Chính phủ hối thúc giải ngân thêm 230 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trong hai tháng cuối năm

Chính phủ hối thúc giải ngân thêm 230 nghìn tỷ đồng vốn đầu tư công trong hai tháng cuối năm
5 giờ trướcBài gốc
Để giải ngân vốn đầu tư công bằng được trên 95% kế hoạch Thủ tướng giao, trong hai tháng cần giải ngân thêm tối thiểu 230 nghìn tỷ đồng (tương ứng 35%).
Theo Bộ Tài chính, tỷ lệ giải ngân ước 11 tháng thấp hơn cùng kỳ năm trước khi mà cùng kỳ năm 2023 đạt 59,4% kế hoạch và đạt 65,1% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao. Trong đó, ước giải ngân 11 tháng vốn ngân sách trung ương đạt tỷ lệ cao hơn cùng kỳ năm 2023; tuy nhiên vốn ngân sách địa phương giải ngân còn thấp.
Cũng theo Bộ Tài chính, hiện có 18 bộ, cơ quan trung ương và 40 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân so với tổng kế hoạch đạt trên mức bình quân chung của cả nước, đó là: Đài truyền hình Việt Nam (100%), Ngân hàng Chính sách xã hội (100%), Ngân hàng Nhà nước (84,83%), Văn phòng Trung ương Đảng (93,65%), Đài tiếng nói Việt Nam (81,43%), Bộ Giao thông vận tải (72%); Long An (80,03%), Thái Bình (79,06%), Tiền Giang (77,6%), Ninh Thuận (77,46%), Hòa Bình (77,32%)...
Tuy nhiên, vẫn còn 28 bộ, cơ quan trung ương và 23 địa phương có tỷ lệ ước giải ngân thấp hơn bình quân chung của cả nước. Đặc biệt, đến nay nhiều đơn vị giải ngân 0% là: Liên minh Hợp tác xã Việt Nam, Văn phòng Chính phủ, Văn phòng Chủ tịch nước.
"Một số bộ, cơ quan trung ương có tỷ lệ giải ngân rất thấp như: Ủy ban Trung ương Mặt trận tổ quốc Việt Nam (2,1%), Ủy ban dân tộc (6,87%), Đại học quốc gia Hồ Chí Minh (11,85%), Đại học quốc gia Hà Nội (14,49%)… Một số địa phương có tỷ lệ giải ngân dưới 40% như: TP. Hồ Chí Minh (22,52%), Phú Yên (30,78%), Bắc Ninh (34,13%), Kiên Giang (34,31%)..."
Báo cáo của Bộ Tài chính.
Đến nay, một số khó khăn vướng mắc liên quan đến thể chế đã được các bộ, ngành tổng hợp trình Chính phủ để trình Quốc hội xem xét sửa đổi các luật tại kỳ họp Quốc hội khóa XV.
Theo Bộ Tài chính, vẫn còn khó khăn, vướng mắc ảnh hưởng đến tiến độ giải ngân chưa được giải quyết dứt điểm như các vướng mắc về cơ chế chính sách; giải phóng mặt bằng, quy hoạch sử dụng đất và nguồn cung ứng nguyên vật liệu; vướng mắc ở các khâu hoàn thiện thủ tục đầu tư, quy trình giải ngân của các dự án ODA... cần được các bộ, ngành, địa phương, chủ đầu tư tích cực chủ động giải quyết để đẩy nhanh tiến độ giải ngân vốn đầu tư công.
Ngoài ra, một số địa phương như: Quảng Nam, Bình Phước, Hưng Yên, Tây Ninh, Hà Giang, Lai Châu, Điện Biên, Bắc Kạn gặp khó khăn khi nguồn thu tiền sử dụng đất chưa đạt được so với kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao; một số địa phương còn đạt tỷ lệ thấp do đấu giá quyền sử dụng đất các dự án khối tỉnh chưa kịp thời huy động vào ngân sách nhà nước; ngân sách cấp huyện, ngân sách cấp xã đã giao chi tiết kế hoạch vốn nhưng chưa có nguồn thu thực tế do vậy chưa có nguồn để bố trí và giải ngân cho các dự án đầu tư.
