Chính phủ Đức đứng trước nguy cơ tổ chức bầu cử sớm

Chính phủ Đức đứng trước nguy cơ tổ chức bầu cử sớm
13 giờ trướcBài gốc
Bộ trưởng Tài chính Christian Lindner đã gây ra một cuộc tranh cãi mới, mà các nhà quan sát nhận định rằng điều này đang đẩy chính phủ liên minh trung tả đến bờ vực sụp đổ.
Ảnh: Reuters/Getty/DPA
Ông Lindner đã viết một bài báo dài 18 trang với các đề xuất về “một sự thay đổi kinh tế, sửa đổi một phần cơ bản các quyết định chính trị quan trọng”, bằng cách cắt giảm thuế cho các công ty, bãi bỏ các quy định về khí hậu và cắt giảm phúc lợi. Tuy nhiên, những đề xuất này được cho là không thể dung hòa với các đề xuất của hai đối tác liên minh cầm quyền là đảng Dân chủ Xã hội (SPD) trung tả của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh bảo vệ môi trường. Các sáng kiến của ông Lindner cũng đã vấp phải nhiều lời chỉ trích gay gắt.
Ông Lindner dù đã tuyên bố không có ý định xuất bản bài báo, nhưng các cuộc thảo luận đã lên tới đỉnh điểm vào thời điểm chỉ còn một tuần trước khi ngân sách năm 2025 dự kiến được trình bày. Do đó, phe đối lập bảo thủ một lần nữa kêu gọi bầu cử sớm. Cuộc tổng tuyển cử tiếp theo dự kiến diễn ra vào tháng 9.2025. Tuy nhiên, các cuộc bầu cử sớm có thể được tiến hành trong các cuộc khủng hoảng chính trị khi người đứng đầu chính phủ, thủ tướng, mất đi sự ủng hộ của mình trong quốc hội.
Những kịch bản nào có thể xảy ra?
Mặc dù các cuộc bầu cử sớm cực kỳ hiếm ở Đức, nhưng đây là một biện pháp dân chủ quan trọng, được hiến pháp Đức quy định và đòi hỏi sự thông qua của quốc hội, trong đó có nguyên thủ quốc gia, Tổng thống. Theo hiến pháp Đức, quyết định tổ chức bầu cử liên bang sớm không thể được đưa ra bởi các thành viên của Quốc hội liên bang hay thủ tướng.
Việc giải tán quốc hội sớm chỉ có thể diễn ra theo một trong hai cách sau. Trong trường hợp đầu tiên, nếu ứng cử viên thủ tướng không giành được đa số phiếu tuyệt đối trong quốc hội - ít nhất 367 phiếu trong 733 ghế tại Hạ viện, thì tổng thống Đức có thể giải tán quốc hội và điều này chưa từng xảy ra trong lịch sử Cộng hòa Liên bang Đức. Trong trường hợp thứ hai, thủ tướng có thể kêu gọi bỏ phiếu tín nhiệm tại quốc hội để xác nhận liệu họ vẫn còn nhận được đủ sự ủng hộ của quốc hội hay không. Nếu thủ tướng không giành được đa số phiếu, thủ tướng có thể chính thức yêu cầu Tổng thống giải tán quốc hội trong vòng 21 ngày.
Sau khi giải tán quốc hội, các cuộc bầu cử mới phải được tổ chức trong vòng 60 ngày và được tổ chức theo cùng cách như các cuộc bầu cử chung thông thường. Cán bộ bầu cử liên bang và Bộ Nội vụ Liên bang chịu trách nhiệm thực hiện.
Tính đến nay, ba cuộc bầu cử quốc hội sớm đã được tổ chức tại Cộng hòa Liên bang Đức, đó là trường hợp của Thủ tướng Willy Brandt vào năm 1972, Thủ tướng Helmut Kohl vào năm 1983 và Thủ tướng Gerhard Schröder năm 2005.
Như Ý (Theo DW)
Nguồn Đại Biểu Nhân Dân : https://daibieunhandan.vn/chinh-phu-duc-dung-truoc-nguy-co-to-chuc-bau-cu-som-post395399.html