Chính phủ chia sẻ, đồng hành với nhân dân ở thời khắc khó khăn nhất

Chính phủ chia sẻ, đồng hành với nhân dân ở thời khắc khó khăn nhất
2 giờ trướcBài gốc
Thủ tướng Phạm Minh Chính thị sát tình hình, chỉ đạo ứng phó, khắc phục hậu quả mưa lũ, thiên tai tại Yên Bái, sáng 12/9. Ảnh tư liệu
Hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sau bão lũ
Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP ngày 17/9/2024 về các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3 (Yagi), nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát.
Phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8 - 7%
Đánh giá cao sự vào cuộc hết sức quyết liệt, nhanh nhạy, kịp thời của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, ngay sau khi cơn bão đi qua, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh là vấn đề được quan tâm hàng đầu. Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, với mục tiêu cao nhất là tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8 - 7%.
Để khẩn trương khắc phục hậu quả bão số 3, nhanh chóng ổn định tình hình nhân dân, đẩy mạnh khôi phục sản xuất kinh doanh, tích cực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, kiểm soát tốt lạm phát, tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8-7%, Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các bộ, ngành và 26 tỉnh, thành phố bị ảnh hưởng bởi bão số 3 khẩn trương, quyết liệt, kịp thời, hiệu quả các nhiệm vụ, giải pháp.
Đối với nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ khôi phục các hoạt động đời sống, xã hội để ổn định cuộc sống nhân dân, Chính phủ yêu cầu Bộ Tài chính, các địa phương bảo đảm nguồn vốn ngân sách nhà nước (NSNN) để giải quyết, chi trả đầy đủ, kịp thời các chế độ, chính sách cho nhân thân người thiệt mạng... Sử dụng nguồn dự phòng NSNN và các nguồn hợp pháp khác để di dời khẩn cấp các hộ dân, điểm dân cư tại khu vực có nguy cơ sạt lở cao, hoàn thành trước ngày 30/9/2024.
Đáng chú ý, trong nhóm nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm về hỗ trợ các cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh, hợp tác xã, doanh nghiệp để khôi phục nhanh chuỗi sản xuất, cung ứng, lao động, phục hồi và thúc đẩy phát triển sản xuất, kinh doanh, tăng trưởng kinh tế, Chính phủ giao Bộ Tài chính khẩn trương thực hiện hiệu quả các chính sách miễn, giảm, gia hạn thuế, phí, lệ phí, tiền thuê đất, thuê mặt nước... cho các đối tượng bị ảnh hưởng, thiệt hại bởi bão, lũ, lụt, sạt lở đất... Đồng thời, chỉ đạo các công ty bảo hiểm khẩn trương rà soát, chi trả quyền lợi bảo hiểm cho các khách hàng bị ảnh hưởng theo quy định. Trước mắt, thực hiện ngay việc tạm ứng bồi thường cho khách hàng theo quy định.
Quyết sách đúng, trúng và rất kịp thời
Theo các chuyên gia kinh tế, với những giải pháp, sự hỗ trợ thiết thực từ Nghị quyết 143/NQ-CP, các doanh nghiệp có thể vượt qua khó khăn và nhanh chóng phục hồi sau bão lũ. Điều quan trọng là cần kịp thời đánh giá thiệt hại, nắm bắt cơ hội từ các chính sách ưu đãi và đặc biệt cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp trong quá trình khắc phục hậu quả bão lũ.
Trao đổi với báo chí, chuyên gia kinh tế, PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, sự tàn phá của cơn bão số 3 đã kéo giảm đà phục hồi và phát triển của nền kinh tế. Con số thiệt hại chính thức đến nay mới đang được ước tính, thống kê nhưng hậu quả của bão có thể khiến tốc độ tăng trưởng kinh tế năm 2024 giảm từ 0,18 đến 0,2% GDP. Theo vị chuyên gia này, việc Chính phủ nhanh chóng ra Nghị quyết số 143/NQ-CP là rất "đúng", "trúng" và kịp thời để giúp các doanh nghiệp sớm phục hồi, tái thiết sản xuất.
Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ không chỉ là một biện pháp mang tính tình thế mà còn là nền tảng giúp các doanh nghiệp và địa phương khôi phục lại các hoạt động kinh tế sau bão. Nghị quyết đã đưa ra các định hướng bao gồm những giải pháp khôi phục sản xuất, bảo đảm an sinh xã hội, kiểm soát lạm phát, hỗ trợ doanh nghiệp trong việc tái thiết sau bão…
Đáng lưu ý, tại Nghị quyết này, Chính phủ đã chỉ “rõ người, rõ việc”. Đây chính là cơ sở quan trọng để các cấp chính quyền địa phương và doanh nghiệp thực hiện nhiệm vụ khôi phục hoạt động một cách hiệu quả và nhanh chóng sau bão lũ.
