Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ.
Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính vừa ký Quyết định số 713/QĐ-TTg ngày 3/4/2025 thành lập Tổ công tác về tăng cường hợp tác, chủ động thích ứng với điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ (Tổ công tác).
Theo Quyết định, Phó Thủ tướng Chính phủ Bùi Thanh Sơn làm Tổ trưởng Tổ công tác.
Bộ trưởng Bộ Công Thương Nguyễn Hồng Diên là Tổ phó Tổ công tác.
Thành viên Tổ công tác gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính; Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam và lãnh đạo các Bộ, cơ quan: Ngoại giao, Quốc phòng, Công an, Nông nghiệp và Môi trường, Khoa học và Công nghệ, Xây dựng, Y tế, Văn hóa, Thể thao và Du lịch, Văn phòng Chính phủ.
Ngoài ra, thành viên Tổ công tác còn có lãnh đạo các cơ quan liên quan khác do Tổ trưởng quyết định.
Chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Tổ công tác
Tổ công tác có nhiệm vụ giúp Thủ tướng Chính phủ theo dõi sát diễn biến tình hình thế giới, khu vực, nhất là điều chỉnh chính sách kinh tế, thương mại của Hoa Kỳ để chủ động tham mưu, đề xuất, kiến nghị với Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ các biện pháp nhằm thích ứng linh hoạt, kịp thời, phù hợp, hiệu quả với tình hình thế giới, khu vực và các điều chỉnh chính sách của Hoa Kỳ thời gian tới, vượt qua thách thức, nắm bắt thời cơ, tiếp tục giữ vững môi trường hòa bình, ổn định, cục diện đối ngoại thuận lợi, tranh thủ tối đa các nguồn lực từ bên ngoài cho tăng trưởng và phát triển đất nước; chỉ đạo, phối hợp giữa các bộ, cơ quan và địa phương để thực hiện yêu cầu, nhiệm vụ được giao.
Tổ chức và hoạt động của Tổ công tác
Tổ công tác làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, đề cao trách nhiệm cá nhân và thực hiện quyền hạn, trách nhiệm theo Quy chế làm việc của Chính phủ, thẩm quyền và quy định pháp luật.
Bộ Công Thương là cơ quan thường trực của Tổ công tác, có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với Bộ Tài chính, Bộ Ngoại giao và các cơ quan liên quan và sử dụng bộ máy hiện có để tổ chức thực hiện nhiệm vụ được Tổ công tác giao, bảo đảm không tăng biên chế của Bộ được cơ quan có thẩm quyền giao.
Bộ Ngoại giao có nhiệm vụ chỉ đạo các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài thường xuyên theo dõi sát tình hình, cập nhật, trao đổi, thông tin, đề xuất, kiến nghị; kịp thời, tổng hợp báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác đối với các vấn đề có liên quan.
Các Bộ, cơ quan liên quan là thành viên Tổ công tác theo chức năng, nhiệm vụ thường xuyên rà soát, kịp thời cung cấp thông tin, đề xuất, kiến nghị gửi Bộ Công Thương, Bộ Ngoại giao để tổng hợp, báo cáo Tổ trưởng Tổ công tác.
Tổ trưởng Tổ công tác xem xét, quyết định việc thành lập Tổ giúp việc (trong trường hợp cần thiết).
Định kỳ thứ ba hằng tuần hoặc theo yêu cầu của Tổ trưởng Tổ công tác, cơ quan thường trực của Tổ công tác tổng hợp, báo cáo Thủ tướng Chính phủ, Tổ trưởng Tổ công tác về tình hình thực hiện các nhiệm vụ được giao.
Tổ công tác tự giải thể sau khi hoàn thành nhiệm vụ.
* Trước đó, ngày 2/4/2025 (giờ địa phương), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa của các quốc gia trên thế giới xuất khẩu vào Hoa Kỳ. Trong đó, Tổng thống Donald Trump tuyên bố áp thuế 46% lên hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ.
Ngay sau khi Hoa Kỳ công bố áp thuế đối với hàng hóa Việt Nam, Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã chủ trì cuộc họp của Thường trực Chính phủ với các bộ, ngành nhằm tìm giải pháp ứng phó sau khi Hoa Kỳ tuyên bố áp thuế đối ứng với các nước, trong đó có Việt Nam.
Bộ trưởng Bộ Công Thương cũng đã có Công hàm đề nghị phía Hoa Kỳ tạm hoãn quyết định áp thuế để dành thời gian trao đổi, tìm giải pháp hợp lý cho cả hai bên.
Ngày 2/4/2025 (giờ địa phương), Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump đã ban hành Sắc lệnh về thuế đối ứng áp dụng đối với hàng hóa nhập khẩu vào nước này.
Liên quan đến nội dung này, chiều 3/4, ông Tạ Hoàng Linh - Vụ trưởng Vụ Phát triển thị trường nước ngoài (Bộ Công Thương) đã chia sẻ với báo chí những quan điểm của Bộ Công Thương Việt Nam về vụ việc này trong đó có nêu một số vấn đề Bộ Công Thương khuyến nghị các doanh nghiệp trong nước:
Thứ nhất, đa dạng hóa thị trường xuất khẩu, khai thác hiệu quả các thị trường trọng điểm, thị trường truyền thống, cũng như phát triển các thị trường nhỏ, thị trường ngách và khai mở những thị trường tiềm năng mới.
Thứ hai, nâng cao chất lượng sản phẩm, đảm bảo sản phẩm đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật, lao động và môi trường của các thị trường xuất khẩu, nhằm tăng khả năng cạnh tranh và giảm nguy cơ bị áp dụng các biện pháp phòng vệ thương mại.
Thứ ba, kiểm soát xuất xứ nguyên vật liệu: Chú trọng kiểm soát xuất xứ nguồn cung nguyên vật liệu phục vụ sản xuất, đảm bảo tuân thủ các quy tắc xuất xứ trong FTA và tránh rủi ro liên quan đến gian lận thương mại.
Thứ tư, tăng cường năng lực phòng vệ thương mại. Các doanh nghiệp nâng cao nhận thức và khả năng ứng phó với các biện pháp phòng vệ thương mại từ nước ngoài, thông qua việc cập nhật thông tin và tham gia các khóa đào tạo liên quan.
Thứ năm, chủ động cập nhật thông tin thị trường, thường xuyên theo dõi, cập nhật thông tin về thị trường và chính sách thương mại của các quốc gia, để kịp thời điều chỉnh chiến lược kinh doanh phù hợp.
Xuân An