Thủ tướng Pháp. Ảnh: France24
Theo BBC và The Guardian, nguy cơ trên hiển hiện sau khi Thủ tướng Barnier quyết định sử dụng các quyền đặc biệt để thông qua ngân sách an sinh xã hội tại hạ viện. Dù Thủ tướng đã nhượng bộ vào phút chót song nó không đủ để nhận được sự ủng hộ của đảng cực hữu Tập hợp Quốc gia (RN).
Lãnh đạo đảng RN, bà Marine Le Pen cho biết, RN sẽ đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm của riêng mình và sẽ bỏ phiếu cho bất kỳ dự luật nào tương tự từ các đảng khác.
Các đối thủ cực hữu và cánh tả của Thủ tướng Pháp Barnier có 24h để đệ trình kiến nghị bất tín nhiệm và cuộc bỏ phiếu chống Thủ tướng có thể diễn ra sớm nhất vào ngày 5/12. Lần cuối cùng một chính phủ Pháp buộc phải từ chức trong một cuộc bỏ phiếu như vậy là năm 1962.
Thủ tướng Barnier đã đấu tranh để dự luật ngân sách 2025 được Hạ viện thông qua. Chính phủ hiện cố gắng kiềm chế thâm hụt công ngày càng tăng thông qua tăng thuế và cắt giảm chi tiêu trị giá 60 tỷ Euro.
Nếu tất cả các chính trị gia của RN cùng phe cánh tả bỏ phiếu để lật đổ Thủ tướng Barnier, chính phủ Pháp sẽ sụp đổ. Ông Barnier đã thúc giục các chính trị gia không ủng hộ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm và nói với họ: "Chúng ta đang ở trong thời điểm của sự thật. Người dân Pháp sẽ không tha thứ cho chúng ta vì đặt lợi ích cá nhân lên trên tương lai đất nước".
Kể từ khi được thành lập vào tháng 9, chính phủ thiểu số của Thủ tướng Barnier đã phải dựa vào sự ủng hộ của RN để tồn tại. Đảng Tập hợp Quốc gia là đảng lớn nhất trong Quốc hội Pháp gồm 577 ghế, với hơn 140 đại biểu.
Hoài Linh