Chính phủ đề xuất giám sát việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài

Chính phủ đề xuất giám sát việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài
2 giờ trướcBài gốc
Chiều nay 22/10, tại Kỳ họp thứ 8, Chính phủ đã trình Quốc hội dự án Luật Dữ liệu.
Thừa ủy quyền của Thủ tướng trình bày tờ trình, Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang cho biết, luật này quy định về xây dựng, phát triển, xử lý, quản trị dữ liệu; ứng dụng khoa học công nghệ trong xử lý dữ liệu; Cơ sở dữ liệu tổng hợp quốc gia; Trung tâm dữ liệu quốc gia; sản phẩm, dịch vụ về dữ liệu; quản lý nhà nước về dữ liệu; trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động về dữ liệu.
Bộ trưởng Bộ Công an Lương Tam Quang trình bày Tờ trình về dự án Luật Dữ liệu
Chính phủ cũng khẳng định, việc hoàn thiện pháp luật, quy định những chính sách trong phát triển, ứng dụng dữ liệu vào công tác quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội là yêu cầu rất cấp thiết; tạo điều kiện cho mọi người dân được thụ hưởng lợi ích từ hoạt động chuyển đổi số.
Bên cạnh đó, việc xây dựng luật bảo đảm bao quát đầy đủ các nội dung, nhiệm vụ mà Chính phủ đã xác định trong công tác chuyển đổi số; tăng cường sử dụng hiệu quả thông tin trong các cơ sở dữ liệu để phục vụ công tác quản lý nhà nước, vừa khai thác, ứng dụng dữ liệu trong phát triển kinh tế - xã hội, vừa thắt chặt quản lý dữ liệu cá nhân và dữ liệu phi cá nhân, bảo đảm an ninh, an toàn thông tin.
Giám sát việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài
Một trong những nội dung đáng chú ý là quy định về chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài.
Theo dự thảo, hoạt động cung cấp, chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải bảo đảm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của chủ thể dữ liệu, bảo vệ an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng.
Dữ liệu được phân loại là dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng cần được cung cấp, chuyển giao bên ngoài biên giới nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải được cơ quan có thẩm quyền đánh giá tác động và chấp thuận. Đối với dữ liệu cá nhân thì thực hiện theo quy định của pháp luật về bảo vệ dữ liệu cá nhân.
Dự thảo cũng thể hiện rõ thẩm quyền quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu trên. Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ quyết định việc cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi.
Bộ Quốc phòng chủ trì thực hiện xác định, đánh giá tác động và quyết định cung cấp, chuyển giao các dữ liệu quan trọng thuộc lĩnh vực quân sự, quốc phòng, cơ yếu.
Bộ Công an chủ trì, phối hợp với các cơ quan có liên quan thực hiện đánh giá tác động việc chuyển giao dữ liệu quan trọng không thuộc điểm b khoản này. Chủ quản dữ liệu quyết định việc chuyển giao dữ liệu quan trọng sau khi đã đạt đánh giá tác động.
Ngoài ra, chủ quản dữ liệu khi cần cung cấp, chuyển giao dữ liệu cốt lõi, dữ liệu quan trọng ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài phải đáp ứng các điều kiện theo quy định.
Cùng với đó là đánh giá các rủi ro mà hoạt động cung cấp, chuyển giao dữ liệu có thể ảnh hưởng đến an ninh, quốc phòng và lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tổ chức theo yêu cầu của luật…
Dự thảo luật giao Chính phủ quy định chi tiết.
Cơ quan thẩm tra dự án luật là Ủy ban Quốc phòng và An ninh cơ bản nhất trí về quy định việc chuyển dữ liệu ra nước ngoài, cho tổ chức, cá nhân nước ngoài; đồng thời có ý kiến đề nghị cần thận trọng, chặt chẽ để bảo vệ chủ quyền số và lợi ích quốc gia nhưng cũng phải bảo đảm hài hòa với thông lệ quốc tế, không làm phát sinh thêm thủ tục hành chính làm cản trở luồng dữ liệu an toàn, tự do xuyên biên giới.
Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Lê Tấn Tới trình bày báo cáo thẩm tra dự án Luật Dữ liệu
Cơ quan này cũng đề nghị xác định rõ các loại dữ liệu bị cấm hoặc hạn chế chuyển ra nước ngoài, các trường hợp được thực hiện chuyển dữ liệu, quy trình chuyển dữ liệu ra nước ngoài; trách nhiệm bồi thường khi xảy ra sự cố dữ liệu…
Vấn đề này cũng được đặt ra khi Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến tại phiên họp chiều 14/10. Chính phủ cho biết sẽ chỉ đạo cơ quan chủ trì soạn thảo tiếp tục tham khảo ý kiến của các đại biểu Quốc hội, các chuyên gia, nhà khoa học, doanh nghiệp có liên quan để hoàn thiện quy định này, bảo đảm công tác quản lý nhà nước nhưng cũng đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hội, khơi thông dòng chảy dữ liệu.
Ngọc Thành/VOV.VN
Nguồn VOV : https://vov.vn/chinh-tri/chinh-phu-de-xuat-giam-sat-viec-chuyen-du-lieu-ra-nuoc-ngoai-post1130107.vov