Chính phủ đề xuất giảm 4 bộ, 1 cơ quan ngang bộ

Chính phủ đề xuất giảm 4 bộ, 1 cơ quan ngang bộ
4 giờ trướcBài gốc
Ngày 5-2, tiếp tục chương trình phiên họp thứ 42, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về các dự thảo: Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV; Nghị quyết của Quốc hội về cơ cấu số lượng thành viên Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV.
Quang cảnh phiên họp. Ảnh: media.quochoi.vn
Giữ nguyên 11 bộ, cơ quan ngang bộ
Báo cáo tại phiên họp, về cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV, Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà cho hay, về phương án cơ cấu tổ chức của Chính phủ khóa XV, Chính phủ đề nghị Quốc hội xem xét quyết định cơ cấu tổ chức của Chính phủ nhiệm kỳ Quốc hội khóa XV gồm 14 bộ và 3 cơ quan ngang bộ.
Cụ thể, thành lập Bộ Tài chính trên cơ sở hợp nhất Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ hiện đang giao cho Bộ Kế hoạch và Đầu tư và Bộ Tài chính và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy của Bảo hiểm xã hội Việt Nam, quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu đối với 18 tập đoàn, tổng công ty nhà nước hiện giao Ủy ban Quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp quản lý.
Thành lập Bộ Xây dựng trên cơ sở hợp nhất Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho Bộ Xây dựng và Bộ Giao thông vận tải; chuyển chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về sát hạch, cấp Giấy phép lái xe cơ giới đường bộ từ Bộ Giao thông vận tải về Bộ Công an.
Thành lập Bộ Nông nghiệp và Môi trường trên cơ sở hợp nhất Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn và Bộ Tài nguyên và Môi trường và tiếp nhận nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội.
Thành lập Bộ Khoa học và Công nghệ trên cơ sở hợp nhất Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông, cơ bản kế thừa chức năng, nhiệm vụ đang giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ và Bộ Thông tin và Truyền thông; chuyển chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý về báo chí, xuất bản từ Bộ Thông tin và Truyền thông sang Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch.
Thành lập Bộ Nội vụ trên cơ sở hợp nhất Bộ Nội vụ và Bộ Lao động-Thương binh và Xã hội, thực hiện chức năng, nhiệm vụ của Bộ Nội vụ hiện nay và chức năng quản lý nhà nước về lao động, tiền lương, việc làm, người có công, an toàn, vệ sinh lao động, bảo hiểm xã hội, bình đẳng giới từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội; chuyển chức năng quản lý nhà nước về giáo dục nghề nghiệp từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Giáo dục và Đào tạo; chuyển chức năng quản lý nhà nước về bảo trợ xã hội, trẻ em, phòng, chống tệ nạn xã hội (riêng nhiệm vụ quản lý nhà nước về cai nghiện ma túy và quản lý sau cai nghiện ma túy chuyển sang Bộ Công an) từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Y tế; chuyển nhiệm vụ quản lý nhà nước về giảm nghèo từ Bộ Lao động - Thương binh và Xã hội sang Bộ Nông nghiệp và Môi trường.
Thành lập Bộ Dân tộc và Tôn giáo trên cơ sở Ủy ban Dân tộc hiện nay và tiếp nhận chức năng, nhiệm vụ, tổ chức bộ máy quản lý nhà nước về tôn giáo từ Bộ Nội vụ và bổ sung, hoàn thiện chức năng, nhiệm vụ quản lý nhà nước về dân tộc.
Duy trì các bộ, cơ quan ngang bộ sau: Bộ Quốc phòng; Bộ Công an; Bộ Tư pháp; Bộ Công Thương; Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch; Bộ Ngoại giao; Bộ Giáo dục và Đào tạo; Bộ Y tế; Văn phòng Chính phủ; Thanh tra Chính phủ; Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Nội vụ Phạm Thị Thanh Trà trình bày tờ trình. Ảnh: media.quochoi.vn
Dự kiến không tổ chức HĐND quận, phường, xã đô thị
Cùng ngày, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về dự án Luật Tổ chức Chính phủ (sửa đổi) và Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi).
Đáng chú ý, dự thảo Luật Tổ chức chính quyền địa phương (sửa đổi) quy định mô hình tổ chức chính quyền địa phương theo hướng: Mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại quận của thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các quận của thành phố trực thuộc trung ương; mở rộng việc áp dụng mô hình chính quyền đô thị tại phường của thành phố Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh, Đà Nẵng, Hải Phòng để áp dụng cho tất cả các đơn vị hành chính cấp xã trực thuộc quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương.
Theo đó, đối với đơn vị hành chính đô thị, tại thành phố trực thuộc trung ương, thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương, thị trấn: Tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND.
Tại quận, phường, xã thuộc đô thị (gồm thị xã, thành phố thuộc tỉnh, thành phố thuộc thành phố trực thuộc trung ương) không tổ chức HĐND, mà chỉ tổ chức UBND là cơ quan hành chính tại địa phương.
Đối với đơn vị hành chính nông thôn tại tỉnh, huyện, xã (trừ xã thuộc đô thị): Tổ chức cấp chính quyền địa phương đầy đủ gồm có HĐND và UBND.
Về cơ cấu tổ chức và hoạt động của HĐND, UBND các cấp, đối với HĐND, dự thảo Luật quy định nguyên tắc xác định số lượng đại biểu HĐND trên cơ sở quy mô dân số, đặc điểm vùng miền và điều kiện kinh tế - xã hội của từng địa bàn; giao Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định số lượng đại biểu HĐND, khung số lượng đại biểu chuyên trách của HĐND, khung số lượng các Ban của HĐND các cấp; giao thẩm quyền cho HĐND quyết định thành lập các Ban và quyết định số lượng đại biểu hoạt động chuyên trách của HĐND bảo đảm phù hợp với thực tiễn của địa phương; sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn về hoạt động của HĐND.
Đối với UBND, dự thảo Luật quy định chung về cơ cấu tổ chức của UBND và giao Chính phủ quy định khung số lượng cơ quan chuyên môn thuộc UBND cấp tỉnh, cấp huyện, số lượng Phó Chủ tịch, số lượng, cơ cấu UBND; quy định cơ chế hoạt động của UBND nơi tổ chức cấp chính quyền địa phương (có HĐND) và nơi không tổ chức cấp chính quyền địa phương (không có HĐND); sửa đổi, bổ sung các quy định nhằm giải quyết các vướng mắc trong thực tiễn về hoạt động của UBND.
Mai Hữu
Nguồn Hà Nội Mới : https://hanoimoi.vn/chinh-phu-de-xuat-giam-4-bo-1-co-quan-ngang-bo-692393.html