng.
“Tin bợm mất bò”
Trên các diễn đàn về mua bán, trao đổi chung cư, không khó để tìm những câu chuyện mà người chia sẻ chính là những nạn nhân của “cơn sốt” chung cư đang diễn ra tại Hà Nội. Anh Vũ Văn Tỉnh, 39 tuổi, hiện đang ở một chung cư ở Khu đô thị Linh Đàm (Hoàng Mai, Hà Nội), chia sẻ câu chuyện mất trắng 250 triệu đồng vì tin vào lời “cò”.
Theo anh Tỉnh, từ đầu năm 2024, thị trường bất động sản (BĐS) bắt đầu nóng lên, anh thường xuyên nhận được những cuộc gọi từ môi giới hỏi mua nhà với mức giá lần sau cao hơn lần trước. Kèm theo đó là những lời thuyết phục “bùi tai” như “căn hộ của gia đình đang tăng mạnh”, “anh chị đồng ý bán là có khách cọc ngay”.
Anh Tỉnh cho biết, ban đầu không mấy quan tâm, nhưng môi giới gọi nhiều quá, anh cũng lên các trang web và hội nhóm mua bán nhà đất để tìm hiểu, thì thấy một số căn hộ trong tòa nhà của mình cũng được rao bán với mức giá tương tự như môi giới đã thông tin, dao động khoảng 4,2-4,5 tỷ đồng cho một căn hộ 75m2.
Điều đáng nói là vợ chồng anh Tỉnh cách đây 6 năm mua căn hộ 75m2 ở khu vực này chỉ với mức giá 2,2 tỷ đồng, tính ra bây giờ giá bán đã tăng… gấp đôi. Nhận thấy thị trường đang “sốt”, cùng với mong muốn chuyển về khu vực gần trường học của các con, sau khi bàn bạc với vợ, anh Tỉnh đã quyết định bán căn hộ.
Mỗi ngày, môi giới dẫn khách đến xem nhà, nên anh cho rằng việc bán căn hộ sẽ không khó khăn nên trong thời gian này, anh đã đi xem nhà mới, và đặt cọc 250 triệu đồng cho chủ một căn hộ ưng ý.
Tuy nhiên, sau vài tuần, mọi thứ không diễn ra như mong đợi. Mặc dù có nhiều người đến xem nhà, nhưng không có khách nào quyết định “xuống tiền cọc ngay” như những gì các môi giới đã nói. Sau một tháng, thời hạn cuối cùng để thanh toán cho căn hộ anh dự định mua đã đến, nhưng căn hộ hiện tại vẫn chưa bán được, anh phải chấp nhận “bỏ cọc” và chấp nhận mất 250 triệu đồng.
Không chỉ có phân khúc chung cư, mà phân khúc đất nền cũng chịu cảnh bị môi giới thao túng “làm giá”. Anh Nguyễn Thế Đạt, 34 tuổi (Định Công, Hoàng Mai) cho biết, anh đang “mắc kẹt” một mảnh đất ở khu Cầu Diễn (Nam Từ Liêm, Hà Nội) từ trước khi dịch Covid-19 xảy ra.
Thời gian gần đây, hàng loạt môi giới bắt đầu liên hệ lại và cho biết mảnh đất của anh có thể bán được với giá 4,5 - 5 tỷ đồng, cao hơn giá anh mua từ 1,5 - 2 tỷ đồng. Thấy được giá, lại cũng đang cần tiền để hùn vốn cùng bạn đầu tư bên Nhật, nên anh vội vàng quyết định bán ngay. Nhưng hơn nửa năm nay chỉ có môi giới gọi điện đến xem chứ không có khách. Anh Đạt đoán rằng đó là cách mà môi giới họ bắt tay nhau để thao túng giá.
