Chính phủ vừa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị về đột phá phát triển khoa học công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Theo đó, để đạt được mục tiêu Nghị quyết 57 đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm.
Chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm trong KHCN và đổi mới sáng tạo
Thứ nhất, nâng cao nhận thức, đột phá về đổi mới tư duy, xác định quyết tâm chính trị mạnh mẽ, quyết liệt lãnh đạo, chỉ đạo, tạo xung lực mới, khí thế mới trong toàn xã hội về phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Đáng chú ý, ở nhiệm vụ này, Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương xây dựng, ban hành quy định trách nhiệm người đứng đầu các cơ quan nhà nước trực tiếp phụ trách, chỉ đạo triển khai nhiệm vụ phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số của cơ quan, tổ chức.
Để đạt được mục tiêu Nghị quyết 57 của Bộ Chính trị đề ra, Chính phủ yêu cầu các bộ, ngành, địa phương cần cụ thể hóa và tổ chức triển khai thực hiện một số nhiệm vụ trọng tâm. Ảnh: PLO
Thứ hai, khẩn trương, quyết liệt hoàn thiện thể chế; xóa bỏ mọi tư tưởng, quan niệm, rào cản đang cản trở sự phát triển; đưa thể chế thành một lợi thế cạnh tranh trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Chính phủ yêu cầu các Bộ ngành, địa phương rà soát, tháo gỡ các điểm nghẽn, rào cản về thể chế, chính sách trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi số và nguồn nhân lực chất lượng cao. Cạnh đó, hoàn thiện quy định pháp luật để bảo đảm hành lang pháp lý cho hoạt động của mọi ngành, lĩnh vực trên môi trường số.
Chính phủ cũng lưu ý việc xây dựng, ban hành cơ chế đặc thù về đầu tư, đầu tư công, mua sắm công các sản phẩm là kết quả của nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ, sản phẩm, dịch vụ số để đẩy nhanh chuyển đổi số quốc gia.
“Sửa đổi quy định pháp luật để tháo gỡ điểm nghẽn trong hoạt động khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng chấp nhận rủi ro, đầu tư mạo hiểm và độ trễ trong nghiên cứu khoa học, phát triển công nghệ, đổi mới sáng tạo”- Nghị quyết yêu cầu.
Đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo- AI
Thứ ba, tăng cường đầu tư, hoàn thiện hạ tầng cho khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Ở nhiệm vụ này, Chính phủ nêu việc xây dựng chính sách ưu đãi về thuế đối với các hoạt động đầu tư, mua, thuê các sản phẩm, dịch vụ số; xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ, khuyến khích các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp đầu tư, xây dựng các phòng thí nghiệm, trung tâm nghiên cứu và phát triển khoa học, công nghệ.
Xây dựng ngành công nghiệp Internet vạn vật (IoT) và một số khu công nghiệp chuyên biệt phát triển IoT. Cạnh đó, hoàn thiện hành lang pháp lý đẩy mạnh ứng dụng trí tuệ nhân tạo (AI) trong các giải pháp phát triển các ứng dụng công nghệ số trong ngành, lĩnh vực, địa phương, gắn với công tác quản lý nhà nước trên lĩnh vực bảo đảm theo hướng đi tắt, đón đầu.
Thứ tư, phát triển, trọng dụng nhân lực chất lượng cao, nhân tài đáp ứng yêu cầu phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia.
Chính phủ sẽ thực hiện đồng bộ các giải pháp tăng cường giáo dục và hướng nghiệp STEM (4 khối ngành: Khoa học, Công nghệ, Kỹ thuật và Toán học), thu hút học sinh giỏi theo học các ngành STEM; rà soát, sửa đổi các quy định về chính sách cấp học bổng, miễn giảm học phí cho sinh viên, học viên các ngành STEM phục vụ phát triển công nghệ chiến lược, những người tham gia các chương trình đào tạo kỹ sư an ninh mạng, vật liệu tiên tiến từ nguồn ngân sách nhà nước…
Đáng chú ý, Chính phủ đặt nhiệm vụ tập trung đầu tư xây dựng một số cơ sở giáo dục đại học, trung tâm đào tạo tiên tiến chuyên sâu về trí tuệ nhân tạo và các lĩnh vực công nghệ chiến lược khác.
