Chính phủ giao các bộ ngành đánh giá đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Vinspeed, báo cáo trước ngày 22/5

Chính phủ giao các bộ ngành đánh giá đề xuất đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam của Vinspeed, báo cáo trước ngày 22/5
7 giờ trướcBài gốc
Theo đó, Phó Thủ tướng giao các bộ, ngành liên quan tổ chức đánh giá toàn diện đề xuất của Vinspeed, đặc biệt là phương án chuyển đổi hình thức đầu tư từ ngân sách Nhà nước sang đầu tư tư nhân, đồng thời rà soát, hoàn thiện các cơ chế, chính sách đặc thù kèm theo.
Tại cuộc họp ngày 12/5 do Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà chủ trì, sau khi nghe báo cáo từ đại diện Vinspeed và các ý kiến thảo luận, Phó Thủ tướng nhấn mạnh tinh thần Nghị quyết số 68-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong đó khẳng định chủ trương tăng cường vai trò khu vực kinh tế tư nhân trong các dự án trọng điểm quốc gia, bao gồm hạ tầng giao thông như đường sắt tốc độ cao.
Các bộ, ngành tại cuộc họp bày tỏ sự ủng hộ bước đầu đối với đề xuất của Vinspeed, xem đây là nỗ lực tích cực trong việc xã hội hóa nguồn lực phát triển kết cấu hạ tầng chiến lược.
Tuy nhiên, do đề xuất bao gồm các cơ chế chính sách đặc thù và đề xuất chuyển hình thức đầu tư, Phó Thủ tướng yêu cầu phải báo cáo đầy đủ cấp có thẩm quyền và trình Quốc hội xem xét theo quy định.
Đối với dự thảo Nghị quyết thí điểm về một số cơ chế đặc thù phục vụ đầu tư phát triển hệ thống đường sắt, Bộ Xây dựng được giao chủ trì, phối hợp với các bộ ngành liên quan để rà soát và tiếp thu ý kiến, trình dự thảo báo cáo trước ngày 20/5. Các chính sách đưa vào dự thảo phải có tính chất áp dụng chung, minh bạch và tuân thủ pháp luật hiện hành.
Riêng đề xuất cụ thể cho dự án đường sắt tốc độ cao Bắc – Nam, Bộ Xây dựng sẽ tổng hợp ý kiến từ các bộ: Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Tài nguyên và Môi trường, Tư pháp, Ngân hàng Nhà nước… để báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ, trước khi trình cấp có thẩm quyền phê duyệt về chủ trương đầu tư và các chính sách đặc thù đi kèm.
Trong đó, Bộ Tài chính có trách nhiệm đánh giá kỹ tính khả thi của việc chuyển đổi hình thức đầu tư từ đầu tư công sang đầu tư tư nhân, khả năng cân đối nguồn vốn Nhà nước theo phương án doanh nghiệp vay ưu đãi (không lãi suất trong 35 năm), thời hạn hoạt động dự án lên đến 99 năm, khung giá vé tối thiểu theo từng hạng vé, cũng như các ưu đãi đầu tư khác.
Ngân hàng Nhà nước được giao xem xét kiến nghị không tính dư nợ vay của dự án vào tổng dư nợ của Tập đoàn Vingroup, đảm bảo tuân thủ Luật Các tổ chức tín dụng.
Các bộ khác như Công an, Quốc phòng, Công Thương, Khoa học và Công nghệ, Nông nghiệp và Môi trường… có trách nhiệm rà soát, đánh giá tác động của các cơ chế chính sách được Vinspeed đề xuất.
Công ty Vinspeed được giao chủ trì phối hợp với Bộ Xây dựng và Bộ Tài chính để hoàn thiện hồ sơ đầu tư. Đặc biệt, công ty cần xây dựng bảng so sánh chi tiết giữa hai phương án đầu tư - công và tư trên các tiêu chí như tiến độ, chi phí, hiệu quả tài chính, tính khả thi... nhằm làm rõ ưu thế của hình thức đầu tư tư nhân: nhanh hơn, hiệu quả hơn, tiết kiệm hơn cho ngân sách Nhà nước.
Đồng thời, Vinspeed cần làm việc với các bộ, ngành để hoàn thiện khung chính sách, đảm bảo tính pháp lý và hiệu lực thi hành, phục vụ công tác trình Chính phủ và Quốc hội xem xét.
Phó Thủ tướng yêu cầu Vinspeed tuân thủ nghiêm túc các nội dung cam kết, đồng thời chủ động xây dựng kế hoạch phát triển hệ sinh thái công nghiệp đường sắt, đóng vai trò đầu tàu dẫn dắt ngành trong trường hợp dự án được phê duyệt.
Về tiến độ, các bộ, ngành phải hoàn thành báo cáo đánh giá và gửi văn bản cho Bộ Xây dựng trước ngày 19/5. Bộ Xây dựng sau đó tổng hợp, báo cáo Ban Thường vụ Đảng ủy Bộ Xây dựng, trình Ban Thường vụ Đảng ủy Chính phủ trước ngày 22/5, đồng thời chuẩn bị báo cáo Quốc hội tại Kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XV nếu được cấp có thẩm quyền chấp thuận.
NH
Nguồn DNSG : https://doanhnhansaigon.vn/chinh-phu-giao-cac-bo-nganh-danh-gia-de-xuat-duong-sat-toc-do-cao-bac-nam-cua-vinspeed-bao-cao-truoc-ngay-22-5-317889.html