Chim sáo đá châu Phi cũng biết giúp đỡ 'có đi có lại' như con người

Chim sáo đá châu Phi cũng biết giúp đỡ 'có đi có lại' như con người
một ngày trướcBài gốc
Dưới sự dẫn dắt của Alexis Earl-cựu nghiên cứu sinh tiến sĩ trong phòng thí nghiệm của Giáo sư Dustin Rubenstein (Đại học Columbia), nhóm nghiên cứu đã dành hơn 20 năm quan sát loài chim này. Phát hiện của họ cho thấy chim sáo đá tham gia vào "sự có đi có lại"-giúp đỡ lẫn nhau với sự hiểu biết rằng ân huệ đó sẽ được đáp lại trong tương lai.
Các nhà khoa học vừa phát hiện bằng chứng thuyết phục về hành vi giúp đỡ “có đi có lại” và kéo dài ở loài sáo đá châu Phi. Ảnh: scitechdaily.com/Nguồn TTXVN
Giáo sư Dustin Rubenstein cho biết: Xã hội của chim sáo đá không chỉ là những gia đình đơn giản, chúng phức tạp hơn nhiều, bao gồm một hỗn hợp các cá thể có và không có quan hệ họ hàng sống cùng nhau, giống như cách con người chung sống.
Việc động vật giúp đỡ đồng loại có quan hệ huyết thống trực tiếp, hay họ hàng, với mục tiêu tăng cường sự phù hợp di truyền và duy trì gen của chúng từ lâu đã được cộng đồng khoa học biết đến.
Chim sáo đá ưu tiên giúp đỡ họ hàng của chúng, nhưng nhiều con chim cũng giúp đỡ những cá thể không phải họ hàng. Alexis Earl và các đồng nghiệp đã phát hiện ra rằng sự giúp đỡ không cùng huyết thống này xảy ra thông qua việc hình thành các mối quan hệ giúp đỡ có đi có lại, đôi khi kéo dài trong nhiều năm.
Nghiên cứu mới được công bố trong tuần này trên tạp chí Nature dựa trên 20 năm nghiên cứu mà Rubenstein và các đồng nghiệp đã thực hiện trên loài sáo đá châu Phi sống trong điều kiện khí hậu khắc nghiệt của các trảng cỏ (savan) Đông Phi. Từ năm 2002 đến năm 2021, các nhà nghiên cứu đã nghiên cứu hàng ngàn tương tác giữa hàng trăm con chim và thu thập DNA từ các cá thể trong quần thể để kiểm tra mối quan hệ di truyền.
Bằng cách kết hợp dữ liệu hành vi và di truyền từ 40 mùa sinh sản, các nhà nghiên cứu phát hiện ra rằng những con chim giúp đỡ ưu tiên hỗ trợ họ hàng, nhưng cũng thường xuyên và nhất quán giúp đỡ những con chim cụ thể không phải họ hàng, ngay cả khi có họ hàng sẵn sàng giúp đỡ. "Nhiều con chim trong số này về cơ bản đang hình thành tình bạn theo thời gian"-Rubenstein nói.
Giáo sư Rubenstein cho biết: "Bước tiếp theo của chúng tôi là khám phá cách những mối quan hệ này hình thành, chúng kéo dài bao lâu, tại sao một số mối quan hệ vẫn bền chặt, trong khi những mối quan hệ khác lại tan vỡ".
Dữ liệu này được xây dựng dựa trên nhiều thập kỷ nghiên cứu do Rubenstein cùng các đồng nghiệp và sinh viên của ông thu thập về cách thức và lý do động vật xã hội hóa. Họ đã kiểm tra các xã hội động vật không chỉ ở chim, mà còn ở nhiều loài đa dạng trên toàn cầu.
"Tôi nghĩ rằng loại hành vi giúp đỡ có đi có lại này có khả năng đang diễn ra trong rất nhiều xã hội động vật, và mọi người chưa nghiên cứu chúng đủ lâu để có thể phát hiện ra"-Giáo sư Rubenstein nhận định.
Nghiên cứu này đã góp phần làm sáng tỏ khả năng tồn tại các tập tính xã hội phức tạp ở động vật. Đồng thời cho thấy quần thể của một số loài động vật có thể giống với xã hội loài người hơn chúng ta từng nghĩ.
G.B
Nguồn Gia Lai : https://baogialai.com.vn/chim-sao-da-chau-phi-cung-biet-giup-do-co-di-co-lai-nhu-con-nguoi-post325084.html