Đại diện cho cộng đồng doanh nghiệp, TS. Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch thường trực, kiêm Tổng thư ký Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam chia sẻ với báo chí cho biết, siêu bão Yagi đi qua đã gây thiệt hại nặng nề cho các doanh nghiệp, nhất là tại một số địa phương tâm bão như Hải Phòng, Quảng Ninh, Hà Nội, Phú Thọ, Thái Nguyên, Yên Bái… Đến thời điểm hiện tại, nhiều chuỗi sản xuất, kinh doanh bị đứt gãy, gián đoạn, doanh nghiệp vốn khó khăn nay lại càng rơi vào tình trạng "đuối" hơn.
Đánh giá cao sự vào cuộc hết sức quyết liệt, nhanh nhạy, kịp thời của Chính phủ và cá nhân Thủ tướng, TS. Tô Hoài Nam cho rằng, ngay sau khi cơn bão đi qua, hỗ trợ doanh nghiệp phục hồi sản xuất, kinh doanh là vấn đề được Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và các bộ, ngành, đơn vị chức năng quan tâm hàng đầu. Minh chứng là chỉ trong vài ngày sau chỉ đạo của Thủ tướng, các bộ, ngành đã hiến kế và Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 143/NQ-CP, với mục tiêu cao nhất là tiếp tục phấn đấu tăng trưởng kinh tế cả năm 2024 khoảng 6,8-7%.
Tin tưởng rằng, với sự đồng bộ, quyết liệt và những giải pháp cụ thể, “rõ người, rõ việc”, dưới sự chỉ đạo của Đảng, Chính phủ, Quốc hội, sự vào cuộc của cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân, chúng ta sẽ hoàn thành thắng lợi các nhiệm vụ đặt ra trong năm nay, tạo đà cho việc hoàn thành các mục tiêu của cả nhiệm kỳ.
Đưa kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững
Những đánh giá thiệt hại ban đầu vẫn chưa thể bao quát hết được những thiệt hại cho cơn bão gây ra đối với người dân và doanh nghiệp. Có những tổn thất không đong đếm được bằng con số, bằng tiền.
Bà Nguyễn Thị Minh - Giám đốc Công ty TNHH dịch vụ du lịch Bình Minh (Quảng Ninh) chia sẻ với phóng viên về những thiệt hại sau bão, cho biết, toàn bộ hơn 20 chiếc tàu của công ty bị thiệt hại nặng, khó khôi phục. 2 nhà hàng, trung tâm dịch vụ bị tốc mái và sập tường. Tổng thiệt hại của doanh nghiệp lên đến gần 50 tỷ đồng. Công ty vẫn đang vay ngân hàng khoản tiền lớn để đầu tư kinh doanh nhưng cơn bão đã tàn phá tất cả, giờ đang rất cần nguồn vốn khôi phục lại hạ tầng để hoạt động trở lại. Đây là câu chuyện của một doanh nghiệp trong rất nhiều doanh nghiệp bị thiệt hại nặng nề sau bão.
PGS.TS Đinh Trọng Thịnh cho rằng, vai trò của các bộ, ngành liên quan như Bộ Công thương, Bộ Giao thông Vận tải, Bộ Tài chính và Ngân hàng Nhà nước là rất quan trọng. Về phía Bộ Tài chính có những chỉ đạo quyết liệt về việc cung cấp nguồn lực tài chính hỗ trợ cho các địa phương và doanh nghiệp. Cùng với đó, Ngân hàng Nhà nước đã yêu cầu các ngân hàng thương mại giãn, hoãn nợ và không chuyển nhóm nợ xấu đối với các doanh nghiệp bị thiệt hại do bão. Điều này giúp các doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để khôi phục sản xuất mà không phải lo lắng về áp lực trả nợ.
Những tính toán của Chính phủ có kế sách trước mắt nhưng cũng có những biện pháp lâu dài. Nghị quyết 143/NQ-CP của Chính phủ không chỉ đơn thuần là một giải pháp tạm thời mà là lực đẩy giúp doanh nghiệp và nền kinh tế vượt qua khó khăn sau cơn bão số 3. Theo các chuyên gia kinh tế, với sự chỉ đạo kịp thời và sự phối hợp đồng bộ giữa các bộ, ngành, địa phương và doanh nghiệp, chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng vào khả năng khắc phục hậu quả thiên tai và đưa nền kinh tế trở lại quỹ đạo tăng trưởng bền vững.
Nghị quyết 143/2024/NQ-CP đã mở ra những hướng đi rõ ràng, cụ thể và có tính thực tiễn cao, giúp các doanh nghiệp và địa phương có thể nhanh chóng phục hồi và tiếp tục đóng góp vào sự phát triển của đất nước. Điều quan trọng nhất lúc này là sự chủ động, trách nhiệm từ cả hệ thống để biến những giải pháp này thành hiện thực, đem lại hiệu quả cao nhất trong giai đoạn phục hồi kinh tế sau thiên tai, bão lũ./.
Minh Anh
Nguồn Thời báo Tài chính : https://thoibaotaichinhvietnam.vn/chinh-phu-chia-se-dong-hanh-voi-nhan-dan-o-thoi-khac-kho-khan-nhat-159965.html