Đồng thời, rà soát, sửa đổi quy định về thuế thu nhập doanh nghiệp theo hướng loại bỏ đối tượng áp dụng là các cơ sở giáo dục đại học công lập, cơ sở giáo dục đại học tư thục không vì lợi nhuận...
Thu hút doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở tại Việt Nam
Thứ năm, đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo trong hoạt động của các cơ quan trong hệ thống chính trị; nâng cao hiệu quả quản trị quốc gia, hiệu lực quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, bảo đảm quốc phòng và an ninh.
Theo đó, Chính phủ đặt nhiệm vụ xây dựng mô hình Trung tâm giám sát điều hành thông minh nhằm tăng cường quản lý công, nâng cao hiệu lực quản trị, hiệu quả điều hành của các cấp chính quyền.
Cạnh đó, thực hiện chỉ đạo, điều hành của cơ quan nhà nước trực tuyến, dựa trên dữ liệu; nâng cao tương tác giữa chính quyền và người dân giúp giảm quan liêu của bộ máy nhà nước; giám sát trực tuyến và toàn diện, kịp thời cảnh báo, phát hiện sớm để phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí.
Nâng cao chất lượng cung cấp dịch vụ công trực tuyến toàn trình; cung cấp dịch vụ số mới được cá nhân hóa, dựa trên dữ liệu cho người dân và doanh nghiệp…
Thứ sáu, thúc đẩy mạnh mẽ hoạt động khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số trong doanh nghiệp.
Chính phủ đặt nhiệm vụ xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp công nghệ số, tổ chức, cá nhân có năng lực, thực hiện các nhiệm vụ trọng điểm về chuyển đổi số; chính sách hỗ trợ, phát triển các doanh nghiệp công nghệ số khai thác tốt thị trường chuyển đổi số trong nước vươn ra toàn cầu.
Cùng với đó, xây dựng cơ chế thu hút doanh nghiệp công nghệ hàng đầu thế giới đặt trụ sở, đầu tư nghiên cứu, sản xuất tại Việt Nam theo nguyên tắc: sản xuất, kinh doanh trong lĩnh vực Việt Nam đang ưu tiên; có phát triển công nghiệp phụ trợ tại Việt Nam; có đầu tư Trung tâm nghiên cứu và phát triển tại Việt Nam với tỉ lệ 1- 3% doanh thu.
Thứ bảy, tăng cường hợp tác quốc tế trong phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số.
Nghị quyết 57 được ban hành hôm 22-12-2024, đề ra mục tiêu đến năm 2030, tiềm lực, trình độ khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo đạt mức tiên tiến ở nhiều lĩnh vực quan trọng, thuộc nhóm dẫn đầu trong các nước có thu nhập trung bình cao. Ngoài ra, trình độ, năng lực công nghệ, đổi mới sáng tạo của doanh nghiệp đạt mức trên trung bình của thế giới; một số lĩnh vực khoa học, công nghệ đạt trình độ quốc tế.
Việt Nam thuộc nhóm ba nước dẫn đầu Đông Nam Á, nhóm 50 nước đứng đầu thế giới về năng lực cạnh tranh số và chỉ số phát triển Chính phủ điện tử; nhóm ba nước dẫn đầu khu vực Đông Nam Á về nghiên cứu và phát triển trí tuệ nhân tạo, trung tâm phát triển một số ngành, lĩnh vực công nghiệp công nghệ số mà Việt Nam có lợi thế. Tối thiểu có năm doanh nghiệp công nghệ số ngang tầm các nước tiên tiến...
ĐỨC MINH- NGUYÊN THẢO