Quyết liệt thực hiện các nhiệm vụ, giải pháp đẩy mạnh giải ngân vốn đầu tư công những tháng cuối năm 2024, trong Công điện 115/CĐ-TTg 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tiếp tục đề cao trách nhiệm hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để giải ngân vốn đầu tư công phải đạt bằng được tỷ lệ trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Theo đó, các bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo chức năng, nhiệm vụ, thẩm quyền được giao tiếp tục quán triệt đầy đủ vai trò, ý nghĩa quan trọng của đầu tư công đối với phát triển kinh tế - xã hội, xác định giải ngân vốn đầu tư công là một trong những nhiệm vụ chính trị quan trọng hàng đầu của các cấp, các ngành, góp phần thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, tạo công ăn việc làm, sinh kế cho người dân. Vốn đầu tư công là nguồn vốn mồi dẫn dắt và thu hút, huy động các nguồn vốn khác trong xã hội cho đầu tư phát triển.
Tập trung đẩy mạnh công tác giải phóng mặt bằng, ưu tiên bố trí đủ kinh phí để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với phần diện tích có đủ điều kiện; thực hiện tốt công tác tuyên truyền, vận động, kiểm kê và đẩy nhanh thi công các khu tái định cư, sớm bàn giao mặt bằng để thi công.
Trong Công điện 115/CĐ-TTg 2024, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu lãnh đạo các đơn vị tiếp tục đề cao trách nhiệm hơn nữa, tập trung lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành triển khai thực hiện quyết liệt, kịp thời, hiệu quả hơn nữa các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm để giải ngân vốn đầu tư công phải đạt bằng được tỷ lệ trên 95% kế hoạch Thủ tướng Chính phủ giao.
Thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của lãnh đạo Chính phủ về tháo gỡ các khó khăn liên quan đến cấp phép mỏ, khai thác vật liệu đá, cát, đất; thực hiện các biện pháp kiểm soát giá và chất lượng nguyên vật liệu phục vụ các dự án đầu tư công đảm bảo nhanh, hiệu quả, đúng quy định pháp luật.
Nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động tổ công tác đặc biệt về giải ngân đầu tư công do chủ tịch ủy ban nhân dân cấp tỉnh làm tổ trưởng. Phân công lãnh đạo theo dõi, tăng cường tần suất kiểm tra, giám sát, đánh giá cụ thể kết quả thực hiện công việc trong từng tuần, bám sát tiến độ thực hiện dự án, xử lý ngay các tồn tại, bất cập, giải quyết các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư công.
Chủ động rà soát, đánh giá khả năng giải ngân của từng dự án, tổng hợp nhu cầu bổ sung vốn của các dự án và thực hiện điều chỉnh kế hoạch vốn từ những dự án chậm giải ngân sang dự án có khả năng giải ngân trong nội bộ của bộ, cơ quan trung ương, địa phương theo quy định.
Tăng cường công tác kiểm tra, đôn đốc, kịp thời tuyên dương, khen thưởng các tổ chức, cá nhân, đơn vị đạt kết quả tốt trong giải ngân vốn đầu tư công; kiên quyết xử lý nghiêm khắc các chủ đầu tư, ban quản lý dự án, tổ chức, cá nhân cố tình gây khó khăn, cản trở, thiếu trách nhiệm làm chậm tiến độ giao vốn, điều chỉnh vốn, thực hiện dự án và giải ngân vốn đầu tư công.
Ánh Tuyết
Nguồn VnEconomy : https://vneconomy.vn/chinh-phu-hoi-thuc-giai-ngan-them-230-nghin-ty-dong-von-dau-tu-cong-trong-hai-thang-cuoi-nam.htm