Thao túng tâm lý, tạo ra mặt bằng “giá ảo”
Theo các chuyên gia kinh tế, việc môi giới liên tục gọi chủ nhà hỏi mua căn hộ với giá cao ngất ngưởng nhưng không tới, thực tế không hiếm trên thị trường, nhất là trong giai đoạn chung cư đang nóng như hiện nay. Mục đích cuối cùng của những môi giới khi làm như vậy để mọi người tưởng rằng chung cư đang rất “nóng”, giá tăng rất nhanh để chủ nhà có thể dừng kế hoạch bán, hạn chế nguồn cung sản phẩm ra thị trường.
Bên cạnh đó, qua việc “thao túng tâm lý” người bán của môi giới, chủ nhà có thể sẽ đẩy giá cao hơn nữa khiến cho thị trường càng thêm “nóng”. Về phía người mua, thấy rằng các chủ nhà đều đồng loạt tăng giá sẽ nghĩ rằng nếu không mua nhanh giá sẽ tăng thêm, khó mua, từ đó thúc đẩy quá trình xuống tiền của người mua nhanh hơn.
Cùng với đó là tâm lý chờ giảm hoặc “săn hàng hời” từ người mua, khiến nhiều người có tâm lý chờ đợi thời điểm thích hợp để mua với giá rẻ hơn, hoặc tìm được những căn hộ có mức giá ưu đãi. Và việc gây nhiễu loạn thông tin khiến cả người mua lẫn người bán không thể xác định được giá trị thật của BĐS.
Do đó, về mặt hình thức, có vẻ như thị trường BĐS đang rất “nóng”, song thực tế thì thanh khoản rất thấp, rất ít các giao dịch thực sự được tiến hành.
Thực tế sau những bài học “xương máu”, nhiều người bán cho biết việc theo đuổi giá trị cao của thị trường BĐS có thể rất mạo hiểm, và không phải lúc nào cũng như những gì mà môi giới hứa hẹn. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ bình tĩnh để khảo sát đúng giá trị thực của căn hộ, nhất là khi khắp nơi đều nghe nói chung cư đang sốt, và môi giới thì ngày nào cũng nói rằng căn nhà của mình đã tăng giá mạnh.
Rõ ràng, người bán ai cũng mong muốn bán được giá cao nhất có thể, nhưng giá trị thực và khả năng thanh khoản mới là yếu tố quan trọng nhất. Do vậy, một số chuyên gia khuyến cáo, khi bán nhà đừng chỉ nhìn vào các mức giá rao bán trên mạng hay tin vào lời môi giới, vì đó có thể chỉ là “giá ảo”.
Hàng chục ngàn căn hộ tái định cư bị bỏ hoang, gây lãng phí
Trong khi rất nhiều người dân không có nhà ở, hoặc muốn mua nhà ở giá rẻ cũng không có để mua, thì có một nghịch lý đang diễn ra: hàng chục ngàn căn hộ tái định cư đang bị bỏ hoang, gây ra lãng phí rất lớn.
Tại Hà Nội, khu tái định cư ở ngõ 156 đường Tam Trinh (quận Hoàng Mai) với gần 300 căn hộ, 8 năm sau hoàn thiện vẫn chưa có người về ở. Nhếch nhác với rác và đầy nước thải. Còn tại khu tái định cư tại phường Thượng Thanh (quận Long Biên), 5 tòa nhà bám mặt đường lớn, nhưng cũng chỉ có 2, 3 hộ dân về ở.
Theo số liệu thống kê tại Hà Nội và TPHCM, hiện đang có tới khoảng 14.000 căn hộ tái định cư bị bỏ hoang nhiều năm, trong đó Hà Nội có hơn 4.000 căn tái định cư ở 9 dự án bị bỏ hoang, còn TPHCM con số này còn lớn hơn với gần 10.000 căn. Hiện tượng này cho thấy vấn đề quản lý sử dụng quỹ nhà tái định cư nhiều năm qua ở các thành phố lớn đang có quá nhiều bất cập, gây lãng phí một nguồn ngân sách khổng lồ.
THANH HÀ
Nguồn SGĐT : https://dttc.sggp.org.vn/chieu-tro-thoi-gia-chung-cu-o-ha-noi-post118459.html